03/09/2024 09:46
Lãnh đạo Huyện ủy Cầu Kè tham quan gian hàng trưng bày dừa sáp của Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân.
Giá trị và thương hiệu dừa sáp vươn xa
Trải qua 100 năm, với bao thăng trầm của cây dừa sáp bén rễ trên vùng đất quê hương Cầu Kè. Hiện trái dừa sáp được ví von là “vàng trắng” đã cùng với hàng ngàn nhà vườn ở huyện Cầu Kè khai thác hiệu quả về giá trị trái dừa sáp - đặc sản của vùng quê Cầu Kè.
Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng dừa sáp lớn nhất cả nước, tập trung ở huyện Cầu Kè. Từ năm 2005 đến nay diện tích dừa sáp của Trà Vinh tăng rất nhanh từ 43ha năm 2005, lên 170ha năm 2017 và hiện đạt 1.277ha (tương đương khoảng 250.000 cây dừa), chiếm 4,67% diện tích dừa của toàn tỉnh (trong đó có khoảng 70ha được nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng tỷ lệ sáp). Trong 1.277ha dừa sáp, có 31,1ha trồng từ cây dừa sáp nuôi cấy phôi. Các giống dừa sáp được trồng phổ biến hiện nay gồm: dừa sáp tròn, dừa sáp dài, dừa sáp có cạnh, dừa sáp vỏ xanh, dừa sáp vỏ vàng.
Nhà vườn Thạch Chanh, ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè phấn khởi: hiện gia đình có khoảng 600 cây dừa sáp được trồng trên diện tích hơn 03ha từ năm 2014 - 2025, đã đem lại giá trị kinh tế rất cao cho gia đình. Thu nhập trung bình trên 60 triệu đồng/tháng (riêng giá trị từ dừa khô, khoảng 25 triệu đồng/tháng).
Hoạt động kinh doanh dừa sáp trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự đóng góp của các hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 100 sản phẩm được chế biến từ trái dừa sáp, trong đó có 15 sản phẩm từ dừa sáp được công nhận OCOP 3 sao trở lên.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ: dừa sáp Trà Vinh, trong 04 năm qua đã nổi bật lên bằng những sản phẩm tiêu biểu, đến nay đã có hơn 40 mặt hàng và đã có mặt trên 06 thị trường của 06 nước trên thế giới với những nước “khó tính” như: Nhật Bản, Mỹ, Canada; đây là một tín hiệu rất đáng mừng.
Với tiềm năng và cơ hội, dừa sáp đang có vị thế lớn trước các cây trồng khác do giá trị kinh tế cao và nguồn đầu vào cho ngành thực phẩm. Theo chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ phát triển thêm khoảng 550ha dừa sáp đặc sản.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Trưởng đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa Quốc tế - ICC cho biết: với đặc tính đặc biệt của dừa sáp hiện nay, thị trường trong và ngoài nước được đánh giá dư địa còn rất lớn. Do các loại dừa của các nước khác chưa quan tâm đầu tư, sản phẩm chưa xuất hiện trên thị trường thế giới.
Thời gian tới, tỉnh Trà Vinh đầu tư chính sách và khuyến khích đầu tư các chuỗi liên kết cho dừa sáp và khuyến khích đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường; nhằm kích thích tiêu dùng tạo đòn bẩy cho DN đầu tư vào dừa sáp, kích thích nông dân trồng và chăm sóc, tạo nhu cầu cho nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu nâng cao chất lượng… là bước tiến kịp thời trong thời điểm hiện nay, có thể nói sẽ là sản phẩm độc quyền trên thị trường.
Quảng bá thương hiệu và giá trị đặc sắc của dừa sáp
Hội thi ẩm thực chế biến 100 món ngon từ dừa sáp là một trong những chuỗi hoạt động Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội năm 2024 nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu, những giá trị đặc sắc của dừa sáp Trà Vinh cũng như giữ gìn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống. Đăc biệt, xác lập kỷ lục Việt Nam với hơn 100 món ngon được chế biến từ dừa sáp.
Hội thi thu hút sự tham gia của người dân, DN trong việc phát huy giá trị, thương hiệu dừa sáp Trà Vinh. Trao đổi với chúng tôi, thí sinh Trương Thị Mỹ Thanh, đơn vị thị trấn Cầu Kè cho biết: đây là lần đầu tiên đơn vị tham gia hội thi chế biến nhiều món ăn từ dừa sáp, ban đầu các thành viên trong đội bỡ ngỡ, nhưng đội đã nghiên cứu pha chế để làm giảm độ béo mà vẫn giữ hương vị dừa sáp đặc trưng trong từng món ăn.
Thí sinh Đinh Thị Trúc Quân, đơn vị xã Ninh Thới tham gia hội thi, đội chế biến món ngọt và mặn, trong đó đơn vị đã sáng tạo chế biến món cà ri bò từ dừa sáp. Để món ăn thơm ngon giữ được hương vị dừa sáp, các thành viên đã pha chế và điều tiết hương vị sao cho hài hòa mà vẫn giữ được mùi vị của dừa sáp.
Hội thi ẩm thực 100 món ngon từ dừa sáp không chỉ tạo điều kiện cho người tham gia nghiên cứu, sáng tạo nhiều món ăn tinh tế, còn thu hút đông đảo người dân đến tham quan, tìm hiểu, góp phần thúc đẩy giá trị kinh tế trái dừa sáp. Chị Kim Thị Trang, xã Hòa Tân cho biết: món ăn của các đội tham gia vô cùng phong phú, đa dạng, màu sắc hấp dẫn, nếu được đưa ra thị trường sẽ thu hút người tiêu dùng cùng thưởng thức.
Chị Ngô Thị Như Thủy, tỉnh Vĩnh Long bộc bạch: lần đầu đến Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh, với chị các món ngọt chế biến từ dừa sáp chưa thưởng thức hết, nay có thêm món mặn từ dừa sáp khá độc đáo, ngạc nhiên khi dừa sáp có thể chế biến thành 100 món ngon lần đầu tiên chị chứng kiến và nếm thử cảm giác ngon, độc đáo. Sau chuyến du lịch này chị mua dừa sáp về làm quà và tự chế biến cho người thân gia đình cùng thưởng thức.
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Chủ tịch Hội đầu bếp Thành phố Hồ Chí Minh tâm đắc ở hội thi được tổ chức rất chuyên nghiệp, người dân mang những đặc sản từ dừa sáp trưng bày bắt mắt, các món ăn rất chất lượng và sáng tạo trong khâu chế biến của các đội thi khá độc đáo. Ở hội thi này, một số đội thi chế biến món bánh kem dừa sáp, cà ri dừa sáp, các loại bánh dân gian và bánh thiết kế theo kiểu châu Âu từ dừa sáp kết hợp với sáng tạo, pha chế hương vị hài hòa chất lượng hơn. Tuy các món ngọt nhiều hơn món mặn, nhưng sự sáng tạo phong phú các món ngon từ dừa sáp đến người tiêu dùng trong nước và có thể quảng bá ở nước ngoài trong tương lai càng nhiều hơn.
Đội thi của xã Thạnh Phú bày trí món ăn chế biến từ dừa sáp.
Sản phẩm trái dừa sáp đầu tiên của Trà Vinh có mặt ở các siêu thị nước ngoài được bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng (Khóm 2, thị trấn Cầu Kè) thực hiện liên kết cung ứng qua trung gian cho 02 DN ở tỉnh Bến Tre và Bình Dương để xuất khẩu, với số lượng hàng ngàn trái/năm. Ngoài ra, còn có Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân với tổng diện tích 32ha (diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 25,2ha), sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Công ty TNHH một thành viên Phát Đặng sản xuất các sản phẩm như giống dừa sáp nuôi cấy phôi, kem dừa sáp King Coco, mứt dừa sáp King Coco, cơm dừa sáp cấp đông, dừa sáp trái King Coco và du lịch sinh thái, trong đó có 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, hàng năm tiêu thụ hơn 120.000 trái dừa sáp. Đặc biệt, Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ dừa sáp, với 11 sản phẩm đều được chứng nhận OCOP 4 sao trở lên; trong đó, có 01 sản phẩm 5 sao (dừa sáp sợi), 03 sản phẩm có tiềm năng 5 sao; Công ty sản xuất 16 dòng sản phẩm với hơn 80 mã sản phẩm, các sản phẩm được sản xuất theo quy trình HACCP, ISO 9001:2015, ISO 2000:2018 và chứng nhận FDA, HALAL. Sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Úc và Canada; hàng năm tiêu thụ hơn 500.000 trái dừa sáp.
|
Đồng chí Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè đánh giá: Hội thi thu hút 15 đội đến từ các xã thị trấn, DN trong và ngoài huyện. Hội thi nhằm mục tiêu quảng bá trái dừa sáp nhằm chế biến nhiều món ngon. Hơn nữa, dừa sáp là nguyên liệu phục vụ chế biến trong mỹ phẩm, dược phẩm. Hướng tới, huyện khảo sát để quy hoạch mở rộng diện tích.
Đặc biệt của cây dừa sáp là trồng tập trung sẽ mang lại độ sáp cao, do đó, tập trung trồng chuyên canh cây dừa sáp, thay thế những cây kém hiệu quả để cải thiện kinh tế cho người dân. Cây dừa sáp đang hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân và là tiềm năng phát triển về du lịch sắp tới của huyện.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ - MỸ NHÂN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg, ngày 07/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.