11/09/2022 10:57
Ông Hồ Minh Cường kiểm tra bánh phơi trong nhà năng lượng mặt trời.
Trước sự cạnh tranh gay gắt của nghề làm hủ tiếu và nhu cầu sản phẩm sạch, chất lượng, giá hợp lý như hiện nay, nhiều hộ làm hủ tiếu truyền thống ấp Nô Công vẫn đứng vững trước sức ép của thị trường. Ấp Nô Công hiện có 12 hộ lưu giữ nghề làm hủ tiếu truyền thống. Chính từ nghề làm truyền thống này đã mang nét đặc trưng, đã giữ được uy tín sản phẩm. Trong đó, đáng chú ý là gia đình của ông Hồ Minh Cường, là một trong những hộ làm hủ tiếu lưu giữ nghề truyền thống lâu đời và ông Hồ Minh Cường đời thứ 4 của gia đình tiếp nối nghề truyền thống làm hủ tiếu này.
Qua khảo sát, nhận thấy sản phẩm hủ tiếu của hộ Hồ Minh Cường đủ điều kiện đăng ký sản phẩm OCOP nên xã tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện các bước đăng ký nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì tiến tới được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đây là một trong những mục tiêu của xã nhằm góp phần thực hiện hoàn thành đề án mỗi xã một sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP; đồng thời, hỗ trợ hộ làm hủ tiếu có được sản phẩm chất lượng cạnh tranh thị trường và hướng tới thị trường xuất khẩu. Hiện nay, đã thực hiện hoàn thành thủ tục và đang chờ phê duyệt.
Để nghề làm hủ tiếu truyền thống của gia đình được lưu truyền từ đời này sang đời khác và sản phẩm ngày càng tiến xa hơn, ông Hồ Minh Cường, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy xay bột, máy hấp tráng, máy trộn, máy cắt và sân phơi năng lượng mặt trời nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường đang cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, với tổng vốn đầu tư trên 300 triệu đồng.
Ông Cường cho biết: tuy nghề làm hủ tiếu giống nhau nhưng mỗi gia đình có bí quyết gia truyền khác nhau. Điều quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu gạo ngon kết hợp với bột mì và gia vị khác, tiếp theo là các công đoạn ngâm, vo gạo, gút, xay…
Quy trình sản xuất hủ tiếu khá công phu, gần như giống với quy trình sản xuất bánh tráng, chọn nguyên liệu từ gạo, bột mì, muối, dầu ăn. Bước đầu tiên là ngâm gạo trong thời gian 24 giờ và làm sạch, sau đó đem xay nhuyễn thành bột và lọc nước lấy bột đặc trộn với bột mì, muối, rồi hấp cho bột chín tạo thành những dãy bánh dài đưa vào tấm mê, tiếp theo mang đem phơi. Bánh sau khi phơi khô, cắt thành từng sợi cung cấp người tiêu dùng. Mặc dù có máy móc hỗ trợ nhưng có những công đoạn cần có bàn tay của người lao động. Vì thế trong quá trình sản xuất, gia đình ông giải quyết việc làm 05 lao động tham gia sơ chế nguyên liệu gạo, tráng, phơi và cuối cùng cắt sợi hủ tiếu với thu nhập 200.000 đồng/lao động/ngày.
Ông Cường cho biết thêm: do điều kiện sân phơi không đủ nên hàng ngày gia đình sản xuất khoảng 350 - 370kg hủ tiếu, tương đương với 350kg gạo và bột mì. Phần lớn sản phẩm hủ tiếu đều cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh với giá bán 18.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày.
Theo ông Cường, không chỉ gia đình ông, mà các hộ sản xuất hủ tiếu truyền thống đang lo lắng về diện tích đất để làm sân phơi bánh; và vốn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Đối với ông, để sản phẩm hủ tiếu truyền thống của gia đình ngày càng tiến xa hơn và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, mã vạch… và chờ được công nhận sản phẩm OCOP, ông sẽ thuê thêm mặt bằng xây dựng sân phơi và đầu tư nhà phơi năng lượng mặt trời, máy hút chân không, phục vụ sản xuất ngày càng hiệu quả, đồng thời giải quyết thêm nhiều lao động địa phương.
Ông Phạm Hoàng Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: để nghề làm hủ tiếu truyền thống của địa phương được giữ vững và duy trì qua nhiều thế hệ, xã củng cố và vận động các hộ làm hủ tiếu tiếp tục duy trì và mở rộng nghề làm hủ tiếu ở Nô Công phát triển thành làng nghề không chỉ lưu giữ nghề truyền thống, góp phần tăng thêm thu nhập và giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.
Thời gian tới, xã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của trên, khảo sát xây dựng hệ thống thoát nước nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ dân làm hủ tiếu khi phát triển lên làng nghề trong tương lai.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát huy vai trò phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hoạt động Hội huy động sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân cùng chung tay BVMT góp phần XDNTM nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.