10/06/2022 07:16
Hiện nay, trước tình hình giá phân bón không ngừng tăng, tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; nhất là khi giá một số mặt hàng nông sản đang giảm, trong khi đó, nông dân phải “gánh” giá thành sản phẩm thấp hơn giá sản xuất. Vậy, nông dân cần “thích nghi” về vấn đề giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…) như thế nào cho phù hợp, theo hướng có lợi? Và sản xuất nông nghiệp phải thích ứng ra sao trong bối cảnh hiện nay?
Nông dân khó khăn trước “cơn bão giá vật tư”
Trước tình hình giá phân bón tăng cao và giá đầu ra nhiều loại nông sản ở mức thấp như hiện nay, nông dân rất mong ngành chức năng kịp thời có giải pháp kéo giảm giá phân bón, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ chi phí thấp và giá rẻ để hạn chế sử dụng phân bón hóa học mà vẫn nâng cao được hiệu quả sản xuất. Thực hiện chính sách hỗ trợ bình ổn giá vật tư nông nghiệp có hiệu quả.
Theo chia sẻ của bà Thạch Thị Dân, ấp Bãi Xào Dơi, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú: hiện gia đình đang trồng 01ha mía, giá mía 1.100 đồng/kg (10 chữ đường) và năng suất 120 tấn/ha, người trồng mía phải chi phí khoảng 90 triệu đồng/ha với giá vật tư đầu tư ở vụ mía năm 2021 - 2022, như chi phí tiền phân bón 28,84 triệu đồng (30 bao phân Ure, giá 650.000 đồng/bao; 20 bao NPK, giá 467.000 đồng/bao); nhân công đốn và vận chuyển 36 triệu đồng (năng suất 120 tấn, chi phí 300.000 đồng/tấn); chi phí thuê đánh lá, vào chân ấm, chân đạp và dọn hom mía khoảng 20 triệu đồng/01ha; mua hom giống 10,5 triệu/07 tấn/01ha. Người trồng mía lời khoảng 17 triệu đồng/ha.
Bà Thạch Thị Dân phải chắc chiu lượng phân bón để bón cho ruộng mía của gia đình, trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng.
Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó giá phân Ure trên 980.000 đồng/bao và các chi phí nhân công khác cũng tăng. Theo bà Dân, vụ mía 2022 - 2023, không biết giá mía như thế nào, nếu bằng với niên vụ mía 2021-2022, coi như gia đình cầm chắc lỗ trên 20 triệu đồng.
Khó khăn trước tình hình sản xuất nông nghiệp với chi phí tăng cao do phân bón, nhiều cây trồng như mía, lúa đang dần được nông dân tính toán và chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả sau đầu tư.
Nông dân Sơn Văn Sơn, ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú cho biết: gia đình có 0,6ha trồng mía, mặc dù những năm trước giá phân bón tương đối ổn định (như Ure khoảng 380.000 đồng/bao…), người trồng mía còn “cầm chừng” sản xuất, mỗi vụ còn lời khoảng 10 triệu đồng/ha (thời gian 10 - 11 tháng). Nay giá vật tư tăng 100 - 150% (như Ure hơn 980.000 đồng/bao…) và nhân công thu hoạch, thì người trồng mía cầm chắc lỗ.
Cũng theo nông dân Sơn Văn Sơn, từ năm 2021, gia đình chuyển 0,6ha mía sang trồng lúa mùa (mùa mưa) và thả nuôi thủy sản từ tháng 01 đến tháng 6. Vụ lúa 2021, sản lượng đạt 2,4 tấn/0,6ha, với giá bán 8.000 đồng/kg; do trồng lúa mùa không sử dụng thuốc, phân bón và chỉ đầu tư mua lúa giống và công thu hoạch (khoảng 4,8 triệu đồng/0,6ha); trừ chi phí, gia đình thu vào hơn 14 triệu đồng/0,6ha/vụ. Còn nuôi thủy sản, với 30.000 con giống tôm thẻ chân trắng, nuôi theo hình thức thả lan, chỉ tốn con giống khoảng 300.000 đồng, thu vào hơn 200kg với giá bán 90.000 - 110.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lại trên 18 triệu đồng.
Hướng đến sử dụng kết hợp phân bón hóa học + phân bón hữu cơ vi sinh đang được nhiều nông dân thực hiện ở vụ lúa hè - thu, qua đó, nhằm giảm chi phí về vật tư nông nghiệp. Nhiều diện tích sử dụng trong các vụ lúa thu - đông, đông - xuân đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và được nhiều hợp tác xã triển khai cho thành viên của mình.
Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, hợp tác xã đã phối hợp với Công ty Cổ phần Âu Lạc (Hà Nội) để triển khai sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất lúa, bước đầu hiệu quả cao như giảm khoảng 20% chi phí phân hóa học; trong khi đó, năng suất và sản lượng lúa vẫn giữ vững như sản xuất trước đây. Trong vụ lúa hè - thu năm nay, diện tích sử dụng phân hữu cơ vi sinh tăng từ 20ha lên 30ha.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.