05/05/2022 09:03
Tuy diện tích vườn cây ăn trái khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguyên nhân do vườn cây ăn trái được nông dân trồng theo phương pháp truyền thống, thiếu ứng dụng khoa học - kỹ thuật từ khâu chọn cây giống đến chăm sóc để tạo sản phẩm sạch, đạt chất lượng mẫu mã; thiếu liên kết bền vững, khó khăn đối với thị trường tiêu thụ nên hay gặp tình trạng được mùa, mất giá.
Sản phẩm trái cây đặc sản của nông dân Cầu Kè được trưng bày tại các kỳ hội chợ do tỉnh tổ chức.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều chính sách giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, sản xuất nông nghiệp gắn với tiến bộ khoa học tiên tiến. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển các loại cây ăn trái mũi nhọn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, gồm: xoài, thanh long ruột đỏ, nhãn, cam sành, bưởi da xanh, dừa sáp, dừa uống nước, dưa hấu hữu cơ, chuối cau đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP... tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và Tiểu Cần.
Thực hiện mục tiêu đó, UBND tỉnh Trà Vinh thành lập đoàn công tác làm việc với các nhà đầu tư, các công ty, tập đoàn tại các tỉnh: Bạc Liêu, Hậu Giang và Cần Thơ. Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chi nhánh Cần Thơ (số 19 A, Khu vực 1, phường Ba Láng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời có trình độ về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thương hiệu… Trà Vinh mong muốn Công ty phối hợp thực hiện khai thác các vùng sản xuất cây ăn quả: xoài, sầu riêng, cam sành… trên đất Trà Vinh, do nông dân Trà Vinh sản xuất, đạt các tiêu chí, quy định và mang thương hiệu Lộc Trời…
Sau buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, lãnh đạo UBND tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tỉnh Trà Vinh, gồm các dự án như: (1) Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ xuất khẩu (mở rộng từ 300ha lên 1.000ha tại huyện Cầu Kè) và nghiên cứu mở rộng thêm vùng nguyên liệu lúa theo chuẩn hữu cơ xuất khẩu tại huyện Càng Long. (2) Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái đạt chuẩn xuất khẩu (xây dựng mô hình trồng xoài Cát Lộc khoảng 10ha). (3) Xây dựng nhà máy xay xát lúa xuất khẩu và kho lạnh bảo quản nông sản. (4) Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong công tác khuyến nông và hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp nhằm tiêu thụ nông sản tại Trà Vinh.
Ông Lê Văn Đông cho biết, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các nhà vườn nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho các loại trái cây đặc sản: bưởi da xanh, quít đường, cam sành, măng cụt... Theo đó, các đơn vị đang hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch; xây dựng và ứng dụng quy trình canh tác đạt các tiêu chuẩn, chất lượng được quy định tại Việt Nam như VietGAP, hữu cơ… tiến tới đạt các tiêu chuẩn của thế giới như GlobalGAP, EurepGAP, JAS để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp quy hoạch xây dựng vùng trồng cây ăn trái đặc sản tập trung, giúp nông dân dễ quản lý, kiểm soát, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác để giảm chi phí sản xuất, sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi để xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra bền vững và nâng cao giá trị.
Theo ông Trương Phan Khải, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (phụ trách cây ăn quả), thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, để trái cây đặc sản của Trà Vinh đạt giá trị kinh tế cao và hướng tới thị trường ngoài nước, nhà vườn cần tập trung ứng dụng công nghệ sinh hoc, chọn giống tốt, tạo sản phẩm nâng cao về chất lượng, mẫu mã. Khi đạt được, nhà vườn có thuận lợi để xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc minh bạch, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trong nước và nước ngoài. Từ đó, đảm bảo đầu ra, nâng cao chuỗi giá trị cho trái cây đặc sản.
Lĩnh vực trái cây, Cầu Kè là huyện có thế mạnh, với gần 9.000ha. Những năm qua, Cầu Kè tập trung xây dựng sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đồng thời tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia, của huyện, gắn với mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Theo lãnh đạo UBND huyện Cầu Kè, huyện đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, mở rộng và duy trì các loại cây chủ lực như bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 100ha và phát triển 100ha cây chôm chôm vùng cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân; xoài Cát Chu với diện tích 700ha, tập trung ở xã Hòa Tân; 2.000ha cam sành tại các xã Tam Ngãi, An Phú Tân, Hòa Tân, Ninh Thới, Thông Hòa, Thạnh Phú, Hòa Ân và Châu Điền; 300ha nhãn tại 07 xã: Tam Ngãi, Phong Phú, Phong Thạnh, Hòa Ân, Hòa Tân, Ninh Thới, An Phú Tân…
Định hướng của Cầu Kè phù hợp với nâng cao hiệu quả diện tích chuyên canh vườn gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao và sử dụng các giống có năng suất và chất lượng cao, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững… mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang hướng đến, sẵn sàng hợp tác cùng với Trà Vinh nói chung, huyện Cầu Kè nói riêng đã được lãnh đạo UBND tỉnh ký kết với Công ty.
Giá trị đất trồng trọt năm 2021 của tỉnh đạt 140 triệu đồng/ha. Trong sản xuất đã hình thành nhiều vùng canh tác theo hướng tập trung cao, hướng tới nâng cao chất lượng và liên kết thị trường tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, với mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 03%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân trên 05%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của dân cư nông thôn cao hơn 02 lần so với năm 2020; hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân từ 1,5-02%/năm. Phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường... Ngành nông nghiệp sẽ tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn sản xuất trong nông nghiệp, loại bỏ dần các mô hình sản xuất nông nghiệp cũ, kém hiệu quả. Dựa trên các mô hình đã có, phù hợp đặc trưng của từng tiểu vùng: ngọt, ngọt hóa, mặn và cù lao…; cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng chuyên canh cây ăn quả, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.