21/06/2023 05:49
Sau khi có chủ trương tái lập tỉnh, ngày 16/3/1992 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long ban hành Quyết định số 703-QĐ/TU “Về việc chỉ định Ban lãnh đạo Báo Trà Vinh”. Theo đó, Ban lãnh đạo Báo Trà Vinh gồm: đồng chí Phạm Văn Hướng, Tổng Biên tập; đồng chí Ngô Thanh Hòa, Thư ký Tòa soạn; đồng chí Huỳnh Phước Long, Trưởng phòng Biên tập chữ Khmer. Tiếp đến, ngày 19/3/1992, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cửu Long ban hành Quyết định số 22/QĐ-TC “Về việc phân bổ lực lượng cán bộ, công nhân viên cho các ngành hệ Đảng, đoàn thể của 02 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh”. Theo quyết định, Báo Trà Vinh có 15 phóng viên, nhân viên.
Ngay sau khi có quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cửu Long và Công văn số 118-CV/TT của cơ quan Thường trú Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Ban lãnh đạo Báo Trà Vinh bắt tay vào việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, phân công cán bộ, phóng viên, xây dựng kế hoạch hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích của báo.
Theo đó sẽ xuất bản định kỳ mỗi tuần 02 số báo Trà Vinh chữ Việt phát hành vào ngày thứ Năm và Chủ nhật (báo phát hành ngày Chủ nhật là báo chuyên đề về an ninh trật tự) và 01 số báo Trà Vinh chữ Khmer. Ngoài lực lượng phóng viên trực tiếp công tác tại cơ quan, báo còn mở rộng mạng lưới cộng tác viên ở các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị xã trong tỉnh và một số cộng tác viên ngoài tỉnh đã gắn bó thời Báo Cửu Long. Trụ sở báo đặt tại 18A Lê Lợi, Phường 1, thị xã Trà Vinh (nay là 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh).
Báo Trà Vinh - Tiếng nói của Nhân dân tỉnh Trà Vinh năm thứ 32 bộ mới số 1 (ngày 11/5/1992 - 18/5/1992), in ốp-sét 02 màu (đỏ, đen hoặc xanh, đen), 08 trang, khổ 28 cm x 42 cm, phát hành mỗi tuần 02 số vào ngày thứ Năm và Chủ nhật với số lượng số thứ Năm 3.000 bản/kỳ; số Chủ nhật: 20.000 bản/kỳ; giá bán 450 đồng/bản. Báo Trà Vinh in tại Nhà in Nguyễn Văn Thảnh, tỉnh Vĩnh Long, sắp chữ điện tử tại Ngân hàng Vĩnh Long.
Tại trang nhất số báo đầu tiên, Ban Biên tập cho đăng Lời ra mắt của Tổng Biên tập Phạm Văn Hướng: “Trong phiên họp lần thứ 10 Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định phân vạch địa giới hành chính tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Trà Vinh - Vĩnh Long.
Thực hiện quyết định này, kể từ ngày hôm nay, Báo Trà Vinh xin ra mắt cùng bạn đọc, báo Trà Vinh sẽ kế tục sự nghiệp của báo Anh Dũng (tỉnh Trà Vinh) trước đây và báo Cửu Long sau 17 năm giải phóng đến nay đã tròn 32 tuổi. Tỉnh Trà Vinh mới tách ra hãy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tiền vốn phục vụ cho phát triển sản xuất, đời sống Nhân dân…Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh đang đứng trước những khó khăn, thử thách lớn. Báo Trà Vinh khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đấu làm tròn nhiệm vụ của cơ quan thông tin đại chúng trên mặt trận chính trị tư tưởng phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, làm tròn chức năng là công cụ của Đảng bộ và tiếng nói của Nhân dân tỉnh Trà Vinh. Phát huy truyền thống của báo chí cách mạng và những kinh nghiệm quý báu của báo chí tỉnh nhà nhiều năm qua, học tập kinh nghiệm của các báo bạn, Báo Trà Vinh tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới báo chí hoàn thành nhiệm vụ được giao. Báo Trà Vinh mong nhận được nhiều tin, bài, tranh, ảnh, thơ…cộng tác của các bạn đồng nghiệp gần xa, chân thành tiếp thu ý kiến phê bình của bạn đọc, mong được sự dìu dắt của Đảng bộ cho tờ báo ngày càng tốt hơn”. |
Báo Trà Vinh số 1 đăng nổi bật những thông tin liên quan đến sự kiện chia tách tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Trên trang nhất, Báo đăng trang trọng danh sách Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, gồm 22 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 04 đồng chí, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Tỉnh ủy. Cũng ở trang nhất với chuyên mục “Đưa Nghị quyết vào cuộc sống”, báo đưa một số tin nổi bật như: “Gần 10 tỷ đồng tiền phát hành kỳ phiếu được đầu tư phát triển nông nghiệp”; “Phường 1, thị xã Trà Vinh vận động Nhân dân học văn hóa”; “Việc lập lại trật tự giao thông nội ô thị xã Trà Vinh có kết quả khả quan”... Toàn bộ trang 2 và trang 7 đăng bản bồ ranh giới hành chính tỉnh Trà Vinh, diện tích, dân số của tỉnh; diện tích và dân số của 07 huyện, thị xã, gồm: thị xã Trà Vinh, huyện Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải.
Trang 3 là Chuyên mục “Xây dựng Đảng”, có các bài viết “Để có một Đảng bộ mạnh: Không quên những vặt vãnh của đời thường” của Ngọc Diệp; bài “Tiểu Cần: Phụ nữ Long Thới luôn vững bước đi lên” của Dương Thu; bài “Duyên Hải: Chủ trương vận động thu tiền trợ cấp giáo viên và sửa chữa trường lớp”; chuyên mục Kể chuyện tryền thống có bài: “Tập đánh nhưng vẫn thắng” của tác giả Trường On.
Trang 6, báo đăng bài viết của đồng chí Triệu Văn Bé, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh với tiêu đề: “Nghĩ về ngày mai trên đất Trà Vinh”. Sau khi nêu bật những thành tựu của Trà Vinh đã đạt được sau 16 năm từ khi hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long sáp nhập thành tỉnh Cửu Long, bài viết đề cập những hạn chế, yếu kém của tỉnh Trà Vinh, nguyên nhân những hạn chế yếu kém và nêu những định hướng để Trà Vinh phát triển trong thời gian tới và lời kết “... Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Trà Vinh chúng ta cần phải phát huy sức mạnh truyền thống “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, tạo nên bản lĩnh chiến đấu mới để hướng tới ngày mai. Một Trà Vinh mới đang vẫy gọi chúng ta”.
Sau khi số báo đầu tiên ra mắt và được bạn đọc đón nhận. Các số báo Trà Vinh tiếp theo bắt đầu định hình dần các chuyên trang, chuyên mục.
Trang 1 đăng các tin nổi bật và giới thiệu một số bài viết quan trọng ở các trang trong, xã luận (khi có sự kiện lớn); chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Trang 2 là chuyên trang “Kinh tế” đăng tải nhiều bài viết về những hoạt động kinh tế, phản ảnh những cách làm hay, đạt hiệu quả của các đơn vị kinh tế, các mô hình sản xuất; những kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tiềm năng ở các địa phương trong tỉnh; các phong trào thi đua trong sản xuất - kinh doanh; những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh tế cá thể cần tháo gỡ. Trang 3 là chuyên trang “Chính trị - Xã hội” và các chuyên mục “Tuổi trẻ”, chuyên mục “Bạn đọc”; một phần trang 4 và trang 5 là chuyên trang “An ninh - Đời sống”, đến số 16 đổi tên là chuyên trang “Pháp luật và cuộc sống”, đưa các tin, bài liên quan đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, câu chuyện cảnh giác. Trang 6 là chuyên trang “Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao”, đây là trang dành cho đọc giả thưởng thức các tác phẩm văn học - nghệ thuật (truyện ngắn, bút ký, thơ…), các hoạt động thể thao trên địa bàn tỉnh, cả nước và quốc tế, giới thiệu những tác phẩm văn học của các tác giả trong và ngoài tỉnh, với nội dung phản ánh đa dạng về cuộc sống từ những góc nhìn khác nhau. Trang “Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao” cũng giới thiệu những tài năng nghệ thuật trong tỉnh và trong nước, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của tỉnh nhà; vừa để thu hút thêm đọc giả trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, thể thao, là nơi để giải trí, thư giản, tạo cho tờ báo có sự nhẹ nhàng, tươi mát, đáp ứng sự yêu thích văn học - nghệ thuật, thể thao của đọc giả. Trang 7 là chuyên trang “Thông báo - Quảng cáo” dành cho những cá nhân, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất - kinh doanh quảng cáo sản phẩm, mua bán bất động sản, có nhu cầu thông tin hoặc đăng những thông báo; đăng tiếp các tin, bài ở các trang 1, 2 hoặc chuyên mục Quốc tế (tùy thuộc vào số lượng thông báo và quảng cáo). Trang 8 là trang cuối của tờ báo, có chuyên mục “Đó đây”, đưa các thông tin trong nước, ngoài nước và chuyên mục “Ý kiến người dân”, là diễn đàn của công dân, nơi mà mọi người dân được quyền nêu ý kiến hoặc kiến nghị của mình đối với các cơ quan nhà nước, tạo ra không khí dân chủ, từ đó, chuyên mục này được nhiều người quan tâm.
Năm 1992, ngoài sự kiện tái lập tỉnh, còn có hai sự kiện chính trị quan trọng được Báo Trà Vinh phản ảnh đậm nét, đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 1992 - 1995.
Tuyên truyền cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, Báo Trà Vinh số 2 (ngày 18 - 25/5/1992), đưa tin: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ I chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX”. Tiếp đến Báo Trà Vinh từ số 3 đến số 14 và Báo Trà Vinh - Chủ nhật số 4 đến số 16, đưa nhiều tin, bài phản ánh công tác chuẩn bị và tiến hành các hoạt động cho bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cụ thể như: Báo Trà Vinh số 3, chuyên trang “Chính trị - xã hội” có bài:“Hiến Pháp 1992 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội”; Báo Trà Vinh số 4, đưa tin: “Ủy ban Bầu cử tỉnh Trà Vinh mở Hội nghị hiệp thương vòng II”; “Đồng chí Nguyễn Minh Biện, Chủ tịch Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX của tỉnh Trà Vinh trả lời phỏng vấn về công tác chuẩn bị bầu cử”; báo Trà Vinh số 10, dành trọn trang 2 và trang 7 đăng tiểu sử của 8 ứng cử viên đại biểu Quốc hội; các báo số 10, 11, đưa tin các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; Báo Trà Vinh số 12, ngay tại trang nhất, đăng tin kết quả bầu đại biểu Quốc hội khóa IX và kết quả bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
Tuyên truyền Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, từ số 12 (ngày 27/7/1992 - 03/8/1992), Báo Trà Vinh thực hiện Chuyên mục: Tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ I với nhiều tin, bài, như bài phỏng vấn đồng chí Triệu Văn Bé, Trưởng ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I. Đặc biệt, báo số 16 (ra ngày 24/8/1992 - 31/8/1992) dành toàn bộ trang 2 và trang 7 đăng Dự thảo tóm tắt Báo cáo của Tỉnh ủy Trà Vinh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I; báo số 17 (ra ngày 31/8/1992 - 06/9/1992) tại trang nhất đưa đậm nét tin: “Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ V kết thúc tốt đẹp”.
Năm đầu mới tái lập tỉnh trong điều kiện khó khăn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên, phóng viên, biên tập viên, nhưng với sự nỗ lực của mình, Báo Trà Vinh đã thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của báo, đó là: Tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ chính trị của địa phương; tuyên truyền nhân tố mới, điển hình tốt, cổ vũ Nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Tỉnh Trà Vinh có hơn 300.000 người Khmer, chiếm hơn 31,5% dân số. Cùng với việc ưu tiên nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí, Trà Vinh luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.