09/04/2024 17:04
Theo Quyết định số 83/QĐ-UBND, ngày 22/01/2024 của UBND tỉnh Trà Vinh về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 3.416 hộ nghèo, chiếm 1,19%/tổng số hộ dân; trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer 1.827 hộ, chiếm 2,03%/tổng số hộ Khmer. Tổng số hộ cận nghèo 6.773 hộ, chiếm 2,35%/tổng số hộ dân. Trong đó, hộ cận nghèo dân tộc Khmer 2.926 hộ, chiếm 3,25%/tổng số hộ Khmer.
Sự nỗ lực giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần được thực hiện đồng bộ và tập trung tuyến cơ sở. Huyện Trà Cú, đầu năm 2020, có 1.870 hộ nghèo, chiếm 4,60%/tổng số hộ dân cư; hộ nghèo dân tộc Khmer 1.327 hộ, chiếm 5,06%/tổng số hộ dân cư Khmer (chiếm 70,96% so với tổng số hộ nghèo toàn huyện) và 4.328 hộ cận nghèo, chiếm 10,65%/tổng số hộ dân cư; hộ cận nghèo dân tộc Khmer 3.035 hộ, chiếm 11,58%/tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer (chiếm 70,12% so với tổng số hộ cận nghèo toàn huyện)...
Nhằm giảm nghèo hiệu quả trong đồng bào Khmer, UBND huyện phối hợp với các sở, ngành tỉnh triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; đồng thời, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ các đối tượng tiếp cận các dịch vụ xã hội: y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, chính sách chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, hố xí hợp vệ sinh, thông tin...
Việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo đã tác động tích cực đến giảm nghèo của huyện, đến cuối năm 2023, huyện Trà Cú còn 1.053 hộ nghèo, chiếm 2,42%/tổng số hộ dân cư của huyện (trong đó, có 659 hộ nghèo không khả năng lao động); hộ cận nghèo còn 1.213 hộ, chiếm 2,79%/tổng số hộ dân cư trên địa bàn huyện (trong đó, có 314 hộ cận nghèo không khả năng lao động) và toàn huyện có 15/15 xã có tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 04%; trong đó, có 06 xã: Tập Sơn, Đại An, Định An, Tân Hiệp, Ngọc Biên và Long Hiệp nghèo đa chiều dưới 2,5%.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn thăm công nhân Công ty TNHH Hanyang Electronic Việt Nam (ấp Phú Phong 3, xã Bình Phú, huyện Càng Long) nhân dịp tết Nguyên đán năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Khải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè cho biết: toàn huyện có 30.921 hộ, với 103.518 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khmer có 33.332 nhân khẩu, chiếm 32,2%. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 83/QĐ-UBND, ngày 22/01/2024, huyện còn 180 hộ nghèo, chiếm 0,58%/tổng số hộ dân cư (trong đó, có 140 hộ nghèo không có khả năng lao động), hộ cận nghèo còn 632 hộ, chiếm 2,03%/tổng số hộ dân cư (trong đó, có 160 hộ cận nghèo không có khả năng lao động) và huyện có 10/10 xã có tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 2,5%.
Đồng chí Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: nhằm làm chuyển biến toàn diện vùng đồng bào Khmer, năm 2023 huyện tập trung đầu tư hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, nhiều hộ Khmer đầu tư mua sắm phương tiện dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa; nhiều điểm tham quan du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh đi vào hoạt động hiệu quả... đã góp phần quan trọng đưa thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, cuối năm 2023 các xã có thu nhập bình quân đầu người từ 68,4 - 76,53 triệu đồng/năm, tăng từ 09 - 16,5 triệu đồng/năm so năm 2020.
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống hiệu quả phải đề cập đến triển khai thực hiện Quyết định số 141/QĐ-UBND, ngày 19/01/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nhằm tiếp tục thực hiện tốt chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Tuyến đường nông thôn sạch - đẹp trong vùng đồng bào Khmer xã Long Hiệp, huyện Trà Cú. Ảnh: SỐC KHA
Nghị quyết ra đời, cùng với bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều thuận lợi, vùng đồng bào Khmer có những chuyển biến tích cực, các cấp, các ngành tăng cường công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhiều mô hình sản xuất trong vùng đồng bào Khmer đạt hiệu quả kinh tế cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc, đã hình thành và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Lao động, giải quyết việc làm, nhất là lao động Khmer làm công nhân tại các doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng đông, cuộc sống ổn định.
Kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc XDNTM, đến cuối năm 2023, có 85/85 xã đạt chuẩn NTM, 38/85 xã đạt NTM nâng cao, chiếm 44,70% số xã NTM; 08 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Đặc biệt, có 50/50 xã đạt chuẩn NTM có đông đồng bào Khmer; có 14/50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 28%; hộ sử dụng điện 99,42%/tổng số hộ dân toàn tỉnh; hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 100%.
Phát huy thành tích đạt được năm 2023, năm 2024 cũng như giai đoạn 2024 - 2025, Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương và vùng có đông đồng bào Khmer. Phối hợp giữa các cấp, các ngành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào Khmer để giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề, khuyến khích xuất khẩu lao động.
Song song đó, các cấp, các ngành cần ưu tiên các nguồn lực để thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách về nước sinh hoạt, điện, kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với XDNTM, đô thị văn minh; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận; tăng cường nắm tình hình, sâu sát cơ sở; phát huy vai trò người có uy tín; xây dựng và phát huy lực lượng nòng cốt trong các đoàn thể, không để phát sinh những vấn đề phức tạp, vượt cấp, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào Khmer.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Ngày 04/10, Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Tiểu Cần tổ chức hội nghị tổng kết phong trào NCT tiêu biểu tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giai đoạn 2019 - 2024.