18/06/2023 11:34
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức họp mặt đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ và đội ngũ trí thức Xuân Quý Mão năm 2023.
Đến nay, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam trải qua 98 năm, đã có sự phát triển rực rỡ, với đa dạng loại hình, lĩnh vực, cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ người làm báo. Đồng hành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn phát huy vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, trung thành với Đảng, với Nhà nước và Nhân dân.
Cùng với báo chí cả nước, báo chí Trà Vinh được thành lập và đi vào hoạt động từ khi Tỉnh ủy Trà Vinh được thành lập vào năm 1930 với tờ báo Cờ Búa Liềm(1); tiếp đến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp với tờ báo Trà Vinh ra đời vào năm 1947 dưới sự quản lý trực tiếp của Ty Thông tin Tuyên truyền. Nội dung tờ báo tập trung vào việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính quyền các cấp, thông tin các hoạt động của đồng bào và chiến sĩ trong tỉnh(2). Tuy nhiên, báo chí trong giai đoạn 1930 - 1945 và 1945 - 1954, phát hành số lượng ít và không liên tục, do điều kiện hoạt động bí mật và trong kháng chiến chống Pháp cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên trách, đặc biệt là sự truy lùng, khủng bố gắt gao của giặc. Mãi đến năm 1960, ấn phẩm đầu tiên của báo chí Trà Vinh được in ấn tại căn cứ kháng chiến xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải và được phát hành vào ngày 27/7/1960. Sau khi Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh được thành lập, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh cũng thành lập Tiểu ban Thông tấn Báo chí và cho ra đời tờ báo Anh Dũng.
Tờ Báo Anh Dũng của Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh được ngụy trang dưới “maket” của một tờ báo ở Sài Gòn được Nhà in Anh Dũng in ấn, phát hành hàng ngàn bản mỗi kỳ, được cơ sở binh vận, đồng bào trong thị xã Trà Vinh, những vùng địch kiểm soát khác và ngay cả anh em binh sĩ trong hàng ngũ địch công khai chuyền tay nhau đọc thông qua tờ báo mới phát hành, tờ báo là giấy gói quà, gói thuốc Bắc, gói thuốc giồng, gói bánh, kẹo hoặc gói nhiều thứ đồ dùng khác. Với hình thức ngụy trang linh hoạt, sáng tạo độc đáo này, Báo Anh Dũng ngụy trang dưới “maket” của một tờ báo ở Sài Gòn vẫn giữ được bí mật phục vụ kháng chiến đến ngày cách mạng thành công.
Tháng 02/1976, tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long hợp nhất thành tỉnh Cửu Long, Báo Anh Dũng (tỉnh Trà Vinh) và Báo Vĩnh Long Giải phóng (tỉnh Vĩnh Long) cũng được nhập lại thành Báo Vĩnh Trà, sau đó Báo Vĩnh Trà được đổi tên thành Báo Cửu Long(3). Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh, lấy tên là tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.
Cơ quan Báo Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 703/QĐ-TU, ngày 16/3/1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long, được phép hoạt động xuất bản định kỳ mỗi tuần 02 số Báo Trà Vinh chữ Việt vào ngày thứ Năm và Chủ nhật và 01 số báo Trà Vinh chữ Khmer(4).
Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 449/QĐ-UBT, ngày 31/10/1992 của UBND tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên trước đó, từ đầu tháng 5/1992, bộ máy của Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh đã được hình thành. Buổi phát sóng đầu tiên vào ngày 01/5/1992.
Ngày 02/7/2008, Cổng thông tin điện tử của tỉnh đi vào hoạt động (không phải là cơ quan báo chí nhưng là kênh cung cấp thông tin chính thống, tập trung của cơ quan nhà nước trong phạm vi địa phương trên môi trường mạng).
Ngoài ra tỉnh còn có Tạp chí Văn học nghệ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Trà Vinh hoạt động theo Luật Báo chí.
Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, báo chí Trà Vinh đã có bước tiến vượt bậc cả về số lượng, loại hình và chất lượng, đến nay, tỉnh có các cơ quan báo chí như: Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh (Tạp chí Văn nghệ Trà Vinh chữ Việt và chữ Khmer, Trường Đại học Trà Vinh (Tạp chí Khoa học) với đủ các loại hình: báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử, tạp chí, tập san, đặc san… và nhiều ấn phẩm, chuyên mục được xuất bản mang tính thời sự cao; hơn 10 cơ quan (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Công thương, Sở Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, Ban Tuyên giáo các huyện, thị xã, thành phố) phát hành tờ thông tin làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Ngoài ra, còn có các Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, trạm truyền thanh các xã, phường, thị trấn; Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, tuy những cơ quan này không được gọi là cơ quan báo chí nhưng cũng đã thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền, truyền tải những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phản ánh các sự kiện, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan báo chí luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân, đưa hình ảnh của Trà Vinh đến gần hơn với đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất các tác phẩm; khai thác hiệu quả lợi thế mạng xã hội, hướng tới trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện giúp công chúng tiếp cận thuận lợi, góp phần tích cực trong việc lan tỏa, định hướng thông tin.
Báo Trà Vinh hiện có ấn phẩm là Báo Trà Vinh bằng chữ Việt phát hành vào ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, Báo Trà Vinh chữ Khmer phát hành mỗi tuần 02 kỳ, Báo Trà Vinh điện tử. Đến nay, lượng phát hành Báo Trà Vinh chữ Việt phát hành một số 3.000 tờ/kỳ; Báo Trà Vinh chữ Khmer trên 2.000 tờ/kỳ; Báo Trà Vinh online cập nhật thông tin 24/7, rất được bạn đọc quan tâm.
Tính từ ngày vận hành chính thức (ngày 23/7/2021) đến nay đã có trên 57,5 triệu lượt truy cập (hàng ngày trên 150.000 lượt truy cập). Bắt nhịp với xu thế phát triển đa nền tảng, Báo Trà Vinh đã phát triển trên nền tảng mạng xã hội zalo, facebook,… góp phần cung cấp thông tin thời sự trong tỉnh, quảng bá hình ảnh và các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Kinh, Khmer, Hoa, Chăm trên địa bàn tỉnh đến bạn đọc nhanh hơn, chính xác hơn, hấp dẫn hơn.
Nhà báo Hữu Huệ, phóng viên Báo Trà Vinh trong chuyến công tác ở cơ sở. Ảnh: BÌNH DI
Báo Trà Vinh đã chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới vào tổ chức hoạt động truyền thông nhằm phản ánh kịp thời những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh, các gương điển hình, mô hình trong sản xuất, kinh doanh, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, xuyên tạc tình hình của đất nước và của tỉnh của các thế lực thù địch; chủ động, tích cực trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh ngày càng bám sát thực tiễn cuộc sống góp phần đưa thông tin đến với người xem, người nghe kịp thời, hiệu quả. Truyền dẫn chương trình truyền hình Trà Vinh song song trên các hạ tầng kỹ thuật như: kênh 34 Truyền hình Phương Nam, kênh 27 Truyền hình số mặt đất VTV và trên các hệ thống truyền hình cáp hữu tuyến của: SCTV (kỹ thuật số), VTV cáp; MyTV và kỹ thuật số vệ tinh (DVB-S2) trên vệ tinh Vinasat, hplus.com, Viettel, Fpt play, trang web: travinhtv.vn, mỗi ngày 21 giờ, trong đó chương trình tiếng Khmer là 60 phút/ngày; phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin của người dân. Qua sóng phát thanh, truyền hình, hình ảnh quê hương, con người Trà Vinh thân thiện, nghĩa tình, hiếu khách, đặc biệt là tiềm năng kinh tế - xã hội, giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh được quảng bá rộng rãi đến với mọi miền tổ quốc và các nước trong khu vực, trên thế giới.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chú trọng đầu tư, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên nắm bắt nhu cầu nghe, xem của khán thính giả để cơ cấu lại khung giờ, thời lượng, đổi mới, mở mới các chương trình, chuyên mục phát thanh, truyền hình. Từ đó, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; tuyên truyền đấu tranh, phản bác những hiện tượng tiêu cực của xã hội, đấu tranh phản bác các các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và lan tỏa những điều tốt, những gương điển đình, những mô hình tốt trong sản xuất, đời sống, học tập, công tác của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, là diễn đàn tin cậy của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Đội ngũ người làm báo của tỉnh cũng không ngừng được bổ sung cả về số lượng, nâng cao về chất lượng và thực sự là lực lượng nòng cốt, tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng bộ tỉnh(5).
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua và những thành quả đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có thể khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí cách mạng Trà Vinh nói riêng và đội ngũ những người làm báo cách mạng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.
Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới...”, “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà...”, những người làm báo cách mạng tỉnh Trà Vinh nguyện trung thành với Đảng, với Nhân dân, tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao đạo đức người làm báo, giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Trà Vinh trở thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2025 và là tỉnh phát triển trong nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào trước năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định.
TRẦN BÌNH TRỌNG
(1) Thành ủy Trà Vinh: Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh anh hùng (1930 - 1975) chỉnh sửa bổ sung; xuất bản năm 2020; trang 48.
(2) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập II (1945 - 1954); Ban Tư tưởng Tỉnh ủy xuất bản năm 1999; trang 63.
(3) Dẫn theo tư liệu của Trần Điền trong các bài viết: “Báo Trà Vinh: 60 năm phục vụ nhiệm vụ chính trị tỉnh Đảng bộ” đăng trên Báo Trà Vinh.
(4) Công văn số 118/CV-TT, ngày 12/5/1992, Cơ quan Thường trú Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao tại Thành phố Hồ Chí Minh “Về việc cấp giấy phép tạm thời cho Báo Trà Vinh”.
(5) Hiện Báo Trà Vinh có 27 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và viên chức; Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh với 113, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và viên chức.
Tỉnh Trà Vinh có hơn 300.000 người Khmer, chiếm hơn 31,5% dân số. Cùng với việc ưu tiên nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí, Trà Vinh luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.