26/01/2022 17:04
Cửa hàng người nghèo không đồng của bà Nguyễn Thị Lệ khai trương hơn 02 tuần. Ảnh: NGUYỄN LỆ
Tuy thời điểm trước và sau tết Nguyên đán được xem là cao điểm của mùa cưới nhưng không khí năm nay khác hẳn mọi năm, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên hơn nửa năm qua các nhà hàng kinh doanh tiệc cưới đã ngưng hoạt động cho đến nay. Mặc dù một số nhà hàng dịch vụ tiệc cưới đã và đang có kế hoạch, phương án để mở cửa hoạt động trở lại, nhưng số lượng quy định tập trung không quá 30 người nên phương án đón khách trở lại của các nhà hàng kinh doanh tiệc cưới luôn bị động.
Qua ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các nhà hàng kinh doanh tiệc cưới chưa mở cửa hoạt động đón khách trở lại. Nhà hàng tiệc cưới Uyên Ương là một trong những nơi tổ chức công nghệ tiệc cưới có tiếng ở thành phố Trà Vinh. Tuy nhiên, hiện nay với tình hình dịch bệnh vẫn còn, nhà hàng đã sẵn sàng cho mọi hoạt động tổ chức tiệc cưới nhưng vẫn luôn trong tâm thế thận trọng, e ngại dịch bệnh Covid-19 vẫn còn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Út, Quản lý nhân sự của doanh nghiệp tư nhân nhà hàng Uyên Ương ở Khóm 1, Phường 4, thành phố Trà Vinh (nhà hàng tiệc cưới Uyên Ương) cho biết: trong những tháng đầu năm 2021, nhà hàng nhận được từ 10 - 15 cặp đôi tổ chức tiệc cưới, doanh thu trên 150 triệu đồng. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp, bắt đầu từ tháng 6/2021 nhà hàng đã đóng cửa cho đến nay. Mặc dù trong thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh, nhà hàng vẫn nhận được hơn 10 cặp đôi đặt tiệc cưới và cuối cùng vẫn không tổ chức được. Nguyên nhân dịch bệnh phức tạp, các cặp đôi trì hoãn chờ hết dịch bệnh hoặc vẫn mang tâm lý e ngại dịch bệnh nên không tổ chức tiệc cưới. Có những cặp đôi dự kiến thời gian không thể trì hoãn và đăng ký kết hôn chỉ tổ chức tiệc cưới tại nhà dưới sự chứng kiến của hai bên gia đình. Chính vì thế, mọi kế hoạch tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng đều bị hủy bỏ, kéo theo toàn bộ hoạt động ngành cưới bị tê liệt, đóng băng. Suốt chuỗi thời gian tạm nghỉ vì dịch bệnh, doanh nghiệp đã đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt tiền sảnh chính để sẵn sàng đón khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, khi người dân trở lại cuộc sống bình thường mới, nhà hàng vẫn chưa mạnh dạn mở cửa hoạt động trở lại, do số lượng khách tham gia tiệc cưới mỏng khoảng 30 người nên nhà hàng không đủ chi phí để bù vào hoạt động và chi trả tiền cho nhân viên.
Theo ông Út, vào mùa cưới cao điểm, nhà hàng nhận từ 10 - 15 tiệc/tháng như tiệc cưới, hỏi, hội nghị… ngoài 10 lao động chính, nhà hàng tuyển thêm 28 lao động làm việc công nhật để phục vụ từ 150 - 200 khách mời/tiệc. Tuy ngưng hoạt động, không doanh thu do dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì chế độ trả lương hàng tháng cho 10 lao động có hợp đồng. Tuy nhiên, do tiệc cưới không được tập trung quá số người quy định, nên bắt đầu từ tháng 12/2021, doanh nghiệp đã ngưng trả lương và cho người lao động nghỉ việc.
Ông Út cho biết thêm: theo kế hoạch, mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022, nhà hàng sẽ mở cửa hoạt động trở lại. Hiện tại nhà hàng đã nhận được khoảng 15 cặp đôi đặt tiệc cưới. Hy vọng bước sang năm mới, tình hình dịch bệnh được kiểm soát để việc đón khách của nhà hàng được thuận lợi hơn. Một trong những khó khăn hiện nay, nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhân viên tại nhà hàng nghỉ việc quá lâu sẽ đi tìm công việc khác. Trong khi đó, do dịch bệnh Covid-19 người dân cân nhắc việc chi tiêu, nên việc tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng thời gian tới càng khó khăn hơn. Sang năm mới kế hoạch hoạt động của nhà hàng vẫn chưa được ổn định, nhà hàng sẽ chủ động tìm giải pháp bằng cách kinh doanh thức ăn tại chỗ và bán mang về như cơm gà, hủ tiếu, bún… nhằm tạo doanh thu cho doanh nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động chờ ngày mở cửa đón khách trở lại.
Cùng khó khăn chung do ảnh hưởng dịch bệnh, nên nhà hàng tiệc cưới Hương Thôn của bà Nguyễn Thị Lệ, ở thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang đã đóng cửa hoạt động hơn 06 tháng qua. Với tình hình vắng khách kéo dài trong thời gian qua, việc kinh doanh tiệc cưới tại nhà hàng càng khó khăn hơn. Do đó, bà Lệ quyết định trả lương một lần cho 07 lao động trước khi ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân trong huyện vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nên đầu tháng 12/2021, bà Lệ tận dụng mặt bằng tại nhà hàng để mở “cửa hàng người nghèo không đồng” nhằm hỗ trợ hộ nghèo vượt qua khó khăn, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới.
Theo bà Lệ, cửa hàng hoạt động chủ yếu hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm cho người nghèo vượt qua khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trước mắt bà đã trích nguồn lực của gia đình để mua gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người nghèo. Hình thức hỗ trợ bằng cách, mỗi hộ nghèo được cấp sổ hộ nghèo trong năm 2022 sẽ được cửa hàng cấp sổ mua hàng tại cửa hàng 01 lần/tháng. Bình quân mỗi hộ nghèo được mua hàng “không đồng” tại cửa hàng gồm 10kg gạo và một số nhu yếu phẩm như đường, bột ngọt, nước tương, nước mắm… tùy theo nhân khẩu trong gia đình mà cửa hàng cung cấp hợp lý. Qua hơn 02 tuần hoạt động, “cửa hàng người nghèo không đồng” đã phục vụ trên 100 lượt đối tượng. Thời gian tới, “cửa hàng người nghèo không đồng” hoạt động đi vào chiều sâu, bà vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ nguồn lực giúp cửa hàng có vốn hoạt động mở rộng kinh doanh thêm mặt hàng rau củ quả vừa giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vừa giúp nông dân giải quyết đầu ra nông sản tại địa phương.
Có thể nói, ngành nhà hàng kinh doanh tiệc cưới là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Mặc dù người dân trong tỉnh hiện đã trở lại cuộc sống trong trạng thái bình thường mới, nhưng việc kinh doanh nhà hàng tiệc cưới vẫn còn khó khăn. Do mối ngại về dịch bệnh, nên những cặp đôi quan tâm nhiều nhất chính là chi phí tổ chức tiệc cưới sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Tuy một số nhà hàng, ngành hàng tiệc cưới đã đóng cửa và chuyển hướng khác với giải pháp kinh doanh mới để sẵn sàng chờ cơ hội mở cửa hoạt động, nhưng vẫn luôn bị động. Để giữ hoạt động kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới không bị biến động, đại diện các đơn vị kinh doanh ngành hàng tiệc cưới hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc và Nhà nước có chủ trương mới giúp nghề kinh doanh tiệc cưới hoạt động trở lại ổn định hơn.
MẪN QUÂN
Phát huy vai trò phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hoạt động Hội huy động sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân cùng chung tay BVMT góp phần XDNTM nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.