08/04/2022 10:15
Là tỉnh có trên 31,5% dân số là đồng bào Khmer, tập trung nhiều trên địa bàn các huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần... Ngay sau khi tái lập tỉnh (tháng 5/1992), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 13/10/1992 về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10/10/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer...
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh luôn được quan tâm đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn lực; trong đó Chương trình 135 của Chính phủ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, vùng đồng bào Khmer nói riêng.
Từ năm 1999, thông qua Chương trình 135 đã được triển khai thực hiện, đến nay đã đầu tư xây dựng được 1.171 công trình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào Khmer. Cùng với đó, tỉnh còn được Trung ương triển khai thực hiện đầu tư các nguồn vốn thông qua các chính sách đặc thù như: hỗ trợ đất ở cho 3.758 hộ; đất sản xuất cho 1.104 hộ, nhà ở cho 36.454 hộ, chuộc lại đất cho 449 hộ, khoan giếng cho 144 hộ, đấu nối nước sạch cho 3.630 hộ, cấp lu chứa nước cho 8.41 hộ, cấp bồn chứa nước cho 11.700 hộ. Xây dựng 88 trạm cấp nước; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, hiện vật cho 199.934 lượt hộ nghèo ở vùng khó khăn; nhiều lượt hộ được vay vốn ưu đãi về lãi suất để cải thiện cuộc sống, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ chức đoàn thể...
Hạ tầng giao thông vùng nông thôn được Nhà nước đầu tư phát triển, mở rộng tạo thuận tiện kết nối, vận chuyển hàng hóa nông sản ở vùng đồng bào Khmer ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh nhận định: qua tác động từ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương và tỉnh trong suốt thời gian qua cho đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đã tạo “bứt phá” về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, thủy lợi, y tế...). Từ đó, đời sống kinh tế -xã hội của người dân từng bước được phát triển vươn lên.
Trình độ dân trí trong vùng đồng bào Khmer phát triển rõ rệt. Hàng năm, có khoảng 2.500 sinh viên, học sinh dân tộc Khmer theo học ở các bậc: đại học, cao đẳng, trung cấp; duy trì khoảng 70.000 học sinh dân tộc Khmer ở bậc học mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT (chiếm tỷ lệ 34% so với học sinh chung). Việc dạy và học chữ Khmer được tổ chức hàng năm tại 121 điểm trường với 19.000 học sinh...
Rõ nét nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là trong vùng đồng bào Khmer ngày nay đã được đầu tư khá hoàn chỉnh; đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa và phục vụ sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết hướng đến xuất khẩu. Từng vùng, từng khu vực đã dần thay đổi sản xuất nông nghiệp đơn thuần theo hướng sản xuất công nghệ cao 4.0 như vùng nuôi tôm ở xã Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang), xã Kim Sơn, Đại An, Đinh An (huyện Trà Cú), vùng đồng láng Đôn Xuân, Đôn Châu (huyện Duyên Hải)... nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống và sản xuất.
Trong sản xuất lúa đã hình thành các cánh đồng lớn, vùng sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống kênh bê-tông nổi khép kín như xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần), xã Phong Phú (huyện Cầu Kè)... Hay các vùng chuyên canh màu ở xã Hàm Giang, An Quảng Hữu, Long Hiệp (huyện Trà Cú), xã Mỹ Long Bắc, Long Sơn, Hiệp Hòa, Nhị Trường (huyện Cầu Ngang), xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải)...
Ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: là xã có trên 50% đồng bào Khmer, những năm qua nhờ đầu tư của Trung ương và tỉnh, huyện về các công trình hạ tầng giao thông đã kịp thời làm thay đổi diện mạo của Long Sơn; tạo thuận lợi cho người dân trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là nuôi thủy sản và trồng màu, mang lại thu nhập ổn định cho đời sống của đồng bào Khmer.
Qua đó, năm 2021, nông dân trong xã đã chuyển đổi sản xuất tại từng tiểu vùng như: dự án cánh đồng Năng, cánh đồng Trà Côn và 13ha làm lúa kém hiệu quả sang trồng các loại khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nâng tổng số từ 2015 đến nay, đã chuyển đổi 182,5ha, tập trung các ấp Huyền Đức, Bào Mốt, Sóc Mới, Ô Răng. Nhìn chung, việc chuyển đổi sản xuất đem lại hiệu quả cao gấp 02 lần so với trước đây. Đến cuối năm 2021, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM và đang chờ tỉnh kiểm tra, công nhận.
Thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua thí điểm và nhân rộng mô hình vận hành bảo trì và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng trong Chương trình 135” do Cơ quan viện trợ Ireland (IRISH AID) tài trợ. Qua hơn 04 năm (2017-2021) thực hiện trên địa bàn tỉnh (xã An Quảng Hữu, Thanh Sơn huyện Trà Cú; Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn huyện Cầu Ngang); đã triển khai duy tu, bảo dưỡng 26 công trình (đường giao thông và nhà văn hóa cộng đồng) ở các xã dự án, kinh phí 1,7 tỷ đồng; xây dựng mới 09 công trình kết cấu hạ tầng tại 04 xã dự án, kinh phí thực hiện 1,6 tỷ đồng… có khoảng 10.000 người dân được hưởng lợi từ các công trình được duy tu, bảo dưỡng và xây dựng mới.
Thông tin từ UBND huyện Cầu Ngang, qua thực hiện các giải pháp về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đạt 50,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,86% (cả huyện giảm 2,05%). Các xã vùng đồng bào Khmer đạt mục tiêu 100% tuyến đường liên xã được nhựa hóa - bê tông hóa, có 58,48% tuyến đường trục nội ấp, liên ấp được cứng hóa đạt chuẩn NTM. Hệ thống lưới điện tiếp tục phát triển có 99,6% hộ dân tộc sử dụng điện thường xuyên, 99,22% hộ dân tộc sử dụng nước hợp vệ sinh, có 07/08 xã vùng có đông đồng bào dân tộc có chợ phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa.
Riêng trong giai đoạn 2016-2020, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia Dự án 2 (Chương trình 135 của Chính phủ) đã triển khai trên địa bàn các địa phương có đông đồng bào Khmer đã tác động tích cực trong thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển; đồng thời, tạo điều kiện cho từng địa phương và người dân tham gia XDNTM.
Về nguồn vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí thực hiện 177,982 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 171,661 tỷ đồng, ngân sách địa phương 0,724 tỷ đồng và dân đóng góp 5,597 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2019 đã triển khai xong 260 công trình (233 công trình giao thông, 22 công trình nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng, 05 công trình khác); năm 2020 các xã tiếp tục triển khai 48 công trình, tổng vốn 33,989 tỷ đồng.
Về nguồn vốn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng vốn thực hiện 51,181 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 46,092 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 5,089 tỷ đồng. Qua thực hiện ở giai đoạn 2016-2019, triển khai 209 dự án, mô hình phát triển sản xuất, với 2.559 hộ hưởng lợi, số vốn giải ngân 34,334 tỷ đồng; năm 2020 các xã triển khai tiếp tục thực hiện 42 mô hình, dự án, với 549 hộ hưởng lợi, số tiền 9,566 tỷ đồng.
Ông Kim Ngọc Sương, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trà Cú cho biết: tuy nhiên, năm 2020, thông qua nguồn vốn phân bổ 18 tỷ đồng từ Chương trình 135 của Chính phủ (năm 2021 không có nguồn vốn phân bổ), huyện triển khai đầu tư xây dựng mới 11 công trình (03 đường nhựa, 07 đường đal, 01 hệ thống thoát nước); duy tu bão dưỡng 08 công trình hạ tầng (đường nông thôn 07 công trình; nhà văn hóa 01 công trình); 08 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, có 211 hộ hưởng lợi, tổng vốn 3,455 tỷ đồng…
Cũng theo ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc Trà Vinh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngày 14/02/2022 UBND tỉnh Trà Vinh có Quyết định số 369/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Riêng giai đoạn I (năm 2021-2025) trên địa bàn tỉnh có 9 dự án: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa chuỗi giá trị. Đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể chất, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp bách đối với phụ nữ và trẻ em.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.