11/08/2024 09:31
Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh như chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi... Tình trạng này kéo dài có thể tác động đến thể chất, tâm lý với các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, học tập kém...
BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền, tiếp xúc với dị nguyên trong không khí, các chất gây kích thích niêm mạc mũi, thay đổi thời tiết (chiếm khoảng 20%) có thể làm tăng lượng phấn hoa, nấm mốc trong không khí.
Viêm mũi dị ứng thời tiết (viêm mũi dị ứng theo mùa) kéo dài trong nhiều năm và thường khởi phát vào các thời điểm xuất hiện tác nhân gây dị ứng như nấm mốc vào mùa mưa. Phòng ngừa bệnh này cần các biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Dưới đây là gợi ý cách phụ huynh phòng ngừa và chăm sóc cho trẻ tại nhà.
Vệ sinh mũi đúng cách
Các bác sĩ khuyến cáo sử dụng nước biển, nước muối sinh lý hoặc các dung dịch vệ sinh mũi. Rửa mũi cho trẻ sau khi ra ngoài giúp làm sạch các tác nhân gây dị ứng bám vào niêm mạc mũi giảm sưng viêm, khó chịu.
Phụ huynh hướng dẫn trẻ không tự ý dùng ngón tay ngoáy mũi dù có cảm giác ngứa, khó chịu. Bởi hành động này khiến niêm mạc mũi bị tổn thương, có thể dẫn đến bội nhiễm nguy hiểm. Ba mẹ có thể bôi kem dưỡng ẩm cho vùng da dưới mũi, tránh gây trầy xước khi trẻ lau chùi nước mũi.
Trẻ cần tắm rửa và thay quần áo sau khi ra ngoài để loại bỏ các hạt gây dị ứng dính trên cơ thể. Chú ý vệ sinh răng miệng, mắt cho trẻ hàng ngày, nhất là sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Ba mẹ không nên để con dầm mưa, giữ ấm cổ họng và vùng mũi nếu trời trở lạnh.
Vệ sinh môi trường sống
Gia đình nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hút bụi thường xuyên bằng máy hút bụi có bộ lọc HEPA để loại bỏ bụi, phấn hoa và các hạt nhỏ khác. Đồng thời dùng khăn ướt lau chùi bề mặt, nhất là những nơi dễ bám bụi như kệ sách, bàn ghế và các thiết bị điện tử.
Giặt chăn, ga, gối, rèm cửa, thảm... thường xuyên bằng nước nóng để tiêu diệt mạt bụi. Hạn chế nuôi thú cưng, trồng hoa. Sử dụng các thiết bị giúp làm sạch môi trường sống.
Kiểm soát tác nhân gây dị ứng trong nhà
Lông chó mèo, bụi bẩn, phấn hoa... là những dị nguyên gây viêm mũi dị ứng. Gia đình tránh mở cửa sổ vào những ngày có nhiều phấn hoa hoặc khi môi trường bên ngoài ô nhiễm, thay bộ lọc máy lọc không khí thường xuyên. Đảm bảo độ ẩm trong nhà ở mức vừa phải giúp ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Kiểm tra và sửa chữa kịp thời các vết rò rỉ nước trong nhà, chú ý những nơi ẩm ướt như phòng tắm và bếp.
Nếu trẻ bị dị ứng lông động vật nên hạn chế nuôi thú cưng trong nhà. Nếu nuôi thú cưng cần tắm rửa cho chúng thường xuyên để giảm lượng lông và da chết. Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá bởi có thể làm nặng thêm triệu chứng viêm mũi dị ứng. Bé tránh sử dụng các sản phẩm tẩy rửa mạnh hoặc có mùi hóa chất trong nhà.
Ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung chất đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh. Ba mẹ nên cho con ăn nhiều hoa quả tươi và rau xanh, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu mỗi ngày.
Bác sĩ Hạnh Trang khuyến cáo không nên nghe theo các mẹo lưu truyền trên mạng nếu chưa được kiểm chứng. Trẻ có triệu chứng nghi ngờ viêm mũi dị ứng thời tiết, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để khám.
Theo vnexpress.net
Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết,... lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ.