25/01/2022 10:08
Nhân viên Cửa hàng áo cưới Trần Quyên chuẩn bị trang phục cưới giao cho khách hàng.
Qua ghi nhận của chúng tôi, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội một thời gian, đã làm nhiều hoạt động bị đình trệ, đặc biệt là lễ cưới, hỏi, từ đó kéo theo các dịch vụ cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu, rạp cưới… gặp nhiều khó khăn, các chuỗi hoạt động của dịch vụ này đều bị gián đoạn làm mất và giảm thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Ánh, ấp Kỳ La, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành cho biết: gia đình bà có 06 người, không ruộng đất sản xuất, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề cho thuê rạp cưới, bàn ghế và những đồ dùng phục vụ tiệc cưới, hỏi… hơn 10 năm qua, thu nhập bình quân từ 500.000 - 600.000 đồng/tiệc. Đặc biệt, vào thời điểm mùa cưới bắt đầu từ trước và sau Tết, thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động cưới, hỏi, bị trì hoãn hoặc không tổ chức, từ đó nghề dịch vụ cho thuê rạp và đồ dùng phục vụ tiệc cưới, hỏi của gia đình bị gián đoạn, mất thu nhập.
Trong thời điểm khó khăn, địa phương tạo điều kiện cho gia đình bà có thêm thu nhập, bằng cách thuê rạp để thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân và dựng rạp thành lập các chốt chặn kiểm soát dịch bệnh và quản lý các trường hợp bị nhiễm bệnh Covid-19, nhưng số lượng không nhiều. Cùng với đó, vợ chồng con trai của bà đã thu mua hải sản bày bán ở chợ Bạch Đằng, tuy thu nhập không nhiều, nhưng đã giải quyết cuộc sống khó khăn trong mùa dịch bệnh. Thời gian gần đây, người dân thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh nên việc kinh doanh của gia đình bà có bước khởi sắc, vừa qua bà nhận cho thuê tiệc sinh nhật có thêm nguồn thu nhập. Hy vọng thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát tốt, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của gia đình ổn định hơn.
Không chỉ có gia đình bà Ánh, bà Hoắc Cẩu ngụ cùng ấp đã trên 20 năm làm nghề cho thuê rạp, bàn ghế phục vụ tiệc cưới, hỏi, sinh nhật… gặp nhiều khó khăn. Bà Cẩu cho biết: dịch bệnh xảy ra, cả năm nay gia đình bà mất nguồn thu nhập, nếu không có nguồn thu nhập làm thuê của các con gửi về, gia đình càng khó khăn hơn. Sau khi trở lại cuộc sống bình thường mới, bà thỉnh thoảng cho thuê bàn ghế phục vụ sinh nhật, lễ giỗ hoặc Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, nhưng chỉ nhỏ lẻ, bởi dịch bệnh còn phức tạp nên người dân không tổ chức quy mô lớn, chỉ thuê từ 02 - 03 bộ bàn ghế, thu nhập vài chục ngàn đồng.
Dịch bệnh xảy ra không chỉ dịch vụ cho thuê đồ dùng phục vụ tiệc cưới, hỏi gặp khó khăn, các dịch vụ làm đẹp, trang điểm cô dâu, thuê áo cưới cũng bị đứt gãy. Bà Lý Ngọc Thủy, chủ tiệm làm tóc, trang điểm tại Khóm 9, Phường 9, thành phố Trà Vinh bộc bạch: bị ảnh hưởng dịch bệnh, việc làm đẹp tại tiệm của bà tuy gặp khó khăn, nhưng nhờ mặt bằng nhà nên đỡ vất vả hơn so với những tiệm khác. Những tháng trước, do dịch bệnh phức tạp, người dân thắt chặt chi tiêu nên hạn chế đến tiệm làm tóc, trang điểm, làm móng... Gần Tết, tuy lượng khách giảm gần 40 - 50% so với năm trước, nhưng hàng ngày có 02 - 03 người khách đến làm móng, làm tóc để chuẩn bị đón Tết, nhờ vậy chị có thêm thu nhập trang trải cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Quế, nhà ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết, do yêu thích nghệ thuật làm đẹp, nên ngoài việc phụ giúp gia đình làm bánh tét, bà đã học thêm nghề trang điểm. Với nghề “tay trái” này khi khách có nhu cầu đều có thể đến nhà hoặc bà cũng có thể đến trang điểm tận nơi cho khách. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh xảy ra, trung bình mỗi tháng vào mùa cưới, bà Quế nhận trang điểm từ 06 - 08 cô dâu cùng một số chị em có nhu cầu trang điểm để dự tiệc. Đặc biệt, vào những lúc cao điểm trong tháng, có hôm khách hàng đến liên tục không kịp phục vụ, nhất là vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch có nhiều đám cưới được tổ chức.
Thế nhưng, từ khi dịch bệnh xảy ra, nhất là từ khi Trà Vinh thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đến nay, bà Nguyễn Thị Hồng Quế và các cộng sự của bà chủ yếu chỉ trang điểm cho khách lẻ đi chụp ảnh, quay quảng cáo hoặc ghi hình trên sân khấu. Khắc phục cho tình trạng khó khăn này, bà Quế chia sẻ, liên tiếp mấy tháng nay, bên cạnh việc phụ gia đình làm và bán bánh tét, bất đắc dĩ bà có thêm nghề trồng rau cải xung quanh nhà để giảm bớt thời gian nhàn rỗi.
Bà Trần Thị Tố Quyên, chủ cửa hàng cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu Trần Quyên ở Khóm 2, Phường 1, thành phố Trà Vinh cho biết: chuỗi hoạt động trang điểm chụp ảnh cưới, cho thuê áo cưới trong năm 2021 gần như bị thất thu nặng. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, việc tổ chức tiệc cưới của các cặp đôi đơn giản, giới hạn khách mời, nên cô dâu không thuê áo cưới, chỉ đơn giản mặc trang phục gọn nhẹ tự mua hoặc may và thậm chí còn tự trang điểm tại nhà. Có những cặp đôi đăng ký kết hôn và tổ chức hôn lễ với sự chứng kiến của gia đình hai bên…
Theo bà Quyên, trước đây, trung bình cửa hàng nhận trang điểm từ 10 - 15 cô dâu/ngày từ việc trang điểm đãi tiệc cho đến trang điểm cô dâu chụp ảnh cưới ngoại cảnh… giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình kinh doanh khó khăn, nên hiện nay cửa hàng chỉ nhận trang điểm và cho thuê áo cưới khoảng 03 - 05 cô dâu/ngày, giải quyết việc làm 07 lao động, thu nhập từ 3,5 - 07 triệu đồng/người/tháng. Gần Tết, tuy dịch vụ cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu có từng bước phục hồi so với những tháng trước, nhưng vẫn chưa ổn định. Do có những gia đình phải trì hoãn lại, có gia đình do dự kiến thời gian từ trước nên không thể trì hoãn và tổ chức đơn giản tập trung từ 20 - 30 người.
Trong dịp tết Nhâm Dần 2022, ngoài kinh doanh dịch vụ đồ cưới, cửa hàng kinh doanh thêm mặt hàng quần áo thời trang may sẵn… nhằm tạo việc làm cho 07 lao động, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống trong dịp cuối năm.
Hiện tại, người dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được tiêm các mũi vắc-xin cơ bản phòng Covid-19, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Các hoạt động của đời sống xã hội rồi sẽ trở lại bình thường sau thời gian dài tạm gián đoạn, trong đó có dịch vụ “làm đẹp” và cho thuê đồ cưới. Đây cũng là mong mỏi của nhiều đôi bạn trẻ đã chọn được “bạn đời” chờ ra mắt họ hàng, người thân.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát huy vai trò phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hoạt động Hội huy động sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân cùng chung tay BVMT góp phần XDNTM nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.