13/04/2023 15:34
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Dấu (phải) và Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hoài Việt trong ngày nhận danh hiệu.
Ông Tám Dấu tên thật là Nguyễn Văn Dấu, sinh năm 1943, quê quán xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang. Năm 13 tuổi, ông Tám Dấu mới bắt đầu đi học văn hóa và được gia đình cho tập tành học đờn ca tài tử. Đến năm 1958, ông đã đờn ca được và cùng hòa tấu với ban nhạc đờn ca tài tử của tỉnh. Sau đó không lâu, người thầy đầu tiên của ông là Nhạc sư Hồng Tấn Phát qua đời, buộc ông phải tiếp tục tự nghiên cứu qua sách vở kết hợp từ các đĩa nhạc của các nhạc sĩ như: Năm Cơ, Bảy Bá… Nghề dạy nghề, tiếng đàn và giọng ca ông Tám Dấu trưởng thành dần thông qua các buổi giao lưu, hòa đờn và các hội thi do các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức.
Năm 1992, tỉnh Trà Vinh được tái lập, ông Tám Dấu có điều kiện cống hiến cho nghề nghiệp hơn nhờ Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh xây dựng các chương trình ca cổ để phát trên sóng phục vụ Nhân dân. Khi đó, với vai trò nhạc công đàn guitar phím lõm, ông đã cùng các thành viên trong dàn nhạc thường xuyên được thu âm, thu hình phục vụ khán, thính giả gần xa. Bên cạnh, ông còn tham gia phục vụ văn nghệ cho các cơ quan, ban, ngành tỉnh và tham dự các hội thi đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh tổ chức. Đến năm 1995, ông được kết nạp là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh chuyên ngành sân khấu.
Trong quá trình làm nghệ thuật, ông Tám Dấu đã truyền nghề và trực tiếp hướng dẫn cho trên 30 “đệ tử”. Trong đó, có một số học trò tiêu biểu như: Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Nhường, sinh năm 1982, hiện là diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 9 từng đoạt giải Ba hội thi “Chuông Vàng giọng cổ” do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2011. Hay giọng ca Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1986, quê quán xã Tân Bình, huyện Càng Long từng đoạt giải Nhất Hội thi tiếng hát Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kiên Giang năm 2009; giải Nhất Hội thi tiếng hát nông dân tại thành phố Cần Thơ năm 2013…
Trải qua quá trình cống hiến cho nghệ thuật, tính đến nay ông Tám Dấu được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen các cấp và các danh hiệu khác. Trong đó, phải kể đến các danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân Ưu tú ông nhận được vào năm 2015. Tại Quyết định số 1020/QĐ-CTN, ngày 09/9/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân” đối với ông Nguyễn Văn Dấu.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hoài Việt (thứ hai từ trái sang) cùng ban nhạc tại Hội thi giọng ca tài tử cải lương tỉnh Trà Vinh năm 2022.
“Nghệ nhân Nhân dân” Nguyễn Văn Dấu bên cạnh việc truyền nghề cho trên 30 học trò các nơi. Trong gia đình với 07 người con (02 gái, 05 trai) thừa hưởng từ ông đến nay ai cũng biết đờn và ca. Trong đó có ít nhất 03 cậu con trai và các cháu nội, cháu ngoại đã nối nghiệp ông khá tốt. Tuy nhiên, người nối nghiệp ông thành công nhất đến thời điểm hiện nay chính là người con trai thứ sáu- Nguyễn Hoài Việt. Với nghệ danh Hoài Việt, sinh năm 1979, hiện cự ngụ tại Phường 1, thành phố Trà Vinh. Kế thừa truyền thống gia đình, hay nói chính xác hơn Nguyễn Hoài Việt là học trò xuất sắc nhất của cha mình.
Trao đổi với chúng tôi, Hoài Việt cho biết, anh bắt đầu tập tành đờn ca tài tử từ năm 1989. Đến năm 1993 anh đã ca thạo 10 bản tổ của nhạc tài tử và đờn được các bản trong các điệu thức Nam, Bắc, Oán, Hạ để cùng cha mình tham gia phục vụ văn nghệ cho địa phương và sau đó dần “lấn sân” vào các hội thi, hội diễn…
Tích cực tập luyện với niềm đam mê cháy bỏng, nhất là từ khi Nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào đầu năm 2014, tiếng đàn của Hoài Việt như càng thanh thoát hơn.
Đến nay, Hoài Việt đã đờn được trên 720 bài hát thuộc dòng nhạc tài tử, vọng cổ cho Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh thu âm và ghi hình phục vụ khán, thính giả. Đồng thời, anh cũng tham gia rất nhiều các hội thi, hội diễn từ cấp cơ sở, cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc với nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng tại Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2007 tại tỉnh Long An; giải Xuất sắc độc tấu guitar phím lõm tại Cần Thơ năm 2011 cùng 04 giải A tại các hội thi, liên hoan khác.
Bên cạnh việc phục vụ trực tiếp các cuộc giao lưu, tham gia các hội thi, hội diễn, hàng ngày Hoài Việt vẫn miệt mài tập luyện để nâng cao nghề nghiệp. Để lan tỏa mạnh mẽ nghệ thuật đờn ca tài tử, anh còn thiết lập trang cá nhân trên môi trường mạng xã hội để quảng bá thêm tiếng đàn của mình. Đến nay kênh YouTube “Tài tử phương Nam” do anh quản lý và đăng tải các bản nhạc tài tử tự tay anh đàn cùng các bài ca… đã thu hút rất đông người thưởng thức.
Đặc biệt, tại Quyết định số 1021/QĐ-CTN, ngày 09/9/2022, Nguyễn Hoài Việt đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” ở loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.
Bài, ảnh: BÁ THI
Sáng ngày 08/12, Trung tâm Sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh Trà Vinh phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC, CNCH) Công an tỉnh Trà Vinh tổ chức hoạt động Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm năm 2024 chuyên đề “Kỹ năng phòng tránh cháy nổ và thoát hiểm trong các tình huống nguy cấp”.