• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Thứ Sáu, ngày 30/05/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Trang chủ Xã hội

Một quyển sách - nhiều suy nghĩ

26/05/2025 17:39

Trong sự nghiệp đấu tranh trường kỳ giải phóng dân tộc, với điều kiện cụ thể của một nước nhỏ đối đầu với những cường quốc hùng mạnh, kế thừa và phát huy kinh nghiệm đánh giặc truyền thống của cha ông, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xuyên suốt, nhất quán sử dụng sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, mà cụ thể là phối hợp nhuần nhuyễn ba mũi (vũ trang, chính trị, binh vận) giáp công trên khắp các chiến trường.

 

 
   

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam cũng sử dụng một cách sáng tạo việc phối hợp giữa hai mặt trận quân sự, ngoại giao, đánh giặc bằng sức mạnh trên chiến trường lẫn sức mạnh chính nghĩa trên bàn đàm phán làm cho đối thủ cũng như các nước, các dân tộc trên thế giới hiểu rõ, đồng tình, ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của chúng ta. “Vị Tư lệnh” mặt trận ngoại giao ngày ấy chính là bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn Đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Hòa bình, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản quyển hồi ký của bà mang tên Gia đình, Bạn bè và Đất nước như một khẳng định những đóng góp đặc biệt của mặt trận ngoại giao và cá nhân bà Nguyễn Thị Bình đối với sự nghiệp chung của dân tộc.

Tôi may mắn nhận được quyển sách quý này từ tay Phạm Vũ Phương Linh-  Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Chi nhánh Cần Thơ mang về Trà Vinh tặng, nhân Tuần lễ Sách và Văn hóa đọc (21/4/2025). May mắn hơn nữa, dịp nghỉ lễ sau đó, tôi có chuyến công tác Trường Sa và được xếp chung phòng trên tàu với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Duy Bội, vốn là bộ đội đặc công vượt Trường Sơn những năm cuối kháng chiến, mà anh cũng là người rất mê sách, nhiều kiến thức về sách. Có thời gian, có người cùng sở thích, chúng tôi cùng đọc, cùng trao đổi, tranh luận để hiểu hơn về giá trị quyển sách, về những đóng góp, những thành tựu của mặt trận ngoại giao nói chung, cuộc hội đàm Paris nói riêng và cá nhân nhân vật lịch sử Nguyễn Thị Bình.

Trước hết, khác với những quyển sách khác cùng thể loại, Gia đình, Bạn bè và Đất nước không xuất hiện những trang viết dài dòng kể lể công trạng cá nhân (đôi khi vượt mức thực tế) mà lịch sử chưa ghi hoặc đã ghi mà theo tác giả là chưa “đạt yêu cầu” hoặc biện minh, phân bua cho những hạn chế, khiếm khuyết (đã là người khó ai tránh khỏi), mặc dù ai cũng biết về gia thế, trình độ, năng lực và những cống hiến của bà rất đáng để ngưỡng mộ.

Bằng một giọng văn, một lối kể chuyện từ tốn, đĩnh đạc, không sa đà chi tiết, không bỏ sót những sự kiện quan trọng, không triết lý dạy đời, không suy bì hơn thiệt, của một người quá tuổi tám mươi, trải nhiều lĩnh vực, vị trí công tác (và sau đó là ba lần tự chỉnh sửa, bổ sung), quyển hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình gói gọn trong 260 trang sách (khổ 16 x 24cm). Đọc xong, xếp sách lại, cảm giác đầu tiên là “hụt hẫng”, bởi sao không dài thêm, sao không viết kỹ hơn những sự kiện mà công chúng, nhất là những thế hệ trẻ sau này muốn biết, cần biết. Bình tâm lại, ngẫm nghĩ thêm một chút, lại thấy đó chính là thành công của quyển sách, bởi những gì về cuộc đời bà, về đóng góp của bà lịch sử đã ghi nhận. Ở đây, phía sau từng trang sách, từng câu chữ ngắn gọn là những khoảng lặng mà bà muốn dành cho người đọc tự suy nghĩ, nghiền ngẫm bằng chính tư duy, quan niệm sống của mình.

Tôi nhớ, có nhà văn nào đó từng nói “cần mở đầu tác phẩm như hồi trống (để thu hút sự chú ý) và kết thúc như hồi chuông (để “thông điệp” tác phẩm ngân nga những âm điệu khác nhau trong lòng người tiếp nhận, dù quyển sách đã khép lại lâu rồi)”. Hồi chuông “thông điệp” mà bà Nguyễn Thị Bình muốn gởi đi, thông qua Gia đình, Bạn bè và Đất nước sẽ cứ ngân, ngân dài, rất dài theo thời gian, theo cách cảm nhận, theo quan niệm sống của mỗi người, mỗi thế hệ khác nhau, bằng những âm điệu khác nhau.

 

Gia đình, Bạn bè và Đất nước, trừ phần niên biểu và ảnh phụ lục, bao gồm 14 tiểu mục được viết theo trình tự thời gian. Trong đó, phần quan trọng nhất của quyển sách là tiểu mục “Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử” với hơn 50 trang cùng với 01 tiểu mục trước (“Một mặt trận đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”), 04 tiểu mục sau (“Toàn thắng”, “Những kỷ niệm và cảm nghĩ còn lắng sâu”, “Thống nhất đất nước”, “Mặt trận đoàn kết chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn”) hợp thành phần trọng tâm, gần 135 trang sách, kiến tạo một bức tranh khá hoàn chỉnh về công tác ngoại giao, mặt trận ngoại giao và vai trò của Phái đoàn Đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, trong đó có cá nhân bà, vào sự nghiệp chung của dân tộc. Sự xuất hiện chưa có tiền lệ trong lịch sử đàm phán quốc tế tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh của một nữ Trưởng phái đoàn trẻ trung, xinh đẹp mà sang trọng đối đầu với những nhà ngoại giao, nhà đàm phán chuyên nghiệp đầu hai thứ tóc và cáo già tầm cỡ thế giới khiến không ít nhà báo, chính khách có liên quan không khỏi ngỡ ngàng, cả tâm lý coi thường.

Tuy nhiên, chính lập trường kiên định, thái độ kiên trì, khi cứng rắn khi mềm mỏng, hòa nhã, mang tới nhiều sáng kiến trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” của người phụ nữ ấy, phối hợp nhịp nhàng với phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và phối hợp nhịp nhàng với mặt trận quân sự trong nước, đã khiến Chính phủ Mỹ lúng túng, buộc phải năm lần thay đổi Trưởng Phái đoàn (A Harriman, H Cabot Lodge, D K E Bruce, W J Poter), Chính phủ Sài Gòn buộc phải hai lần thay Trưởng Phái đoàn (Phạm Đăng Lâm, Trần Văn Lắm) và cuối cùng phải thốt lên: “Việt cộng thắng vì họ quá kiên trì!” (trang 80). Chính sự thông minh, tài trí, ứng xử linh hoạt nhưng nhất quán về mục đích, khi đối đầu những nhà ngoại giao cáo già ấy mà báo giới phương Tây khi ấy đã đặt cho Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng Phái đoàn Đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình biệt danh “Người khiêu vũ giữa bầy sói”.

Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên lãnh thổ Việt Nam” được ký kết vào ngày 27/01/1973 là một thành tựu to lớn của mặt trận ngoại giao, phối hợp và tạo điều kiện cho mặt trận quân sự trong nước đi đến chiến thắng cuối cùng. Không những vậy, trong thời gian diễn ra cuộc Hòa đàm, bà Nguyễn Thị Bình và Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam còn tổ chức hoặc tham dự nhiều sự kiện chính trị, các diễn đàn, những buổi mitting, diễn thuyết, các buổi họp báo… khắp các châu lục, làm rõ lập trường và tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, thuyết phục được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều chính phủ, chính khách, nhân sĩ, trí thức, các phong trào dân chủ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam, nâng cao vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Phần sau của Gia đình, Bạn bè và Đất nước bao gồm 04 tiểu mục (“Tôi vào ngành Giáo dục”, “Trở lại đối ngoại nhân dân”, “Phó Chủ tịch nước”, “Về hưu nhưng bận rộn”) với dung lượng hơn 75 trang sách, tái hiện giai đoạn 30 năm đất nước kết thúc chiến tranh, đi vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà bà Nguyễn Thị Bình đảm nhận những cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1976 - 1986), rồi Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (1986 - 1992) và hai nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch nước (1992 - 2002). Sau năm 2002, ở tuổi bảy mươi lăm, dù chính thức nghỉ hưu, nhưng bà Nguyễn Thị Bình vẫn tham gia tích cực và hiệu quả nhiều công tác xã hội, đặc biệt là hướng tới các đối tượng yếu thế trong cuộc sống như Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (từ năm 1991), Chủ tịch danh dự Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (từ năm 1998), Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam (từ năm 2003), Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (từ năm 2004), Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh (từ năm 2006)…

Với tất cả sự khiêm cung của mình, tuy trong quyển sách Gia đình, bạn bè và Đất nước, yếu tố Gia đình, nguồn cội được bà Nguyễn Thị Bình đưa lên phần đầu nhưng toàn bộ 04 tiểu mục (“Quê hương”, “Tuổi thơ”, “Tôi là người hạnh phúc”, “Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp”) chỉ vỏn vẹn trong hơn 40 trang sách. Ở đó, một quê hương Quảng Nam địa linh nhân kiệt; một người ông ngoại Phan Châu Trinh nhân kiệt tiêu biểu của xứ địa linh; một người cha Nguyễn Đông Hợi là trí thức công chức thời Pháp thuộc nhưng sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng; một người mẹ Phan Thị Châu Lan chan hòa tình yêu thương nhưng không may mất sớm; một người yêu Đinh Khang vốn là kỹ sư công chánh quen nhau từ tuổi cập kê nhưng vì nhiệm vụ phải xa nhau cho đến khi tập kết ra Bắc mới có điều kiện găp lại và kết hôn; rồi những người em, người con vì hoàn cảnh phải sống tự lập từ nhỏ nhưng luôn tự hào về người chị, người mẹ của mình đang ở thế đứng mũi chịu sào với những nhiệm vụ trọng đại mà Tổ quốc, lịch sử giao phó…

Dù trong bất cứ điều kiện sống cá nhân nào hay khi giữ cương vị, trọng trách nào, bà Nguyễn Thị Bình (tên thật Nguyễn Thị Châu Sa, bí danh Yến Sa) vẫn luôn nỗ lực vươn lên, tận tâm, tận lực, đem hết trí tuệ, năng lực, ý chí của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng và nhân dân.

Có thể nói, ở tuổi tám mươi, chín mươi, bà đã có một sự nghiệp quá thành công, một cuộc sống viên mãn mà lịch sử sẽ ghi nhận, luôn ghi nhận cũng như nhiều thế hệ công dân Việt Nam ngưỡng mộ, tri ân. Tuy nhiên, qua Gia đình, Bạn bè và Đất nước, chúng tôi (tôi và Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Duy Bội) vẫn nhận ra những “thông điệp” được truyền tải dưới dạng những suy nghĩ, những day dứt của một người có trách nhiệm gia đình, bạn bè, trước lịch sử, trước vận mệnh dân tộc:

1. Việc mở rộng quá nhanh hệ thống giáo dục phổ thông trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn những năm sau hòa bình buộc phải đào tạo cấp tốc một lượng lớn giáo viên cấp 1, cấp 2 yếu về trình độ, non về kỹ năng sư phạm; rồi cuộc cải cách giáo dục thập niên 1980 chưa hiệu quả như mong muốn, ảnh hưởng lâu dài chất lượng nền giáo dục nước ta (tiểu mục “Vào ngành giáo dục”, trang 186-205).

2. Sau ngày hòa bình, bên cạnh việc Mỹ và các nước phương Tây bao vây, cấm vận, phải chăng chúng ta cũng tự khép cửa trước những cơ hội hòa giải dân tộc khi chưa đánh giá đúng và phát huy hết vị thế, vai trò của “thành phần thứ ba” (bao gồm những chính khách, nhân sĩ, trí thức lớn trong các đô thị miền Nam thể hiện rõ lập trường yêu nước, chống đế quốc, chống chính quyền Sài Gòn) cũng như hội nhập quốc tế thông qua cầu nối bạn bè là các chính khách, nhân sĩ, trí thức và các diễn đàn, phong trào dân chủ, yêu chuộng công lý, hòa bình trên thế giới một thời hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta (tiểu mục “Những kỷ niệm còn sâu lắng”, trang 137-162 và “Trở lại với đối ngoại nhân dân, trang 207-216).

3. Về cuộc sống cá nhân, xuyên suốt quyển hồi ký, bà Nguyễn Thị Bình nhiều lần thể hiện sự day dứt khi mải dấn thân vào sự nghiệp chung mà không có điều kiện để thực hiện chức năng người phụ nữ của gia đình, bổn phận người con khi cha già mẹ yếu, trách nhiệm của người vợ trước lúc người chồng thân yêu từ giã cuộc đời, thiên chức của người chị, người mẹ đối với các em, các con của mình (các tiểu mục “Tuổi thơ”, trang 9-13, “Tôi là người hạnh phúc”, trang 14-19 và “Về hưu nhưng bận rộn”, trang 245-260). Về vấn đề này, tôi nhớ, có lần Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại một hội nghị về bình đẳng giới là dù công việc bộn bề thế nào, dù thành đạt tới đâu, người phụ nữ Việt Nam cũng cần thực hiện tốt chức năng của mình đối với gia đình. Điều này, càng ngẫm nghĩ càng thấy đúng, khó có thể đòi hỏi bình đẳng giới khi chính người phụ nữ chưa hoặc không thực hiện tốt chức năng giới. Suy rộng ra, mỗi tổ chức, cá nhân đều thực hiện tốt chức trách, chức năng, nhiệm vụ của mình thì xã hội sẽ ổn định và phát triển.

Quyển hồi ký Gia đình, bạn bè và Đất nước của bà Nguyễn Thị Bình, với số lượng in 35.000 bản và tạo ra sự “bùng nổ” trong đợt phát hành cuối tháng 4/2025 đã minh chứng rằng văn hóa đọc vẫn có vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng Việt Nam. Vấn đề là cần những tác giả uy tín, những quyển sách chất lượng để đẩy lùi những ấn phẩm chưa hay, chưa đẹp đang lan tràn trên thị trường hiện nay.

Trong tiêu chí này, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vẫn luôn là một địa chỉ uy tín trong ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam!

TRẦN DŨNG

  • tác giả tác phẩm
  • Gia đình, Bạn bè và Đất nước
  • Bà Nguyễn Thị Bình
TIN CÙNG MỤC

Viettel Trà Vinh và Tập đoàn Nha khoa Sài Gòn Tâm Đức ký kết thỏa thuận hợp tác

Rà soát bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm chức năng

Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo rõ các hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành về quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng.

  • Trao 261 giải cho các tập thể, cá nhân tham gia các cuộc thi trong học kỳ II
  • Phấn đấu đến 2030 làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin cho tiêm chủng
  • Tháng hành động phòng, chống ma túy 2025: "Chung một quyết tâm - Vì cộng đồng không ma túy"
  • Bộ Y tế kêu gọi: Mỗi gia đình, hãy dành 10 phút trong tuần để phòng, chống sốt xuất huyết
Tin Nổi Bật

Công bố quyết định nghỉ hưu hưởng chế độ đối với 02 đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh

Gameshow “Tan ca vui - khỏe” lần 3

Đại biểu Thạch Phước Bình: Thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện dân sự - cần rõ ràng về khái niệm, chặt chẽ trong cơ chế, toàn diện trong thiết kế chính sách

Huyện Cầu Kè khen thưởng 12 tập thể, 16 cá nhân thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Khắc ghi lời Bác, vì Nhân dân phục vụ

Mặt trận và các tôn giáo: Gắn bó, đồng hành và phát triển

Càng Long: Khen thưởng 29 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025

Áp dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.