05/05/2021 07:57
|
Thuở ấy, năm 1920, sau khi làm binh biến cắm cờ búa liềm trên chiến hạm Pháp tại Hắc Hải, người công nhân Ba Son Tôn Đức Thắng bị trục xuất về nước. Bác Tôn liền tập hợp 17 đồng chí hướng về đình Bình Đông (nay thuộc Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) để thành lập tổ chức Công hội đỏ. Trong số 17 người đó có một người con ưu tú của vùng đất Trà Vinh là cụ Dương Quang Đông, khi ấy vừa tròn 18 tuổi.
Theo sự phân công của tổ chức, đồng chí Dương Quang Đông về quê tuyên truyền, vận động những thanh niên ưu tú giàu lòng yêu nước để thành lập tổ chức cơ sở của Công hội đỏ. Năm 1921, tại Cầu Ngang, tổ chức Nông hội đỏ ra đời với những thành viên đầu tiên là Trương Văn Kỉnh, Hồ Văn Biện. Sau đó, đồng chí Dương Quang Đông về thị xã Trà Vinh vận động thành lập Công hội đỏ tỉnh lỵ với các thành viên Nanh, Vinh, Sáu, Đen, Kỷ, Đông. Đồng chí Nanh được cử làm Thư ký của tổ chức. Đồng chí Lẹ được phân công về Càng Long vận động thành lập tổ chức Thanh niên đỏ với các thành viên Học, Ngò, Thi, Quí, Đạt, Dung. Cả 03 tổ chức này đều được công nhận là tổ chức thành viên của Công hội đỏ Nam kỳ nhưng do nghề nghiệp xuất thân, tính chất hoạt động của từng thành viên nên có những tên gọi khác nhau, chỉ duy nhất tổ chức tại tỉnh lỵ mang tên Công hội đỏ.
Đây quả là sự kiện đáng tự hào của giai cấp công nhân và người lao động Trà Vinh trong tiến trình lịch sử đấu tranh kiên cường giành độc lập tự do cho dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa lớn lao khi chúng ta nhớ lại bối cảnh lúc ấy, Trà Vinh là một tỉnh lẻ mà đại đa số người dân sống bằng nông nghiệp, giai cấp công nhân đang trong giai đoạn hình thành còn nhỏ lẻ, yếu ớt vậy mà tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã sớm thấm nhuần nên họ đã có ngay được tổ chức đại diện mình, thực hiện trọng trách của giai cấp tiên tiến trước lịch sử.
Ngay vừa ra đời Công hội đỏ tỉnh lỵ Trà Vinh ra sức tuyên truyền vận động để phát triển cơ sở, phát triển tổ chức nhắm vào đối tượng là trí thức, viên chức, công nhân, thợ thuyền, anh em khuân vác, giới mua gánh bán bưng, lớp nghèo thành thị. Các cơ sở có đông người lao động như hãng xe Tô Kiên, tiệm cưa Trần Khầu, đò Đại Đức, nhà đèn, nhà thương, nhà dây thép, chợ Trà Vinh… đều có những cơ sở nòng cốt của tổ chức. Chính nhờ vậy, các thành viên Công hội đỏ Trà Vinh đã được sự chở che, đùm bọc của quần chúng khỏi sự truy lùng, đàn áp của kẻ thù và lãnh đạo giới công nhân lao động thị xã đoàn kết đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân, giới chủ, bảo vệ quyền lợi dân nghèo như cuộc đấu tranh của công nhân hãng xe Tô Kiên, công nhân nhà đèn, giới mua gánh bán bưng chợ Trà Vinh…
Mặt khác, những loại sách báo, tài liệu truyền bá tư tưởng Mác-Lênin, sách báo của Đảng Cộng sản Pháp, các trước tác của Nguyễn Ái Quốc… mà Đảng Cộng sản Pháp bí mật chuyển bằng đường hàng hải đến Công hội đỏ Nam kỳ đều được Công hội đỏ tỉnh lỵ tiếp nhận, nghiên cứu và phổ biến cho tổ chức Nông hội đỏ Cầu Ngang, Thanh niên đỏ Càng Long cũng như những cơ sở quần chúng nòng cốt. Nhờ vậy, ý thức hệ của giai cấp vô sản, thông qua tổ chức Công hội đỏ tỉnh lỵ, đã sớm được cày xới, ươm mầm trong giới trí thức, công nhân, thợ thuyền, người lao động Trà Vinh.
Đến năm 1927, 03 tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Trà Vinh ra đời tại Cầu Ngang, tỉnh lỵ, Càng Long, trên cơ sở chuyển hóa tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên đỏ có sẵn. Các thành viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên cũng chính là các thành viên của tổ chức Công, Nông hội, Thanh niên đỏ. Mùa xuân 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập. Không lâu sau đó, ở Trà Vinh có ngay ba Chi bộ Đảng chuyển hóa từ ba Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.
Như vậy, trong gần một thập kỷ tồn tại hoạt động, tổ chức Công hội đỏ tỉnh lỵ (cùng Nông hội đỏ Cầu Ngang, Thanh niên đỏ Càng Long) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình là chuẩn bị chu đáo những điều kiện về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của các Chi bộ Đảng; tập hợp, lãnh đạo giai cấp công nhân, người lao động và quần chúng đấu tranh chống kẻ thù chung; tuyên truyền, vận động, đấu tranh… để thống nhất các xu hướng cách mạng khác nhau ở địa phương vào ý thức hệ cách mạng vô sản.
Một điều làm chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống giai cấp công nhân, người lao động và Công đoàn Trà Vinh là những thành viên ban đầu của tổ chức Công hội đỏ tỉnh lỵ, trải qua thực tiễn đấu tranh, đã trưởng thành thành những chiến sĩ cộng sản kiên cường, thành những nhà lãnh đạo kiệt suất của Tỉnh Đảng bộ trong cuộc đấu tranh chống thực dân đế quốc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Xin kể ra đây một số tiêu biểu trong những nhân vật kiệt suất ấy:
Đồng chí Dương Quang Đông, người sáng lập và là thành viên chủ chốt của tổ chức Công hội đỏ Trà Vinh. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, ông từng đảm nhiệm cương vị quyền Bí thư Xứ ủy Nam kỳ; Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Trưởng Ban Sưu tầm vũ khí hải ngoại, trực tiếp chỉ huy mở đường Xuyên Tây sang Thái Lan, Cao Miên, Mã Lai… thu mua, vận chuyển vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến của quân dân Nam bộ. Đến thời chống Mỹ, ông là người trực tiếp xây dựng, lãnh đạo đường giao liên giữa Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ.
Đồng chí Nanh, vốn là viên chức nhà dây thép (Bưu điện) Trà Vinh. Ông giữ cương vị Thư ký Công hội đỏ tỉnh lỵ đến năm 1927 khi Công hội đỏ chuyển thành Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, ông là Thư ký Chi bộ tỉnh lỵ, rồi Thư ký Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tỉnh Trà Vinh. Năm 1932, ông bị bắt, đày ra Côn Đảo và hy sinh ngoài đó.
Đồng chí Vinh, còn có tên Huỳnh Ngọc Trảng, là thợ hớt tóc, vốn người Bắc Ninh. Sau năm 1930, ông là Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Trà Vinh. Năm 1931, ông bị bắt, bị trục xuất về Bắc. Ở Hà Nội, ông tiếp tục hoạt động và bị bắt đày lên Sơn La. Ông hy sinh tại ngục Sơn La.
Đồng chí Sáu, tên thật là Trần Văn Sáu, vốn là công nhân lục lộ. Ông đảm nhiệm công tác liên lạc của Tỉnh ủy Trà Vinh nhiều năm liền nên còn có tên Sáu Liên lạc. Sau năm 1945, ông là Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, rồi được phân công tham gia lãnh đạo Ban sưu tầm vũ khí hải ngoại. Ở Thái Lan, ông vận động thanh niên Việt kiều thành lập đơn vị bộ đội Hải ngoại Cửu Long, do ông trực tiếp làm Chính trị viên về Nam chiến đấu. Ông hy sinh trên chiến trường Tháp Mười vào năm 1951.
Đồng chí Kỷ, tên thật là Nghiêm Khai Cơ, vốn là tài xế, cháu gọi địa chủ Trương Hoàng Lâu ở Cầu Kè bằng cậu ruột. Từng có bằng tú tài Tây nên Nghiêm Khai Cơ được xem là nhà lý luận của Tỉnh ủy Trà Vinh giai đoạn tiền khởi nghĩa. Ông góp phần quan trọng vào thành công của cuộc vượt ngục Tà Lài của Xứ ủy Nam kỳ năm 1941 khi dùng xe du lịch của dòng tộc mình để đón các đồng chí Xứ ủy công khai về lại Sài Gòn. Sau năm 1945, ông là Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh. Đến năm 1947, ông ra Bắc nhận nhiệm vụ lãnh đạo Cục Quân giới Bộ Quốc phòng mà thực chất là nhằm mở tuyến Xuyên Tây thứ 2 sưu tầm vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Dương Quang Đông đã từng thành công trong Nam. Năm 1952, trên đường công tác vùng núi Thanh Hóa, ông hy sinh khi lọt vào ổ phục kích của bọn thổ phỉ.
Đồng chí Lẹ, tên thật là Nguyễn Văn Lẹ, xuất thân trong một thế gia ở Càng Long nên thường được gọi là Công tử Lẹ. Giống như Nghiêm Khai Cơ, ông cũng là tay cơ trí của phong trào cách mạng vô sản Trà Vinh những năm đầu thành lập. Năm 1928, cùng với Nguyễn Phát Đạt, Nguyễn Văn Lẹ được cử sang Quảng Châu tham gia lớp đào tạo do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.
Năm 1930, chính ông là một trong những người đề xuất dời cuộc biểu tình quần chúng từ ngày Quốc tế Lao động 01/5 sang ngày kỷ niệm Chiến thắng thế chiến thứ nhất 01/8, biến cuộc mít-tinh của địch thành cuộc biểu tình của ta. Phát hiện đồng chí Nguyễn Văn Lẹ là người lãnh đạo cuộc biểu tình, địch bắt trói ông vào xe Jeep rồi lôi ngữa ông từ An Trường về dinh quận ở Bình Phú. Sự hy sinh anh dũng của ông đã trở thành tấm gương cổ vũ bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng tỉnh nhà trong cuộc chiến đấu không cân sức chống kẻ thù. Đồng chí Nguyễn Văn Lẹ là một trong những liệt sĩ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh.
Tự hào về tổ chức Công hội đỏ và những thành viên ban đầu của Công hội đỏ tỉnh lỵ Trà Vinh trong trang sử chống xâm lăng cũng như trong trang sử giai cấp công nhân Việt Nam anh hùng, các thế hệ công nhân viên chức, người lao động Trà Vinh hôm nay nguyện ra sức lao động, học tập, công tác để xây dựng tỉnh nhà ngày một văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với tâm nguyện và sự hy sinh của các thế hệ công nhân tiền bối.
TRẦN DŨNG
Trà Vinh, là vùng đất cộng cư của 03 tộc người Kinh, Khmer và Hoa trên nền tảng văn hóa có nhiều nét đặc trưng. Điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi cộng với sự giao thoa giữa 03 dân tộc, tạo nên tính cách con người ở đây khá đặc trưng với những nét tính cách nhân văn, nghĩa tình, can trường, trượng nghĩa...