21/06/2024 08:06
Bìa 1 (trang 1) báo in hình công nhân Trần Văn Cứng, Đội trưởng đội tăng viện 2, Chi cục Cơ giới nông nghiệp tỉnh Cửu Long đang lái máy cày trên đồng ruộng Cửu Long, trên tinh thần “bỏ 01 đường cày đầu bờ cũng có lỗi với nông dân”, của tác giả Xuân Hiếu.
Bìa 4 (trang 24), báo in hình cô giáo Kim Ngọc Lan, 08 năm xa quê, gắn bó với học sinh ở Ấp 4, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè. Cô đã vượt qua nhiều khó khăn cùng học sinh “dạy tốt, học tốt”, trở thành tấm gương sáng của ngành giáo dục tỉnh Cửu Long, của tác giả Nguyễn Tân.
Bìa 2 (trang 2) và bìa 3 (trang 23), báo in 12 mẫu thiệp chúc mừng năm mới của 12 doanh nghiệp quốc doanh trong tỉnh.
Trang 3 báo in Thiệp chúc mừng năm mới Xuân Giáp Tý 1984 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cửu Long và bài Xã luận của báo nhan đề: “Chào xuân 84 Chào mừng kỳ công rực rỡ”- Nội dung bài xã luận cho biết: Năm 1983 “tổng sản lượng lương thực đạt 780.000 tấn, con số cao nhứt kể từ sau ngày giải phóng đến nay, đạt bình quân đầu người 460kg lúa…”.
Trang 4 báo đăng 2 bài của tác giả Bích Hà cho biết: Đảng bộ hai huyện Vũng Liêm và Trà Cú vừa được Ban Bí thư Trung ương Đảng công nhận Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh với thành tựu tiêu biểu. Nông nghiệp huyện Vũng Liêm đang “phát triển song song với công nghiệp”, huyện “Trà Cú nông nghiệp phát triển vững chắc”. Mục Bạn có biết trên trang 4, báo cho biết: năm 1983, toàn tỉnh Cửu Long kết nạp mới 1.699 đảng viên, nâng đảng số Đảng bộ tỉnh Cửu Long cuối năm 1983 có 13.400 đảng viên, bằng 0,8% dân số.
Trang 5 báo đăng bài thơ khá dài (123 câu) của tác giả Năm Vận (Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh 1963 - 1965) viết tháng 11/1983 với tựa đề “Cửu Long ta đã đến đây”. Mục “Nối tiếp truyền thống Toàn dân nổi dậy đoàn kết lập công”, trên trang 5 báo đưa tin: Năm 1983, tinh nhà “đầu tư 30 triệu đồng cho ngành thủy sản mua sắm phương tiện, trong đó có 500 khẩu đáy biển, 120 dàn đăng mé…”, “trồng mới 268ha dừa ở các nông trường quốc doanh huyện Duyên Hải.”
Báo dành trọn trang 6 đăng bài “Những mùa lúa vui” của tác giả Đoàn Hồng và 4 ảnh minh họa của tác giả Quốc Hội, phản ánh sinh động tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân toàn tỉnh năm 1983.
Trang 7 của báo được các tác giả Phạm Thị Hân, Nguyễn Kim Thanh, “Ghi nhận trong mùa huy động lương thực ở Bình Minh” và Cầu Ngang. Tác giả Hoài Nhi phản ánh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của nông dân ấp Ô Trao, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần qua bài viết “Tết này ở Ô Trao”.
Trang 8 báo đăng bài “Mùa Xuân của tình bạn” của tác giả Hoàng Việt và ảnh minh hoạ của tác giả Trần Lâm, bài báo phản ánh tình bạn giữa Nhân dân tỉnh Cửu Long (Việt Nam) với Nhân dân tỉnh Kompomspư (Campuchia) kết nghĩa, nhân dịp nhân dân Campuchia kỷ niệm 05 năm thoát họa chế độ diệt chủng Pôn Pốt (07/01). Nội dung bài báo “Lân “Ky” đụng Lân thiệt” trên trang 08 được tác giả Phạm Thành Thông phản ánh về 02 đoàn lân của xã đi phục vụ đồng bào đúng vào dịp Mùng 01 Tết năm trước ở một vùng nông thôn trong tỉnh, đụng mặt nhau và xảy ra cuộc tranh cải rất hài hước.
Trang 9 báo đăng bài viết “Trừ họa” của tác giả Trần Văn Đất, phản ánh những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân trong quá trình tổ chức Tập đoàn sản xuất nông nghiệp mà theo tác giả, những mâu thuẫn đó cần phải được chính quyền xem xét thấu đáu, giải quyết kịp thời, tránh xảy ra những “hậu họa” đáng tiếc. Bài viết “Chuyện bí mật” của tác giả Hải Triều (Báo Công an Cửu Long) giới thiệu: Chuẩn úy Hà Văn Sĩ, tổ trưởng công an đường phố Phường 5, thị xã Trà Vinh, hai năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, là đáo hoa xuân trong phong trào thi đua học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với Công an nhân dân.
Báo Cửu Long Xuân 84 dành 1/2 trang 10 đăng bài viết của tác giả Nguyễn Doãn Linh, Giám đốc Xí nghiệp dược phẩm Cửu Long, nhan đề “Món quà Xuân dâng Đảng” và 02 ảnh minh hoạ của tác giả Mai Vân và Phương Thảo - Bài viết mở đầu: Xuân đứng trên sân khấu, đôi mắt đen nhánh ánh lên long lanh, điệu lý chiều chiều, dân ca Nam Bộ ngân nga, chứa đựng cả một niềm tin mãnh liệt - anh cùng em đến đây, cùng nhau sản xuất gắng công đêm ngày, cho thuốc ra thật nhiều…” - và bài viết kết thúc: “Bạn đồng nghiệp ơi, những công nhân, những diễn viên không chuyên của xí nghiệp, trong đó có Xuân, hãy hát nữa đi, hát to lên. Mùa Xuân đến rồi đó”. 1/2 trang 10 còn lại báo dành đăng bài viết tựa đề “300 tấn, con số đẹp như mùa Xuân” của tác giả Minh Tâm và tấm ảnh báo chí minh họa của tác giả Hoàng Phước - bài báo phản ánh không khí thi đua lao động sản xuất của công nhân Xí nghiệp Đông lạnh 19/5, năm đầu tiên hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao năm 1983 với 300 tấn tôm đông lạnh xuất khẩu.
Báo Cửu Long Xuân 84 dành trọn trang 11 đăng bài tổng hợp: “Trong ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”. Trong bài tổng hợp này, tác giả Quế Hương cho biết: Xí nghiệp đóng tàu Cửu Long, đơn vị 04 năm liền hoàn thành vượt mức kế hoạch; Xí nghiệp nước đá hoàn thành vượt mức kế hoạch trước thời gian quy định 01 tháng; Hợp tác xã dệt thảm, chiếu Vũng Liêm tổ chức sản xuất và chăm lo tốt đời sống xã viên. Tác giả Huỳnh Mười đưa tin: Xí nghiệp cơ khí 02/9 thị xã Trà Vinh vừa xây dựng, vừa sản xuất tốt. Tác giả Nguyễn Mười phản ánh: xí nghiệp Hợp tác xã sửa chữa xe hơi Cửu Long, 05 năm sửa chữa gần 6.000 xe hơi.
Nữ phóng viên Báo Cửu Long. Ảnh tư liệu Báo Vĩnh Long
Trang 12 và 13 báo Cửu Long Xuân 84 dành đăng 06 mẫu chuyện dưới nhan đề chung: “Những gương mặt mùa Xuân” của các tác giả: Xuân Hiếu, Nguyễn Tân, Hồng Thư, Mai Vàng, Thanh Châu và Phạm Thị Hân. Mục “Nối tiếp truyền thống Toàn dân nổi dậy đoàn kết lập công” tiếp theo cho biết: đến cuối năm 1983, toàn tỉnh Cửu Long có 11.000 hộ dân có đồng hồ điện kế, 23 xã có điện thoại, 2.688 cán bộ y tế trong biên chế Nhà nước, trong đó có 72 bác sĩ.
Báo dành trọn trang 14 đăng 04 bài thơ: “Bài thơ cho em” của tác giả Thanh Hùng, “Tình trong quê mới” của tác giả Trần Điền, “Về Phú Mỹ mùa Xuân” của tác giả Trần Mộng Hoàng, “Lại một mùa Xuân” của tác giả Ngọc Mẫn. Trong bài thơ “Tình trong quê mới” của tác giả Trần Điền có 09 câu mở đầu tha thiết:
“Này anh nhé!
Cho được gọi quê em là Duyên Hải
Nơi lâu lắm rồi, em nghe anh nói
Có muỗi nhiều, nước mặn rừng sâu
Và người Mẹ kính yêu xưa mưa nắng dãi dầu
Dạy con khoét hầm sâu đo lòng chung thủy
Nuôi chí lớn bao lớp người đứng dậy
Dựng biển khơi thành chiến luỹ anh hùng
Mỗi độ đông tàn, mang biển cả vào Xuân…”
Trang 15 báo dành đăng truyện ngắn “Chiếc máy xới” của tác giả Hiền Lương, nội dung câu chuyện dệt nên mối tình đẹp như mùa Xuân giữa anh công nhân lái máy xới người miền Bắc tên Cường với cô Thu, giáo viên Trường công nhân kỹ thuật Cửu Long.
Trang 16 báo đăng bài viết của tác giả Ngọc Dũng nhan đề “Gặp những người nội trợ của nhân dân”, tác giả khắc họa hình ảnh: “Đến quầy hàng Hợp tác xã, hai mẹ con bàn nhau mua 01 chai nước tương, một bó rau muống, ngần ấy ngót 20 đồng, so với ngân sách gia đình, thu nhập từ lương, chị đắn đo là phải” (vào thời điểm này, đời sống của Nhân dân tỉnh ta còn nghèo lắm).
Trang 17 giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Thị Hân, biểu dương gia đình ông Trần Văn Nhàn ở chợ Giồng Lức, ấp Đầu Giồng, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành. Bài viết nhan đề “Hạnh phúc” của tác giả Nguyễn Thị Phong Linh, phản ánh sự khác nhau về nhận thức trong cuộc sống mới của đôi bạn trẻ, họ đã trãi qua một thời gian khá dài tranh cãi nhưng không bỏ cuộc, để rồi dẫn đến một cái kết viên mãn ở cuối bài khi chàng trai hỏi: “Mùa Xuân này chúng ta làm tuyên hôn, em đồng ý không?”/“Tôi không nói nhưng tôi nắm chặt tay anh sung sướng, tự nhiên trào nước mắt”.
Trang 18 báo Cửu Long Xuân 84 dành đăng các bài, tranh, ảnh dành cho thiếu nhi của các tác giả: Mỹ Ngọc, Văn Cẩm Thơ, Trần Hồng Thắng, Lê Triều Điển, Tô Ly Lan, Thanh Liên, đặc biệt có tấm ảnh “Các em thiếu nhi viếng Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức, thị xã Trà Vinh” năm 1983, ngôi Đền chưa trùng tu còn mộc mạc, đơn sơ của tác giả Vương Trạm.
Trang 19 báo dành đăng bài của cộng tác viên như bài “Du lịch, ngành công nghiệp không khói” của tác giả Lý Hoàn Cảnh (Công ty Du lịch) và bài “Những mẩu chuyện tiếp xúc trong ngày” của tác giả Đổ Văn Kính (Ban Giáo dục chuyên nghiệp).
Trang 20 báo đăng bài “Ghi chép về một cụm văn hóa liên doanh tập đoàn” của tác giả Tô Ly Lan (thị xã Vĩnh Long) và bài “Điểm sáng Ánh Bình Minh” của tác giả Nguyễn Tân, giới thiệu về hoạt động Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Cửu Long. Cũng trên trang 20, báo đăng 04 bức ảnh của các tác giả Lê Nam Thắng, Phương Thảo và Vương Trạm, giới thiệu: Đoàn ca múa và kịch nói Cửu Long, Tiết mục đoạt Huy chương Vàng hội diễn văn nghệ quần chúng năm 1983, Điệu múa Mô-nô-rum (Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh).
Trang 21 và 22, báo đăng bức “Tranh xây dựng” của tác giả Lê Phúc, bài viết “Cửu Long dậy sóng” của tác giả Nguyễn Hồng Trung và 04 bức ảnh nghệ thuật của các nhà nhiếp ảnh không chuyên: Lê Huyền Thanh, Minh Hiền, Quý Dương, Công Thành… Cuối trang 22, báo ghi giá bán 15 đồng, tăng 05 đồng so với báo Cửu Long Xuân 1983.
Và còn nhiều nội dung thông tin quan trọng khác trãi dài trên 24 trang báo mà trong khuôn khổ bài viết này, tôi chưa tiện đề cập.
Giữ vai trò lãnh đạo Báo Cửu Long năm 1983 - 1984 có: Tổng Biên tập Phạm Văn Hướng (1948 - 2002), quê quan ấp Số 9, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long; Phó Tổng biên tập Đoàn Hải Nhân (Phù Sa - 1946), quê quán xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm.
Tháng 3/1992, Báo Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ 15 năm phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh Cửu Long và được chia thành hai cơ quan Báo Trà Vinh và Báo Vĩnh Long ngày nay.
Giáp Tý 1984 - Giáp Thìn 2024 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 “Hai mươi tư” gặp bạn cũ trên báo cũ “Tám mươi tư” - Tưởng mới đó mà 40 mùa Xuân đã trôi qua. Vẫy tay chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, tiện tay, tôi giũ bụi thời gian, gặp lại những người một thời là đồng nghiệp. Nếu còn sống, những người bạn chúng ta vừa “gặp gỡ” trên đây đã bước vào (hoặc sắp bước vào) tuổi “thất thập niên”.
Chúc các bạn an lạc. Mãi tự hào!
TRẦN ĐIỀN
(Cựu phóng viên Báo Cửu Long)
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31%. Thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng cao, trong đó, công tác vận động, tranh thủ vai trò người có uy tín được lực lượng công an các cấp thực hiện có hiêu quả, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.