27/05/2025 09:10
Mới đây, nhóm nghiên cứu COVID-19 của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải mã trình tự gen một số bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng COVID-19, những người nhập viện trong tuần thứ 3 của tháng 5/2025. Kết quả cho thấy, biến chủng NB.1.8.1 được phát hiện ở 83% mẫu giải trình tự.
Biến chủng NB.1.8.1 được công bố lần đầu tiên vào đầu năm 2025. Tính tới thời điểm này, NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia.
Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu, tới nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mức độ lây lan, cũng như khả năng gây bệnh nặng của biến chủng mới này.
Liên quan tới NB.1.8.1, Sở Y tế TPHCM hôm 25/5 đã dẫn kết quả Chương trình giám sát biến chủng SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về mức độ nguy hiểm. Theo đó, WHO chưa xếp loại NB.1.8.1 vào nhóm biến chủng nào trong 3 nhóm nguy cơ, bao gồm: VUM-biến chủng cần được theo dõi; VOI-biến chủng cần quan tâm; VOC- biến chủng quan ngại.
WHO cũng khẳng định, các dữ liệu khoa học cho đến nay vẫn chưa ghi nhận sự khác biệt về mức độ lây lan, cũng như khả năng gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng lưu hành trước đây. Nói cách khác, NB.1.8.1 chưa ghi nhận "dữ dằn" hơn các biến chủng SARS-CoV-2 từng lưu hành trước đây.
Các quốc gia được WHO ghi nhận có NB.1.8.1 lưu hành, kể từ khi công bố lần đầu, bao gồm: Úc, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan, Thái Lan, Anh và Mỹ.
Riêng tại TPHCM, Sở Y tế đưa ra kết quả của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong 4 tuần gần đây, để minh chứng cho sự gia tăng ca mắc COVID-19. Theo đó, từ tuần thứ 16 tới tuần 20 (từ 14/4 tới 18/5), trên toàn địa bàn TPHCM ghi nhận trung bình mỗi tuần có 11 ca mắc COVID-19, tăng mạnh so với 15 tuần đầu năm (mỗi tuần chỉ ghi nhận 1 tới 2 ca).
IFrame Đáng chú ý, trong tuần 20 (từ 12/5 tới 18/5), toàn địa bàn TPHCM ghi nhận 26 ca, tăng 16 ca so với trung bình 4 tuần trước đó. Tính tổng từ đầu năm tới nay, TPHCM ghi nhận 79 ca mắc COVID-19 (43 ca điều trị nội trú, 36 ca điều trị ngoại trú, không ca bệnh nào cần hỗ trợ hô hấp).
Mặc dù tăng cao trong những ngày gần đây, nhưng so với cùng kỳ 2024, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM vẫn thấp hơn tới 75,5%. Sở Y tế TPHCM khẳng định, số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây do biến chủng mới NB.1.8.1 là "hiện tượng thông thường", tương tự các quốc gia khác đã lưu hành ghi nhận biến chủng mới này.
Tuy nhiên, đối với công tác phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, Sở Y tế TPHCM vẫn chủ động với các chỉ đạo "sẵn sàng ứng phó" trong toàn hệ thống, từ dự phòng tới điều trị.
Riêng với cộng đồng dân cư trên toàn địa bàn, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo "không hoang mang lo lắng, nhưng cũng không chủ quan trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới".
Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng. Cụ thể: Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế; Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết); Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử trí kịp thời. Ngoài ra, người dân tới và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần...
Biến thể XEC lây lan nhanh tại Đông Nam Á. Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ gia tăng ca mắc, khuyến cáo người dân chủ động phòng dịch.