• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Thứ Bảy, ngày 21/06/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Trang chủ Xã hội

Những cống hiến vô bờ bến (Bài 1)

10/12/2023 06:09

Chủ tịch Hồ Chí Minh là suốt cả cuộc đời tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân và không một chút riêng tư. Trước lúc đi xa, Bác đã viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lời dạy của Bác trong Di chúc đã lan tỏa đến mọi thời đại, từ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng quê hương ngày nay.

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thiệt được người con gái là bà Nguyễn Thị Ánh chăm sóc hàng ngày.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tỉnh Trà Vinh có hơn 64.460 người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh; đang hưởng trợ cấp ưu đãi, chăm lo của Đảng, Nhà nước; của các sở, ngành và Nhân dân. Đặc biệt, qua các đợt phong tặng và truy tặng, Trà Vinh có 3.327 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh có 71 Mẹ còn sống. 

Kết quả này chứng minh “Trà Vinh anh dũng”, Trà Vinh xứng đáng với tám chữ vàng “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”. Và, càng chứng minh rõ nét: trong 02 cuộc kháng chiến trường kỳ, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Trà Vinh một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Mẹ Việt Nam anh hùng là minh chứng sâu đậm - luôn là những tấm gương cao quý, là biểu tượng của sự hy sinh, cống hiến.

Ở ấp Cầu Hanh, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú có Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thiệt, năm nay Mẹ đã 98 tuổi. Đây là một trong những gia đình cách mạng, đã có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ Lê Thị Thiệt có chồng là ông Nguyễn Văn Giàu, hy sinh năm 1962 và người con trai là ông Nguyễn Văn Hóa, hy sinh năm 1971.

Sự cống hiến vô bờ bến của các Mẹ Việt Nam anh hùng mãi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ học tập và noi theo. Mỗi chúng ta đang hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc hôm nay luôn dặn lòng phải làm gì để vơi bớt nỗi đau của các Mẹ, để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn… Trường hợp của Mẹ Nguyễn Thị Thiệt là “điển hình của điển hình”. Mẹ chồng của Mẹ Thiệt là Mẹ Lâm Thị Cưỡng cũng là Mẹ Việt Việt Nam anh hùng (ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải).

Mẹ Nguyễn Thị Thiệt hiện sống với 02 người con gái: bà Nguyễn Thị Ánh và Nguyễn Thị Tiến, ấp Cầu Hanh, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú. Ở tuổi 98, nhưng Mẹ rất minh mẫn. Qua lời kể của đồng chí Lê Thị Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Xuyên, với đức tính “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và lòng yêu nước nồng nàn, Mẹ không kể nhọc nhằn, ngày đêm âm thầm đóng góp công sức cho cách mạng, kể cả phải chấp nhận nỗi đau hy sinh những người thân yêu nhất với mong muốn góp phần sớm giải phóng đất nước.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh, người con gái út của Mẹ Nguyễn Thị Thiệt, thông qua lời kể của những người thân, ngày 25/8/1962, khi bà Ánh chưa đầy thôi nôi, thì Mẹ Thiệt nhận tin dữ: chồng hy sinh ở Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Về Đông Hải thọ tang chồng, thì thêm tin “sét đánh” ập đến: Người em chồng của mẹ và người em rể của Mẹ cũng anh dũng hy sinh cùng ngày với chồng Mẹ. Mẹ Thiệt khóc thương vì chồng, em chồng đã hy sinh, thì Mẹ Lâm Thị Cưỡng (mẹ chồng của Mẹ Thiệt) cũng khóc thương vì 02 người con trai và người con rể đã hy sinh. Ngày Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ tôi được phong tặng, bà nội tôi được truy tặng; kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình tôi có 05 người mãi mãi ra đi không về...

Nhằm tri ân những cống hiến của quý Mẹ Việt Nam anh hùng, những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực, như phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và xây dựng nhà tình nghĩa cho các Mẹ… Dù năm tháng đi qua, nhưng sự hy sinh của các Mẹ sẽ sống mãi. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta sẽ đời đời ghi nhớ những hy sinh, công lao, đóng góp của các Mẹ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Với 3.327 Mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh và hơn 138.000 Mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước, thật xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Tôi ghi lại những cống hiến vô bờ bến của các Mẹ, nhưng tôi đâu biết đến đạn bom, đâu tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tôi chỉ biết rằng: cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ đi trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Năm 2022, tôi có dịp đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Kiên Thị Hon, 96 tuổi, ngụ ấp Lộ Sỏi, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải (Mẹ vừa mất hồi tháng 4/2023). Khi tôi muốn ghi lại đôi dòng về cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến của Mẹ Hon, cũng như những hy sinh cao cả của chồng Mẹ (ông Thạch Tiệt) và 03 người con của Mẹ đã anh dũng hy sinh, nhưng do tuổi cao, nên Mẹ không còn nhớ. Toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng cũng như những cống hiến của Mẹ, chồng Mẹ và 03 người con trai tôi của Mẹ, tôi tự “thu thập”.

Khi đất nước lâm vào đêm trường nô lệ, nước mất nhà tan, rất nhiều người Mẹ đã trở thành người chiến sĩ âm thầm lập nên những chiến công, không ngại gian nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, giao liên, nuôi chứa... Biết bao người mẹ đã bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, kiên gan đối mặt với quân thù. Biết bao người Mẹ tiễn chồng, tiễn con ra trận và mòn mỏi đợi chờ, đau khổ đến mức không còn nước mắt để khóc, khi những người thân yêu nhất, núm ruột của mình mãi mãi ra đi, không trở lại. Trong đó, có Mẹ Kiên Thị Hon, Mẹ đã 04 lần “tiễn người thân”, nhưng không một ai để lại tấm ảnh nào. Lúc Mẹ còn sống, khi đến Sêne Đôlta; Chôl Chnam Thmây hay Lễ hội Ok Om Bok… Mẹ đều nấu mâm cơm, trước dâng chùa, cúng Bác Hồ, cúng chồng, cúng con. Lần đến thăm Mẹ, chia tay Mẹ, trong tôi trào dâng niềm tự hào về Mẹ. Mẹ Việt Nam anh hùng Kiên Thị Hon đã hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Đồng chí Nguyễn Văn Út, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ với chúng tôi: những cống hiến của quý Mẹ Việt Nam anh hùng không sao bù đắp. Để tri ân và tôn vinh các Mẹ, ngành đang có nhiều nỗ lực, cộng đồng đang hưởng ứng, nhằm thực hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc.

Kháng chiến đã gây mất mát, đau thương. Mất mát lớn nhất là về con người; đau thương lớn nhất là nỗi đau của những người Mẹ mất con, người vợ mất chồng. Cuộc kháng chiến đã lùi xa, nhưng các Mẹ vẫn đau nỗi đau xé lòng, nỗi buồn khôn cạn, sống với kỷ niệm không phai, hình ảnh không mờ của những người thân yêu nhất. Các Mẹ đã hy sinh, đổi lấy nền độc lập, tự do; các Mẹ tự động viên mình trước những mất mát, hy sinh, trước những nỗi đau trãi dài suốt cuộc trường chinh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các Mẹ Việt Nam anh hùng đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta. Cuộc đời và sự cống hiến cực kỳ to lớn của các Mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ học tập và noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi về cõi vĩnh hằng, nhưng Người để lại cho cho toàn Đảng, toàn dân ta không một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, cả một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước được độc lập, phồn vinh; cho Nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Đức hy sinh và tình thương yêu của Bác là tấm gương sáng ngời tiếp tục soi sáng đạo đức, tâm hồn cho mỗi thế hệ người Việt Nam; Mẹ Việt Nam anh hùng đã phát huy đức tính và hành động cao cả về sự cống hiến đó.

Chúng ta càng phải nghĩ, phải hành động với nội dung tư tưởng, những tình cảm thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh và gia đình liệt sĩ được thể hiện nhất quán, cụ thể, thiết thực và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Ngày nay, chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sự trân trọng về những cống hiến của quý Mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là là niềm tin và động lực để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

  • Tác giả Trường Nguyên
  • Bà mẹ Việt Nam anh hùng
  • Huyện Trà Cú

Tin liên quan

Những cống hiến vô bờ bến (Bài cuối)

17/12/2023 10:53

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, tỉnh Trà Vinh đã đạt nhiều thành tích đáng trân trọng. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, từ tỉnh đến cơ sở, từ nội bộ Đảng đến quần chúng Nhân dân, đã có nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu; các tầng lớp Nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả.

Những cống hiến vô bờ bến (Bài 2)

14/12/2023 13:23

“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” xuất phát từ những ý nghĩ đó, nên giai đoạn 2019 - 2023, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng trên địa bàn tỉnh luôn phát huy giá trị nhân văn này gắn với việc đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua hành động cụ thể: hiến máu tình nguyện (HMTN) cứu người.

TIN CÙNG MỤC

Câu lạc bộ Truyền thông - nơi sinh viên thỏa sức đam mê

Báo chí và các nhà báo tỉnh Trà Vinh giữ vững và phát huy vai trò của báo chí và người làm báo cách mạng

Hòa cùng niềm vui của những người làm báo trên cả nước, những người làm báo tỉnh Trà Vinh phấn khởi, tự hào kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Là dịp để chúng ta tưởng nhớ đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo vĩ đại của dân tộc và cùng nhìn lại chặng đường 100 năm xây dựng và phát triển của nền báo chí cách mạng.

  • Bảo hiểm xã hội Khu vực XXXI chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại Báo Trà Vinh
  • 98 học viên tham gia Chương trình Học kỳ trong Quân đội
  • Làm báo - nghề tay trái mà cả đời tôi theo đuổi
  • 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) - GẶP ĐỒNG NGHIỆP CŨ TRÊN BÁO CŨ
Tin Nổi Bật

Chuyển đổi số hướng đến xây dựng báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

Báo chí và các nhà báo tỉnh Trà Vinh giữ vững và phát huy vai trò của báo chí và người làm báo cách mạng

Bảo hiểm xã hội Khu vực XXXI chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại Báo Trà Vinh

Trà Vinh họp mặt kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Làm báo - nghề tay trái mà cả đời tôi theo đuổi

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh kỷ niệm 60 năm thành lập

100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) - GẶP ĐỒNG NGHIỆP CŨ TRÊN BÁO CŨ

Buổi tọa đàm thiết thực - sống trách nhiệm, giữ gìn gia đình, quản lý tốt tài chính

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.