24/02/2021 08:37
Nông dân Thạch Sỹ Trình (phải) trao đổi về kinh nghiệm nuôi dê nhốt chuồng.
Đối với mô hình nuôi dê thường có chi phí đầu tư (chuồng, con giống…) không cao như các vật nuôi khác là bò, heo; đặc biệt, nguồn thức ăn của dê có thể tận dụng tại địa phương, xung quanh nhà, hay nguồn thức ăn xanh, phụ phẩm tại các khu vườn cây ăn trái và thời gian phát triển, nhân đàn rất ngắn (chu kỳ dê nái sinh sản 2,5 lần/năm) và sau 05 tháng nuôi là đạt trọng lượng dê trưởng thành để xuất bán.
Ông Vương Minh Dũng (Phường 6, thành phố Trà Vinh), thương lái liên kết thu mua dê thịt cho 02 tổ hợp tác nuôi dê của xã Đa Lộc và Lương Hòa, huyện Châu Thành cho biết: với giá dê được cơ sở thu mua hiện nay dao động từ 130.000-140.000 đồng/kg dê hơi (dê cái), dê đực hơi cao hơn 30.000 đồng/kg so với dê cái (từ 160.000-170.000 đồng/kg). Người nuôi dê có thu nhập khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/con dê (khoảng 05 tháng tuổi).
Dự án nuôi dê nhốt chuồng được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành phối hợp với DNTN Thủy Vân (thành phố Trà Vinh) là đơn vị liên kết đầu ra và cung ứng con giống, kỹ thuật cho người nuôi. Dự án được triển khai đầu tư từ nguồn vốn phát triển sản xuất của Chương trình XDNTM; tổng kinh phí trên 600 triệu đồng, đầu tư 100 con dê cái cho 20 hộ ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành; trong này có hơn 70% là đồng bào Khmer và người nuôi tham gia đối ứng (kinh phí làm chuồng, trồng cỏ…). Qua hơn 01 năm triển khai, đến nay tổng đàn dê đã tăng lên 200 con dê con.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc DNTN Thủy Vân cho biết: mô hình nuôi dê tuy không mới so với nông dân, nhưng những năm qua việc nuôi dê thường bị thất bại, từ đó người nuôi có tâm lý e dè… Đó là do các nguyên nhân như chưa liên kết về đầu ra; người nuôi chưa áp dụng đúng kỹ thuật trong khâu nuôi, chăm sóc và phòng trị bệnh cùng với đó là người nuôi chưa có nguồn vốn để mở rộng đàn theo mô hình nuôi trang trại hay nông hộ. Phía doanh nghiệp cũng xây dựng mô hình nuôi trang trại về con dê để hỗ trợ người nuôi trình diễn kỹ thuật xây chuồng trại, cho ăn, cách nuôi nhốt, kỹ thuật phối giống… nhằm giúp nông dân đến xem, học tập rồi về xây dựng hợp lý. Cùng tham gia vào dự án, doanh nghiệp tham gia thu mua dê thịt từ 135.000 - 140.000 đồng/kg để vỗ béo, cung ứng lại cho các thương lái tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang… thời gian tới, đối với người nuôi dê muốn phát triển mở rộng mô hình, doanh nghiệp sẽ tăng cường giới thiệu, tư vấn kỹ thuật cho người nuôi phát triển đàn và giới thiệu một số ngân hàng có liên kết để vay vốn...
Nông dân Thạch Sỹ Trình, ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành cho biết: từ xưa đến nay, trong chăn nuôi đối với đồng bào Khmer thường chọn con bò, con heo, ít chú trọng đến các con nuôi khác. Vì vậy, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay và thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến các con nuôi truyền thống. Để tạo hướng đi cho gia đình cũng như hướng dẫn, giúp các hộ trong ấp có cách nhìn mới về chăn nuôi, gia đình đã quyết định đầu tư nuôi dê nhốt chuồng, tháng 02/2020 đầu tư nuôi 10 con dê sinh sản, hiện nay, qua hơn 01 năm nuôi, gia đình xuất bán được 20 con dê hơi và nâng tổng đàn hiện được duy trì lên 19 con dê sinh sản và 11 con dê hậu bị. Với giá dê hơi hiện nay, gia đình thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.
Với đặc điểm của con dê là có thời gian xuất chuồng rất ngắn, sau 06 tháng nuôi đối với dê cái trưởng thành (06 tháng tuổi) là phối giống và 05 tháng là dê đẻ; bình quân đối với dê con 05 tháng tuổi, đạt trọng lượng 30-35kg/con. Nói về hiệu quả của mô hình nuôi dê nhốt chuồng, nông dân Thạch Sỹ Trình chia sẻ: chi phí đầu tư nuôi dê không lớn bằng nuôi bò, thời gian cho hiệu quả kinh tế ngắn (khoảng 05 tháng nuôi là dê xuất bán), đặc biệt là nguồn thức ăn cho dê khá phong phú và người dân có thể tận dụng ở tại địa phương như chuối cây, lá dừa, cỏ… nuôi dê hiện đã liên kết đầu vào (cung ứng con giống, thức ăn) và bao tiêu sản phẩm, nên người nuôi rất an tâm.
Từ hiệu quả trên, huyện Châu Thành đã tiếp tục triển khai Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê sinh sản theo hướng nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Trường Đại học Trà Vinh chủ trì thực hiện ở 02 xã Đa Lộc và Lương Hòa.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.