20/06/2024 08:19
Báo Anh Dũng chữ Khmer viết tay số 11, năm thứ 8, có 12 trang phát hành ngày 20/6/1971 lưu trữ tại Bảo tàng văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Sau 03 năm (1960 - 1963), vừa tranh đấu, vừa chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật, vật tư nghề báo trong điều kiện hoàn toàn bí mật trước lưỡi lê, họng súng khát máu của quân thù xâm lược, tháng 6/1964, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh đã công khai cho ra mắt công chúng trong và ngoài tỉnh tờ báo tự hào mang tên Anh Dũng - Cơ quan tranh đấu của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh.
Tên báo Anh Dũng tỉnh Trà Vinh xuất bản năm 1964, phát hành liên tục trong kháng chiến đến 30/4/1975, là xuất phát bởi niềm tự hào từ hai chữ anh dũng trong bức công điện ngày 22/12/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương chiến sĩ mặt trận Trà Vinh những ngày đầu cùng Nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - Theo đó:
Ngày 22/12/1945, tờ báo “Vì Nước” ở Hà Nội đăng bức công điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung:
“Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ ở mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn. Toàn thể đồng bào noi gương các bạn”. (Theo: “Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh 30 năm kháng chiến (1945 - 1975)” - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành tháng 4/1998 (trang 32).
Sau khi báo Anh Dũng xuất bản số đầu tiên, Ban Tuyên huấn tỉnh di chuyển căn cứ từ rừng Long Vĩnh, huyện Duyên Hải về xây dựng căn cứ bám trụ tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, sau đó chuyển qua, khi ở ấp Ngọc Hồ, khi ở ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè - quê hương chị Út Tịch, người nữ du kích Tam Ngãi anh hùng có câu nói bất hữu: “Với giặc Mỹ, còn cái lai quần cũng đánh”.
Tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ có hơn 30% dân số là đồng bào Khmer. Đồng bào Khmer biết chữ phổ thông (chữ Việt) rất ít. Đồng bào Khmer, ngoài các vị chư tăng trong nhà chùa, người dân bên ngoài biết chữ Khmer lại càng ít hơn. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, sau khi ra mắt bạn đọc số đầu tiên, Ban Tuyên huấn tỉnh chỉ đạo Tiểu ban Thông tấn báo chí dịch chữ Việt báo Anh Dũng thành phiên bản báo Anh Dũng chữ Khmer, phổ biến đến chư tăng trong các chùa, để các vị chư tăng truyền đạt nội dung ra đồng bào Phật tử, con sóc và binh lính người Khmer trong hàng ngủ địch. Lúc bấy giờ, Nhà in Anh Dũng đã tiến bộ, có bộ chữ chì “ti pô” in báo Anh Dũng chữ Việt, nhưng trên máy đánh chữ Nhà in Anh Dũng và cả cơ quan Ban Tuyên huấn tỉnh chưa có bàn phím mẫu chữ cái chữ Khmer - (Bàn phím máy đánh chữ Khmer được phát minh vào năm 1952 bởi một học giả, nhà triết học Keng Vannsak người Campuchia 1925 - 2008, sinh sống tại nước Pháp (Thông tin tham khảo từ Wikipedia tiếng Việt)).
Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh phân công 04 cán bộ phiên dịch là 04 nhà sư vừa hoàn tục, rời chùa đi kháng chiến do Ban Tuyên huấn tỉnh cử sang, đó là đồng chí Thạch Niện (1941), quê quán xã Châu Điền, huyện Cầu Kè; Acha Kim Sim (Chín Soái), quê quán ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Cầu Ngang, Thạch Hăng (Lục Hăng), quê quán huyện Cầu Kè và đồng chí Sơn Chum (Hai Nam - 1950), quê quán xã Đôn Châu, huyện Trà Cú thành lập tổ biên dịch làm nhiệm vụ dịch và kẻ chữ tựa như tên báo, tin tức, phóng sự chữ Việt trên báo Anh Dũng thành chữ Khmer.
Liệt sĩ Sơn Chum (Hai Nam, ảnh bên trái) ông Thạch Niện (giữa) và Acha Kim Sim (Chín Soái) - Là 03 trong số những biên dịch viên, viết giấy sáp trên bản kẻm Báo Anh Dũng tỉnh Trà Vinh, phiên bản chữ Khmer trong kháng chiến (Ảnh: Tư liệu Báo Trà Vinh và Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Binh Minh)
Sau khi có ma-két và bản dịch báo Anh Dũng chữ Khmer, 04 đồng chí Thạch Niện, Kim Sim, Thạch Hăng và Sơn Chum, kê giấy sáp (một loại giấy chuyên dụng của ngành in) lên bảng kẽm, dùng bút kim sắt viết chữ Khmer lên giấy sáp, khổ 20 x 30cm. Kỹ thuật viết là làm sao cho nét bút kim sắt vừa thấu qua giấy sáp chạm vào mặt bảng kẽm thật láng phẳng, không bị vết “rỗ”, dù rất nhỏ phía dưới mà tờ giấy sáp vẫn không bị biến dạng, để khi tờ giấy sáp dán lên trục quay máy in roneo có pha sẵn mực trong trục, người công nhân nhà in dùng tay quay trục máy roneo, mực in sẽ theo nét viết của bút sắt thấm gọn ghẻ lên giấy in thành trang in. Đây là 04 đồng chí viết tay chữ Khmer được cho là rất đẹp và có năng khiếu viết trên giấy sáp. Sau đó, 03 đồng chí Thạch Niện, Thạch Hăng và Sơn Chum mang bản ma-két báo Anh Dũng chữ Khmer đến Nhà in Anh Dũng để in.
Nhà in Anh Dũng, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ chưa có người biết chữ Khmer, nên chỉ hỗ trợ kỹ thuật in ấn để hai đồng chí Thạch Niện, Sơn Chum kiểm tra kỹ thuật, dò, dán chữ sai đến hoàn thành ấn phẩm báo Anh Dũng chữ Khmer như cán bộ kỹ thuật thực thụ của Nhà in Anh Dũng. In xong, hai đồng chí trực tiếp phát hành báo Anh Dũng chữ Khmer qua đường bưu điện tỉnh đến bạn đọc là cán bộ, chiến sĩ dân tộc Khmer và các vị chư tăng các chùa Khmer trong tỉnh. Tờ báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer đầu tiên được ra mắt bạn đọc vào năm 1964.
Ngoài việc biên dịch báo Anh Dũng chữ Việt sang báo Anh Dũng chữ Khmer, tổ biên dịch chữ Khmer báo Anh Dũng còn dịch tài liệu tuyên truyền, tài liệu huấn học và cả Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973, từ chữ Việt sang chữ Khmer theo yêu cầu chỉ đạo công tác tuyên truyền, công tác đào tạo cán bộ của Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, phải mất hơn 08 tháng, tổ biên dịch chữ Khmer Tiểu ban Thông tấn báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh mới cùng đồng đội hoàn thành một số báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer 12 trang, khổ 20 x 30cm, đưa đến tay bạn đọc - Cũng trong hoàn cảnh chiến tranh đó, báo Anh Dũng chữ Việt khổ 28 x 42cm, 08 trang, chỉ chưa đầy 02 tháng, Tiểu ban Thông tấn báo chí đã cùng đồng đội cho phát hành tới tay bạn đọc một số báo.
Ngày 08/01/1974, nhà báo, biên dịch viên báo Anh Dũng chữ Khmer Sơn Chum, sinh năm 1950, bị địch phục kích bắn hy sinh trên đường đi công tác tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú (nay là huyện Duyên Hải). Từ đó cho đến ngày cách mạng thành công 30/4/1975, báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer vẫn do các đồng chí Thạch Niện, Kim Sim, Thạch Hăng viết tay trên giấy sáp trước khi in ấn. Mặc dù chỉ viết tay trên giấy sáp, nhưng báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer vẫn in trang nhứt hai màu sắc đẹp. Thành tựu này có sự nỗ lực đóng góp rất cao về kỹ thuật của cán bộ, công nhân Nhà in Anh Dũng (chúng tôi có bài riêng nói về Nhà in Anh Dũng). (Xem thêm bài “Công nhân Nhà in Anh Dũng - Ban Tuyên huấn Trà Vinh: Khẩn trương trong những ngày tháng 3/1975” - Cùng tác giả - Báo Trà Vinh điện tử ngày 25/3/2024).
Giữa lúc cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh Trà Vinh bước vào giai đoạn ác liệt, đương đầu với vũ khí tối tân trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, sự ra đời của báo Anh Dũng hai thứ chữ Việt - Khmer, binh chủng làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, của Ban Tuyên huấn tỉnh, của phong trào cách mạng của quân và dân tỉnh Trà Vinh có thêm những “chiến sĩ xung kích”.
Trọn vẹn trang nhứt báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer số 11, năm thứ 8, có 12 trang phát hành ngày 20/6/1971, in tại Nhà in Anh Dũng tỉnh Trà Vinh, lưu trữ tại Bảo tàng văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Bảo tàng văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh còn lưu giữ hiện vật tờ báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer số 11, năm thứ 8, phát hành ngày 20/6/1971, tờ báo có 12 trang, đăng trên trang nhứt bài phóng sự nhan đề: “Làm theo lời Bác Hồ dạy, Bộ đội và nhân dân Trà Vinh qua hơn 01 năm đánh địch tiếp tục giành thắng lợi to lớn”, bài phóng sự cho biết: trong năm 1970 và 06 tháng đầu năm 1971, thực hiện chiến lược “Việt nam hóa chiến tranh” đế quốc Mỹ gây ra vô vàn tội ác với Nhân dân Trà Vinh, hơn 1.000 đồng bào vô tội bị bắn giết, hơn 1.000 ngôi nhà dân bị binh sĩ quân đội Việt Nam cộng hòa đốt phá; quân dân Trà Vinh đánh địch loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên, thu hơn 1.000 súng các loại. Hơn 1.000 binh sĩ bỏ hàng ngủ địch mang hơn 600 súng trở về với Nhân dân.
11 năm làm “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận tư tưởng và tuyên truyền, tổ dịch thuật, trình bày, in ấn, phát hành báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
11 năm làm “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận tư tưởng và tuyên truyền, có 01 đồng chí biên dịch viên, 07 cán bộ, công nhân Nhà in Anh Dũng đã hy sinh trong chiến đấu chống địch càn quét, bảo vệ căn cứ Nhà in, bảo vệ những trang in tràn đầy nhiệt huyết của người làm báo kháng chiến và được công nhận liệt sĩ.
Tên Báo Trà Vinh hai thứ chữ Việt - Khmer từ năm 1960 đến nay. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Từ sau ngày cách mạng thành công 30/4/1975 đến nay, Báo Anh Dũng phiên bản chữ Khmer được đổi tên thành báo Vĩnh Trà, báo Cửu Long phiên bản chữ Khmer và hiện nay là báo Trà Vinh phiên bản chữ Khmer, phát hành định kỳ theo Luật Báo chí.
Một nén tâm nhang, kính cẫn nghiêng mình, bày tỏ lòng tri ơn trước sự đóng góp lớn lao và sự hy sinh anh dũng của các đồng chí vì sự nghiệp báo chí kháng chiến tỉnh nhà.
TRẦN ĐIỀN
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 là “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.