25/10/2024 08:13
Đoàn khảo sát tuyến đê Trẹm, xã Tân Hòa.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tiểu Cần, tuyến đê bao ấp Trẹm xã Tân Hòa có chiều dài hơn 4,2km và giáp ranh với tuyến đê biển thuộc địa bàn xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú. Do là tuyến đê giáp Sông Hậu nên thường chịu tác động trực tiếp của triều cường dâng cao vào dịp đầu tháng Giêng và tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, dẫn đến nhiều đoạn đê có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng. Năm 2013, huyện đã triển khai thực hiện việc gia cố toàn tuyến đê bao Trẹm với tổng kinh phí 652 triệu đồng. Năm 2018, huyện tiếp tục gia cố tuyến đê với tổng khối lượng đất đào đắp hơn 16.659m3, kinh phí hơn 932,6 triệu đồng. Vào tháng 11/2021 - tức vào tháng 10 âm lịch, do ảnh hưởng của mưa lớn và triều cường dâng cao đã làm tuyến đê này bị sạt lở nghiêm trọng, chiều dài khoảng 20m, trong đó có 13m có nguy cơ cao hướng sạt lở ra phía ngoài Sông Hậu. UBND huyện đã chỉ đạo xử lý đóng cừ dừa để hộ đê, kinh phí 85,9 triệu đồng.
Tuy nhiên những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, triều cường dâng cao dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Đầu năm 2024, vào con nước đầu tháng Giêng âm lịch, tuyến đê Trẹm một lần nữa có một đoạn xảy ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, chiều dài khoảng 62m và có khoảng 03m thân đê bị vỡ. Khi đê vỡ đã làm nước tràn vào ngập toàn bộ khu vực bên trong, có 108 hộ dân sinh sống, với 377 khẩu, cùng diện tích đất khoảng 90ha gồm cây ăn trái và hoa màu.
Ông Lâm Văn Ngô, người dân ấp Trẹm xã Tân Hòa có phần diện tích đất hơn 01ha nằm trong đê bao cho biết: đầu năm nay, vào ngay ngày Mùng 1, Mùng 2 tết Nguyên đán, tuyến đê bao bị vỡ tại 02 điểm, hoa màu, chuồng trại chăn nuôi bị ngập bà con không thể yên tâm ăn tết được. Nhờ sự lãnh đạo xã chỉ đạo lực lượng dân quân, các đoàn thể hỗ trợ gia cố những chỗ bị vỡ, nhưng chỉ mang tính tạm thời, được một thời gian ngắn nó tiếp tục bị vỡ. Sau đó Phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ xe cuốc gia cố, nhưng hiện giờ nó lại đang xuống cấp, sụp lún, nước triều lên cao có thể sẽ bị tràn qua thân đê.
Trước nguy cơ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ngoài việc sử dụng nguồn kinh phí của địa phương để khắc phục tạm thời các tuyến đê bao, huyện Tiểu Cần đã có đề nghị với Sở NN-PTNT, Ban quản lý Dự án các công trình NN-PTNT tỉnh xem xét đầu tư một số dự án chống sạt lở cho các tuyến đê trên địa bàn xã Tân Hòa.
Cụ thể trong đó có Dự án nâng cấp đê bao chống sạt lở, triều cường khẩn cấp khu vực đê bao Trẹm, theo quy mô nâng cấp đê bao chống sạt lở triều cường phục vụ dân sinh, chiều dài 4,2km, ước kinh phí đầu tư 22,6 tỷ đồng; Dự án kè chống sạt lở khu vực nhà Nguyện bác ái và khu vực Mũi tàu thuộc ấp Tân Thành Tây, xã Tân Hòa, theo quy mô xây dựng kè chống sạt lở kết hợp đê bao chống triều cường và phục vụ dân sinh với tổng chiều dài 3,5km, tổng kinh phí 150 tỷ đồng.
Ông Lâm Văn Ngô người dân ấp Trẹm, xã Tân Hòa nói: hiện nay khi triều cường dâng cao, các đoạn đê đều mấp mé nước có nguy cơ tràn qua đê. Tại những đoạn xung yếu, đê đang bị sụp lún, có thể vỡ bất cứ lúc nào; bà con ở đây rất lo lắng vì nếu đê bị vỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoa màu, chăn nuôi và tài sản khác. Rất mong chính quyền và các sở, ngành tỉnh đầu tư vốn để hỗ trợ gia cố tuyến đê bao này giúp bà con an tâm sản xuất và sinh hoạt.
Trước nhu cầu bức xúc của địa phương, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN-PTNT), kết hợp đại diện các sở, ngành tỉnh có liên quan và Phòng NN-PTNT huyện Tiểu Cần vừa có chuyến khảo sát tuyến đê bao xung yếu nằm cặp Sông Hậu thuộc địa bàn ấp Trẹm, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần.
Theo đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tiểu Cần, qua tổng hợp của địa phương đã phát hiện có khoảng 04 đoạn đê có nguy cơ cao bị sạt lở vào những đợt triều cường sắp tới, với chiều dài hơn 170m tại thuộc khu vực đất của 04 hộ dân khu vực ấp Trẹm. Phòng sẽ báo cáo với huyện đề xuất với tỉnh có hướng khắc phục, xử lý nhanh không để xảy ra tình trạng vỡ đê gây thiệt hại.
Qua khảo sát thực tế hiện trạng các đọan đê, đồng chí Dịp Như Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, ghi nhận và đề nghị huyện Tiểu Cần tổng hợp đầy đủ về số đoạn đê có nguy cơ bị sạt lở để Chi cục báo cáo với lãnh đạo Sở, tham mưu UBND tỉnh nhằm có hướng chỉ đạo khắc phục kịp thời. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương và người dân cùng phối hợp để gia cố tạm thời các đoạn đê có nguy cơ bị sạt lở, sau đó chúng tôi sẽ có báo cáo với lãnh đạo Sở NN-PTNT để hỗ trợ kinh phí nhằm xử lý những vị trí có nguy cơ, đoạn nào bức xúc thì xử lý trước. Còn về lâu dài, đối với những điểm sạt lở này Chi cục cũng đã có đưa vào kế hoạch đầu tư nâng cấp sử dụng từ nguồn vốn trung hạn của tỉnh, giai đoạn 2026 - 2030. Hiện nay chỉ chờ khi có nguồn vốn phân bổ là sẽ triển khai thực hiện ngay.
Được biết, trước đây Khóm 4, thị trấn Cầu Quan cũng là địa bàn chịu ảnh hưởng nhiều của các đợt triều cường dâng cao. Đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng phòng Phòng NN-PTNT huyện Tiểu Cần thông tin, nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT và từ nguồn kinh phí địa phương huyện đã đầu tư nâng cấp 05 tuyến đê bao khu vực này với tổng chiều dài hơn 6,3km. Hiện tại các tuyến đê bao cơ bản ổn định, đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn triều cường, đảm bảo cho sản xuất và đời sống của người dân.
Bài, ảnh: KHẮC PhÚ
Theo thông báo ngày 05/12, WHO cho biết xét nghiệm do công ty Cepheid của Mỹ phát triển, có khả năng phát hiện vi khuẩn gây bệnh lao trong mẫu đờm chỉ trong vài giờ.