• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Thứ Ba, ngày 15/07/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Trang chủ Kinh tế

Tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản - Bài 1: Chuyển đổi hình thức nuôi

01/05/2022 17:17

Những năm qua, ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhiều tiềm năng chưa khai thác hiệu quả, tiêu thụ nông sản của nông dân còn nhiều khó khăn. Công nghiệp chế biến, chế biến sâu; bảo quản chưa phát triển...

 

Những năm qua, nông dân cùng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh nỗ lực hợp tác sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản, hình thành chuỗi giá trị nông sản, nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn; năng lực cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhiều tiềm năng chưa khai thác hiệu quả, tiêu thụ nông sản của nông dân còn nhiều khó khăn. Công nghiệp chế biến, chế biến sâu; bảo quản chưa phát triển. Nhiều loại nông sản như: tôm, lúa, trái cây... của tỉnh chỉ tiêu thụ dạng tươi, nên giá trị chưa cao. Tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản là sự cần thiết, góp phần tăng tỷ trọng GDP ngành nông nghiệp đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 

Bài 1: Chuyển đổi hình thức nuôi

Mặt hàng nông sản tôm của tỉnh từng bước phát huy hiệu quả; sản lượng hàng năm khoảng 222.527 tấn; diện tích nuôi khoảng 56.610ha, sản lượng 151.442 tấn (có hình thức thâm canh mật độ cao, trên diện tích 865,4ha, năng suất bình quân 36 tấn/ha); sản lượng khai thác 71.085 tấn (khai thác hải sản là 63.880 tấn; khai thác nội đồng là 7.206 tấn); 22.735ha nuôi cua biển, sản lượng 7.500 tấn. Kết quả này tuy đã chuyển biến, song chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Nông dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang nuôi tôm công nghiệp.

 

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: trong 56.610ha nuôi thủy sản, nông dân áp dụng các hình thức nuôi đa dạng, đặc biệt nuôi thâm canh và thâm canh mật độ cao với 11.043ha. Ngoài ra, tỉnh còn 10.000ha nuôi tôm sinh thái (tôm - rừng, tôm - lúa), 3.050ha nuôi tôm càng xanh, 3.000ha bãi bồi nuôi nhuyễn thể; toàn tỉnh có 1.140 tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm với tổng công suất 152.945CV. Có 231/231 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình… Tuy nhiên, lĩnh vực thủy sản vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế và rất cần hợp tác, liên kết, xúc tiến mời gọi đầu tư sản xuất và cung ứng giống thủy sản. Hiện nguồn cung con giống của tỉnh chỉ đáp ứng 40% nhu cầu; tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; đặc biệt, chưa có nguồn tôm bố mẹ đạt chuẩn; đầu tư mô hình nuôi tôm nước lợ thâm canh canh mật độ cao ứng dụng công nghệ 4.0 chưa nhiều…

Thực tế này, đầu tháng 4/2022, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ, nhằm mời gọi hợp tác, đầu tư dự án vào tỉnh. Tại tỉnh Bạc Liêu, đoàn tìm hiểu mô hình nuôi tôm công nghệ cao, khép kín của Công ty Cổ phần Việt - Úc Bạc Liêu, thuộc Tập đoàn Việt - Úc (khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu).

Theo ông Vũ Đức Trí, Giám đốc Quản lý DN, thuộc Công ty Cổ phần Việt - Úc Bạc Liêu, Công ty đã đầu tư mở rộng nhiều khâu trong quy trình hoạt động khép kín tại Cà Mau, Sóc Trăng, Nha Trang… đồng thời, Công ty đang hướng đến địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Tại Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: hiện nguồn nguyên liệu của Công ty đang hoạt động, 60% do Trà Vinh cung cấp. Kế hoạch phát triển của Công ty là mở rộng nguồn nguyên liệu, Trà Vinh là một trong những điểm đến của Công ty trong tương lai. Trà Vinh đang liên kết với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú triển khai dự án tôm - lúa, 27ha tại xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, mục tiêu chứng nhận sản phẩm lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ và sản phẩm tôm đạt chứng nhận ASC. Đây là mô hình thí điểm và sẽ mở rộng diện tích sang các vùng lân cận có tiềm năng, đồng thời liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm với mức giá cao hơn so với sản phẩm không có chứng nhận.

Tại những điểm đến, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn nhấn mạnh: Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định mời gọi đầu tư lĩnh vực thủy sản là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh. Trà Vinh cam kết thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; tạo môi trường thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả; đảm bảo giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu triển khai dự án trong thời gian sớm nhất; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm tôm, tỉnh xúc tiến mời gọi đầu tư, xây dựng nhãn hiệu tôm Trà Vinh. Đồng thời, thực hiện dự án phát phát triển chuỗi giá trị nghêu và tre toàn diện bền vững tại Việt Nam do Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vũng (ICAFIS) thực hiện để chứng nhận tiêu chuẩn ASC cho nghề nghêu của tỉnh, trên 500ha tại huyện Châu Thành, Cầu Ngang. 02 Công ty mà đoàn đến tìm hiểu, mời gọi đầu tư đều cam kết đầu tư. Trước mắt, 02 Công ty sẽ tiếp cận, xây dựng mô hình nuôi tiên tiến, giúp Trà Vinh từng bước nhân rộng. Đồng thời, xem xét lắp đặt các vệ tinh sơ chế tôm nguyên liệu, khi có đủ điều kiện, sẽ xây dựng nhà máy chế biến.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế sản phẩm tôm, ngành nông nghiệp Trà Vinh sẽ từng bước chuyển đổi hình thức nuôi, nâng giá trị tôm; nâng chất lượng từ con giống đến đầu ra nguyên liệu. Hiện Trà Vinh có 47 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Trong đó, có 30 cơ sở cung ứng 500 triệu post giống tôm sú, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu; 03 cơ sở cung ứng trên 800 triệu con post giống tôm thẻ chân trắng (đáp ứng khoảng 15% nhu cầu); còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào các tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu,…

Xác định con tôm là thế mạnh của tỉnh, Trà Vinh đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025: mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng từ 7.813ha lên 12.000ha vào năm 2025 và 14.000ha vào năm 2030. Trong đó, nuôi thâm canh mật độ cao quy mô từ 1.500 - 2.500ha, tại các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Tập trung phát triển theo hình thức nuôi thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP).

Đồng thời, duy trì diện tích nuôi tôm sú khoảng 17.000ha; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, phát triển mô hình tôm - lúa khoảng 5.500ha ở các huyện: Châu Thành (xã Long Hòa, Hòa Minh, Hưng Mỹ, Phước Hảo), Cầu Ngang (xã Hiệp Hòa, Kim Hòa, Vinh Kim) và Duyên Hải; phát triển tôm - rừng (tôm đạt chứng nhận sinh thái xuất khẩu) khoảng 5.700ha ở huyện Duyên Hải (xã Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải) và thị xã Duyên Hải (xã Trường Long Hòa, Dân Thành, Hiệp Thạnh). Duy trì khoảng 22.000ha nuôi cua biển, chủ yếu là nuôi kết hợp với tôm nước lợ, cá và các đối tượng khác theo hình thức quảng canh cải tiến, tập trung ở các huyện, thị xã ven biển. Song song đó, tập trung khai thác tiềm năng diện tích bãi bồi tại các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải… để nuôi nhuyễn thể 3.000 - 3.300ha.

   

 

Hiện nay, Trà Vinh có 02 công ty thu mua chế biến tôm xuất khẩu: Công ty thủy sản Cửu Long (thành phố Trà Vinh), Công ty Thông Thuận (thị xã Duyên Hải), sản lượng tôm tiêu thụ 02 dạng sản phẩm: tôm vận chuyển dạng ô-xy, tiêu thụ nội địa, chiếm khoảng 05%/tổng sản lượng; tôm vận chuyển dạng muối đá, xử lý tại các nhà máy chế biến tôm đông lạnh phục vụ xuất khẩu chiếm 95%. 

Phần lớn sản phẩm tôm nguyên liệu của tỉnh được tiêu thụ từ DN ngoài tỉnh, trong đó Tập đoàn thủy sản Minh Phú Hậu Giang chiếm 60%/tổng sản lượng, Công ty Thủy sản Cửu Long chiếm 20%, Công ty Thông Thuận chiếm 10%, còn lại là các cơ sở thu mua nhỏ lẻ trong tỉnh.

 

 

Nhằm đạt các chỉ tiêu đề ra, ngày 31/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3168/QĐ-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhiệm vụ “Thu hút đầu tư và hỗ trợ các DN, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm tôm trên địa bàn tỉnh” là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Vì vậy, tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các DN với các hộ nuôi thủy sản nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đáp ứng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN đầu tư phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm. Khuyến khích, ưu tiên các DN có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thị trường tiêu thụ tốt; xây dựng nhà máy chế biến và phát triển liên kết với người sản xuất, các cơ sở, hợp tác xã thực hiện thu gom và sơ chế. Tạo điều kiện, hỗ trợ các DN thực hiện các thủ tục đầu tư, kết nối đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động tại chỗ, phục vụ sản xuất và phát triển các dịch vụ.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Tin liên quan

Bài cuối: Xây dựng vùng cây ăn trái đặc sản

05/05/2022 09:03

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 19.000ha cây ăn trái, chiếm gần 43% tổng diện tích cây lâu năm; trong đó, cây đặc sản có múi chiếm hơn 40%.

Bài 2: Xây dựng và nhân rộng mô hình, nâng chuỗi giá trị lúa - gạo

03/05/2022 06:54

Trong chuyến mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực lúa - gạo, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển chuỗi lúa - gạo. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty triển khai các dự án hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm lúa - gạo, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

TIN CÙNG MỤC

TRÀ VINH - Hào khí lịch sử, khát vọng vươn xa

Phụ nữ huyện Duyên Hải tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.

  • Tăng vòng quay sử dụng đất, trồng xen canh rau màu
  • Cầu Kè triển khai xây dựng 54 công trình hạ tầng nông thôn
  • Nỗ lực nâng thứ hạng chỉ số thành phần Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động
  • Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khá
Tin Nổi Bật

Lời chia tay!

Trao quyết định về sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính xã, phường

TRÀ VINH - Hào khí lịch sử, khát vọng vươn xa

Thành phố Trà Vinh - những hình ảnh từ góc nhìn trên cao

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long mới gồm 83 đồng chí

Đồng chí Ngô Chí Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long

Long trọng Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định về sáp nhập tỉnh Vĩnh Long

Trực tiếp lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.