04/05/2025 15:25
Ông Hồ Huy Linh (bên phải), hội viên Hội Cựu chiến binh kể về những thành tích của quân, dân xã Song Lộc trong thời điểm lịch sử 30/4/1975 với đồng chí Hồ Đức Kiều, Bí thư Chi bộ ấp Khánh Lộc.
Trong những ngày Tháng 4 lịch sử, hào hùng của dân tộc - kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thăm Song Lộc, ghi nhận đầu tiên là sự đổi thay toàn diện - đó là kết quả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Song Lộc trong suốt 05 thập kỷ qua.
Xã Song Lộc cách trung tâm huyện Châu Thành khoảng 10km, trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 05km; diện tích tự nhiên khoảng 3.454ha, có 3.421 hộ, dân số 13.096 người; có 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng sống, toàn xã có 08 ấp: Phú Khánh, Khánh Lộc, Lò Ngò, Trà Nóc, Láng Khoét, Trà Uông, Nê Có và Phú Lân.
Tại ấp Khánh Lộc, tiếp chúng tôi, ông Hồ Huy Linh, hội viên Hội Cựu chiến binh, thời điểm lịch sử 30/4/1975, ông công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã Song Lộc bộc bạch: Song Lộc là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng; trong 02 cuộc trường kỳ kháng chiến, Nhân dân Song Lộc đấu tranh kiên cường, nêu cao sức mạnh đoàn kết và lòng yêu nước...
Người dân Song Lộc luôn sẵn sàng bảo vệ và che chở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để lãnh đạo, cán bộ Khu ủy, Quân khu và cấp tỉnh làm việc, hoạt động và thực hiện nhiệm vụ. Tiêu biểu như đồng chí Phạm Thái Bường, Nguyễn Hoài Pho (Ba Mai hoặc Sáu Hiến), Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Văn Trí (Hai Trí), Lê Xã Hội... cùng nhiều lãnh đạo khác. Trong suốt thời gian chống Mỹ cứu nước, xã Song Lộc đã trở thành nơi đóng quân của các đơn vị lực lượng vũ trang từ cấp đại đội trở lên như Đại đội 931, Đại đội 933, Đại đội 935, Đại đội 509...
Đồng chí Trần Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết: Song Lộc đang đề nghị công nhận xã An toàn khu. Bởi không riêng trong kháng chiến chống Mỹ, mà còn trong chống Pháp, thành tích của Song Lộc lẫy lừng. Cuối năm 1949, các Đại đội 931, 933 và 935 về đóng quân tại ấp Trà Nóc, xã Song Lộc xây dựng căn cứ chiến đấu và hoạt động cách mạng.
Tháng 5/1968, Đại đội 509 do đồng chí Trần Văn Nga (Bảy Căng) làm Đại đội trưởng, nhận lệnh của Ban Chỉ huy Tỉnh đội về đóng quân tại ấp Khánh Lộc, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng lực lượng tại địa phương.
Giai đoạn 1968 - 1970, tại ấp Khánh Lộc, xã Song Lộc, huyện và tỉnh đã bố trí kho lương thực tại nhà ông Nguyễn Văn Vọng (Hai Rề) và ông Nguyễn Văn Như (Chín Như); kho vũ khí, đạn dược được chôn giấu bí mật tại vườn nhà các ông Hai Huê, Hai Sơ và Bảy Sanh, phục vụ kịp thời cho lực lượng kháng chiến.
Trong suốt thời gian chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân xã Song Lộc với tinh thần đoàn kết Kinh - Khmer, lương và giáo, vượt qua muôn vàn khó khăn, xây dựng căn cứ, kiên cường bám đất, bảo vệ quê hương, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Nổi bật là giai đoạn chống Mỹ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tám Biện, Bí thư Đảng ủy xã, lực lượng vũ trang cùng 20 du kích đào công sự, bao vây công sở xã tại ấp Ô Chát và tiến đánh dữ dội từ phía Nam lộ 34. Phía Bắc lộ, đồng chí Năm Hùng chỉ đạo vây ép đồn Phú Khánh, kêu gọi địch đầu hàng, đồng thời phát loa kêu gọi tề xã buông súng. Các đồn: Đội Hường, Lò Ngò, Trà Nóc… cũng bị bao vây và gọi hàng đồng loạt.
Khi quân giải phóng chủ lực đóng quân tại Phú Khánh tấn công toàn lực vào Vĩnh Bình, thì tại xã, sử dụng hai cơ sở nội tuyến trong phân chi khu tạo sức ép mạnh với địch. Sáng 30/4, đồn Phú Khánh rút chạy về tề xã; đến 14 giờ, chỉ huy phân chi khu Song Lộc cùng các sĩ quan và đại diện xã xin ta cho phát tín hiệu PRC25 kêu gọi các đồn nộp vũ khí. Kết quả, toàn xã có 12 đồn cùng phân chi khu giao nộp hơn 200 khẩu súng các loại.
Ngày 22/8/1998, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân xã Song Lộc được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Qua chặng đường 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; gần 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, bộ mặt nông thôn xã Song Lộc nói chung, ấp Khánh Lộc nói riêng đã thay đổi vượt bậc. Đường liên xã, Song Lộc hiện có 04 tuyến, dài 18,3km được nhựa hóa và chiếu sáng công cộng 100%; đường ấp và đường liên ấp được nhựa hóa dài 20,8/20,8km đạt 100%; trong đó, có hệ thống chiếu sáng công cộng 08 tuyến, dài 18,8km đạt 90,38%; đường ngõ, xóm nhựa hóa 20,9/22,3km đạt 93,72%; đường trục chính nội đồng dài 30,2km, được cứng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Đồng chí Trần Vũ Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết: thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, với nhiều nguồn vốn, trên địa bàn xã có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng 3.339/3.421 hộ, đạt 97,6%. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2024 đạt 72,684 triệu đồng/người/năm. Hiện toàn xã có 27 hộ nghèo (trong này có 22 hộ không có khả năng lao động) chiếm 0,15%/tổng số hộ và 61 hộ cận nghèo (trong này có 16 hộ cận nghèo không có khả năng lao động) chiếm 1,31%/tổng số hộ.
Tổng kết 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, xã Song Lộc có nhiều đóng góp vào thắng lợi chung của dân tộc. Nhân dân xã Song Lộc đã được khen thưởng, phong tặng nhiều danh hiệu cao quý cho tập thể và cá nhân: 52 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 59 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; 219 Huân chương Kháng chiến hạng Ba; 75 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; 113 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; 47 kỷ niệm chương cho 47 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; 40 bằng khen của Chính phủ, Hội đồng Bộ trưởng và 32 bằng khen của UBND tỉnh; 43 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quân khu tặng 04 danh hiệu chiến sĩ thi đua, 07 danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng; 301 liệt sĩ; 194 thương binh, bệnh binh. Xã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Đồng chí Hồ Đức Kiều, Bí thư Chi bộ ấp Khánh Lộc cho biết: ấp Khánh Lộc có 460 hộ, với 1.579 nhân khẩu. Hiện còn 05 hộ nghèo, 09 hộ cận nghèo. Phát huy truyền thống cách mạng của nơi được quân giải phóng chọn làm điểm xuất phát tổng tiến công vào Vĩnh Bình vào Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, trong xây dựng, Nhân dân Song Lộc quyết không để đói nghèo. Hiện Khánh Lộc có 80/460 hộ giàu, 240/460 hộ khá, 120 hộ có mức thu nhập trung bình.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Mặc dù là loại rau khó ăn đối với nhiều người vì có mùi tanh của cá, nhưng rau diếp cá lại có công dụng ngăn ngừa mụn, giúp giảm cân, hỗ trợ điều trị bệnh trĩ và bệnh tiểu đường.