01/05/2025 08:12
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945, Nhân dân Hà Nội đã nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Đêm 24 rạng ngày 25/8/1945, tổng khởi nghĩa cũng giành được thắng lợi ở Trà Vinh.
Nhằm giữ gìn an ninh trật tự, kịp thời trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân và chính quyền cách mạng còn non trẻ; ngày 25/8/1945, tại nhà ông Mai Văn Luông, số 16, đường Rue de Ba Tiêu (nay là đường Điện Biên Phủ, Phường 3, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập Quốc gia tự vệ cuộc Trà Vinh, đồng chí Bùi Văn Thạch được cử làm Trưởng Quốc gia tự vệ cuộc. Bộ máy Quốc gia tự vệ cuộc phần lớn cán bộ được chọn trong các tổ chức “Thanh niên Tiền phong”, các đội “Xích vệ, tự vệ” và được hình thành từ tỉnh, quận đến xã.
Niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì ngày 06/12/1945, thực dân Pháp tái chiếm thị xã Trà Vinh. Lực lượng cách mạng đã tổ chức nhiều trận đánh quyết liệt với địch. Tuy nhiên, do thế lực của địch mạnh, để bảo toàn lực lượng, chấp hành Chỉ thị của Khu ủy và Ủy ban Kháng chiến Khu 8, Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trương cho các lực lượng cách mạng, trong đó có lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc, “Trinh thám đỏ” (do đồng chí Phạm Thái Bường, Bí thư Tỉnh ủy chủ trương thành lập) chuyển về căn cứ U Minh (Cà Mau), phối hợp với Công an cuộc miền Tây thành lập phân khu Công an cuộc miền Tây.
Sau Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946, tình hình chung có nhiều thuận lợi, 20 vạn quân Tưởng bị đẩy đuổi ra khỏi đất nước; lúc này ta tập trung đối phó với thực dân Pháp và bọn tay sai. Tại Trà Vinh, Tỉnh ủy chỉ đạo các lực lượng cách mạng từ Cà Mau trở về củng cố lực lượng hoạt động, tổ chức lại Ủy ban Kháng chiến hành chính. Quốc gia tự vệ cuộc đổi thành Công an cuộc tỉnh Trà Vinh, đồng chí Đỗ Vi Nhân (Bảy Hạnh) làm Trưởng Công an cuộc. Công an cuộc có 01 phòng Trinh sát gồm 03 ban: Ban Chính trị, Ban Thường phạm và Ban Kiểm soát. Nhiệm vụ chung là trừ gian, diệt tề, chống phản động. Ban kiểm soát phụ trách tổ chức công an các quận, công an các quận chỉ đạo công an các xã. Đầu tháng 11/1946, khắp tỉnh Trà Vinh đều có bộ máy tổ chức công an hoạt động.
Với âm mưu thâm độc, thực dân Pháp và bọn tay sai tăng cường càn quét, đánh phá vào vùng căn cứ cách mạng, nhiều nơi phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân tạm lắng xuống. Trước tình đó, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo các lực lượng cách mạng tăng cường nắm tình hình, vận động Nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ủng hộ cách mạng, đấu tranh chống bọn xâm lược và tay sai, thực hiện khẩu hiệu “trừ gian, diệt ác, phá tề”. Cụ thể trong năm 1946, lực lượng Công an Trà Vinh đã công phá 08 đồn, diệt 216 tên địch, trong đó có nhiều tên chỉ điểm, thám báo, biệt kích, tề ngụy, Commando.
Từ ngày 07 - 27/12/1949, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Công an quận Cầu Kè và Tiểu đoàn 307, Đại đội 889, 995, 999 mở Chiến dịch Cầu Kè. Sau 21 ngày chiến đấu ác liệt, ta đã diệt gọn 12 đồn địch, 01 tàu chiến, 01 tàu chở quân, thu trên 250 súng các loại cùng một số đạn dược, đánh sập 05 cầu, diệt 400 tên, bắt sống 65 tên khác, trong đó có 01 tiểu đoàn lính Âu Phi bị tiêu diệt hoàn toàn, phá hủy toàn bộ hệ thống lô cốt từ quận Tiểu Cần đến quận Cầu Kè. Đây là thắng lợi toàn diện của ta cả về chính trị lẫn quân sự, góp phần mở rộng vùng giải phóng ở 02 quận Tiểu Cần và Cầu Kè.
Tháng 7/1951, Xứ ủy Nam Bộ ra Nghị quyết sát nhập 02 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long thành tỉnh Vĩnh Trà; công an 02 tỉnh sát nhập lại thành Ty Công an tỉnh Vĩnh Trà, đồng chí Nguyễn Giao được phân công Trưởng Ty, đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Tư Hòa) và đồng chí Tư Đại làm Phó Ty.
Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt, lực lượng Công an Trà Vinh dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, chở che của quần chúng nhân dân đã chiến đấu kiên cường, bất khuất; nhiều tấm gương anh dũng diệt ác, trừ gian làm cho quân thù phải khiếp sợ như: đồng chí Nguyễn Hòa Luông với danh hiệu “Ông Thần Luông”, đồng chí Đặng Trung Tiến với biệt danh “Thạch Sanh Tập Ngãi”, đồng chí Nguyễn Văn Hơn với biệt danh “Hùm Xám Tiểu Cần”. Tính riêng từ năm 1951 đến năm 1954, Công an tỉnh Vĩnh Trà đã diệt hàng chục đồn bót giặc, tiêu diệt hơn 700 tên, bắt sống hơn 200 tên địch, có nhiều tên chỉ điểm, mật thám, tề ngụy, ác ôn, có nợ máu với Nhân dân.
Sau thất bại Đồng Khởi năm 1960, đế quốc Mỹ chỉ thị cho Ngô Đình Diệm mở rộng chiến tranh dùng bạo lực quân sự, tăng cường viện trợ cho quân đội và chính quyền miền Nam hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Chấp hành Chỉ thị số 01 của Xứ ủy Nam Bộ và do yêu cầu cách mạng phải có một lực lượng để tham mưu với Đảng, làm nòng cốt cho phong trào quần chúng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, bảo vệ căn cứ, vùng giải phóng, bảo vệ Đảng và Nhân dân, ngày 14/6/1961, Ban Bảo vệ an ninh tỉnh Trà Vinh được thành lập tại ấp Giồng Giếng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (nay là xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) với 30 đồng chí, đồng chí Hồ Nam (Năm Đạt), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè được cử làm Trưởng Ban, đồng chí Trần Văn Trinh (Năm Ruộng) làm Phó Ban.
Cũng trong năm 1961, các tổ chức thuộc Ban Bảo vệ an ninh tỉnh Trà Vinh được thành lập: Đội bảo vệ Tỉnh ủy, Văn phòng Ban; bộ máy an ninh huyện, thị xã cũng được thành lập. Trong 03 năm (1962, 1963, 1964), Ban An ninh Trà Vinh đã cùng với các lực lượng khác bảo vệ tuyệt đối an toàn các chuyến tiếp nhận vũ khí, đạn dược và thuốc men từ miền Bắc vận chuyển bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tháng 7/1965, Ban An ninh Trà Vinh thành lập Tiểu ban Điệp báo, đồng chí Lê Minh Sang (Tư Tỷ) được phân công phụ trách với 04 bộ phận: Điệp báo, An ninh đô thị, Trinh sát vũ trang và Nghiên cứu. Ngay sau khi thành lập, cùng với các lực lượng khác, Tiểu ban Điệp báo đã tích cực hoạt động và lập nhiều chiến công vang vội, khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, bằng 03 mũi giáp công, qua 45 ngày chiến đấu kiên cường, Ban An ninh Trà Vinh đã cùng với các lực lượng khác loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.500 tên địch, diệt 217 tên, phá rã 121 ban tề xã, ấp; thu 50 súng các loại và bắt sống 413 tên, trong đó có một số tên tề điệp, dân vệ và cảnh sát tiến hành khai thác tại chỗ phục vụ cho ta đánh địch.
Nơi thành lập Quốc gia tự vệ cuộc Trà Vinh (Ảnh tư liệu).
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng an ninh Trà Vinh được phân công tấn công vào thị xã tỉnh lỵ, mục tiêu cơ bản là Ty Cảnh sát, đồn Quân cảnh, Trại giam... Lúc này lực lượng an ninh có 01 đại đội An ninh vũ trang thực hiện nhiệm vụ này. Đêm 29 rạng sáng ngày 30/4/1975, mũi tiến công của An ninh vũ trang đã nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu của địch ở vùng ven, làm bàn đạp tấn công vào nội ô thị xã.
Từ 06 giờ đến 07 giờ sáng, lực lượng an ninh dùng hỏa lực mở đường số 1 và áng ngữ tại đây. Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Tuân đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ cắm cờ giải phóng trên nhà cao tầng ở đường số 1. Đến 11 giờ, lực lượng an ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bắt tên Thiếu tá Huỳnh Cao Phẩm, Phó Ty Cảnh sát Vĩnh Bình và buộc tên này kêu gọi bọn cảnh sát giao nộp vũ khí, đầu hàng chính quyền cách mạng.
Lực lượng an ninh nhanh chóng mở cửa trại giam giải phóng cho các đồng chí tù chính trị; đồng thời, tiếp thu quản lý các cơ sở quân sự, kinh tế của địch và kiểm soát quân số, vũ khí của bọn ra đầu thú thuộc hệ an ninh quản lý theo sự phân công; kịp thời thu giữ các hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác an ninh của ta sau này. Đến 20 giờ ngày 30/4/1975, tỉnh Trà Vinh được giải phóng hoàn toàn.
Ngày 01/02/1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định về việc giải thể Khu, hợp nhất một số tỉnh. Theo Nghị định này, 02 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh sáp nhập thành tỉnh Cửu Long. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký quyết định giải thể tổ chức An ninh các Khu, hợp nhất công an 72 tỉnh, thành phố thành 38 Sở, Ty Công an trong cả nước, Ban An ninh các tỉnh, thành phố và hệ thống các Ban An ninh cơ sở giải thể chuyển sang thành lập các Sở, Ty Công an. Sau khi sáp nhập thành tỉnh Cửu Long, Ban An ninh 02 tỉnh hợp nhất thành Ty An ninh tỉnh Cửu Long. Cuối năm 1976, Ty An ninh đổi tên thành Ty Công an, theo đó mô hình tổ chức Ty Công an tỉnh Cửu Long gồm: Ban Lãnh đạo Ty có 07 đồng chí và 19 đơn vị trực thuộc, cùng 15 công an huyện, thị xã.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính, chia Cửu Long thành 02 tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Ngày 11/4/1992, Công an tỉnh Trà Vinh được tái lập và đi vào hoạt động cho đến nay.
Có được độc lập, tự do như ngày hôm nay, cán bộ, chiến sĩ Công an Trà Vinh sẽ không bao giờ quên và mãi mãi ghi nhớ công ơn của 826 liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng Công an Trà Vinh, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 01 Huân chương Hồ Chí Minh; phong tặng 12 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 06 tập thể và 06 cá nhân; hàng chục tập thể và hàng nghìn lượt cá nhân được tặng Huân, Huy chương các loại; hàng nghìn lượt tập thể và hàng chục nghìn lượt cá nhân được khen thưởng với nhiều hình thức.
HỒ GIANG
Bộ Công an vừa dự thảo xong Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN), dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV gồm 07 chương và 68 điều. Việc ban hành Luật Bảo vệ DLCN là cần thiết tạo cơ sở pháp lý đầy đủ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.