08/05/2025 08:56
Trong Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh mùa Xuân năm 1975, Tiểu đoàn 509 địa phương quân tỉnh Trà Vinh đảm nhận hướng tiến công thứ yếu, trong ngôn ngữ bóng đá ngày nay, được xếp vào vị trí “hộ công”. Hướng tấn công của đơn vị là hướng thứ yếu của mặt trận, phía nam tỉnh lỵ, từ Mỹ Tiền xuống Tri Tân, đến bờ tây sông Long Bình (một phần Phường 7 và toàn bộ Phường 6 sau này), với nhiệm vụ được giao là kềm căng địch, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu (Tiểu đoàn 501 ở hướng bắc, phía Phú Hòa, Thanh Lệ - Phường 1 ngày nay) tiến công đánh chiếm các vị trí trọng yếu của chính quyền Sài Gòn tại Trà Vinh như Dinh Tỉnh trưởng, Tòa Hành chánh, Tiểu khu quân sự, Trung tâm hành quân…; bức hàng, bức rút, mở rộng khu vực, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy khởi nghĩa; và khi thời cơ xuất hiện tiến công đánh chiếm các mục tiêu then chốt.
Ông Phan Minh Đường. Ảnh: MỸ NHÂN
Trong chuyến thực tế điền dã trên địa bàn huyện Cầu Ngang, chúng tôi rủ nhau ghé thăm anh Phan Minh Đường (Năm Đường) - người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 509 địa phương quân tỉnh Trà Vinh trong chiến dịch lịch sử ấy, giờ đang an dưỡng tuổi già trong một ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn nho nhỏ cạnh cơ quan Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Người đàn ông tuổi tròm trẹm tám mươi ấy, tuy từ nhiều năm qua mang trong người vài chứng bệnh, do tuổi tác cũng có mà do hậu quả chiến tranh cũng có, nhưng trông vẫn còn đầy vẻ phong độ, cương nghị, rắn rỏi và khi cất giọng nghe vẫn sang sảng của một cán bộ chỉ huy quân sự ngày nào. Câu chuyện của chúng tôi dần dần quay về chuyện của 50 năm về trước, tại hướng tấn công thứ yếu trong Chiến dịch giải phóng Trà Vinh - tháng 4/1975…
“Hai mươi chín tuổi, đang là Tiểu đoàn phó 501, tháng 8/1974 tôi nhận quyết định của Quân khu về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 509, chuẩn bị vào Chiến dịch mùa khô 1974 - 1975. Sau mấy tháng chiến đấu cùng quân dân các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú mở rộng vùng giải phóng nông thôn, đến tháng 3/1975, Tiểu đoàn 509 hành quân về địa bàn căn cứ Tập Ngãi - Thanh Mỹ rèn cán dưỡng quân. Tại đây, đơn vị nhận thêm một đại đội địa phương quân Cầu Ngang, hình thành 03 đại đội bộ binh chiến đấu, với quân số trên dưới 140 cán bộ chiến sĩ, trang bị chủ yếu là tiểu liên AK. Chuẩn bị vào Chiến dịch mùa Xuân 1975, Tiểu đoàn 509 cùng Đại đội An ninh vũ trang tỉnh nhận nhiệm vụ tấn công trên mũi Tri Tân - Mỹ Cần, chỉ có điều có chút điều chỉnh từ hướng chủ yếu xuống thành hướng thứ yếu. Chủ yếu hay thứ yếu gì cũng được, nhiệm vụ số một của người lính là luôn vượt lên hoàn thành nhiệm vụ trước chỉ huy, trước Tổ quốc, trước lịch sử. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn xác định và làm công tác tư tưởng với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị như vậy trong hai ngày tập kết quân ở căn cứ Đai Tèn (Lương Hòa).
Đêm 29/4/1975, từ Đai Tèn, Tiểu đoàn 509 hành quân vượt qua hàng chục đồn bót, áp sát khu vực chùa Phướng. Khi hiệu lệnh tấn công tại trận địa then chốt (khu vực sân bay) nổ ra, Tiểu đoàn 509 hình thành 3 mũi tiến công theo đội hình đại đội. Một đại đội (do Út Trạng chỉ huy) thọc sâu từ phía đông sân bay, tiến công trại Đinh Bộ Lĩnh; một đại đội (do đồng chí Lập chỉ huy) tiến chiếm khu vực giữa đường Phú De (nay là đường Nguyễn An Ninh) với đường Nguyễn Văn Thinh (nay là đường Điện Biên Phủ); một đại đội (do đồng chí Thuận và Tư Tuội chỉ huy) từ bờ tây sông Long Bình tiến chiếm khu vực đường Lò Heo (nay là Đồng Khởi) lên ngã ba Rạp hát. Đúng phương án, sau hơn hai giờ nổ súng, ngoại trừ khu vực trại Đinh Bộ Lĩnh, địch dựa vào công sự kiên cố chống trả quyết liệt nên cuộc chiến đấu vẫn giằng dai, còn lại các mũi tiến quân khác, đều hoàn thành nhiệm vụ đúng với kế hoạch đã đề ra. Riêng khu vực chùa Phướng - Phú De, ta chiếm được một phần hậu cứ tiểu đoàn bảo an 404. Khoảng 03 giờ sáng, tiểu khu Vĩnh Bình dùng cơ giới dẫn mũi cho các tiểu đoàn bảo an phản kích dữ dội theo đường Lê Quang Liêm (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), ra hướng trại Đinh Bộ Lĩnh và sân bay, trận địa pháo. Hướng tiến công thứ yếu của ta đương đầu với hướng phản kích chủ yếu của địch. Các đại đội bám trận địa chống trả từng đợt xung phong phản kích. Tiểu đoàn bộ từ chùa Phướng di chuyển về vị trí xóm Hủ tíu Tri tân (sau năm 1995 là khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để kịp thời chỉ đạo các đại đội chiến đấu. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng ngôi nhà. Một số chiến sĩ của đơn vị anh dũng hy sinh.
05 giờ chiều ngày 29/4/1975, tại ấp Ô Tre, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, Tiểu đoàn Bộ binh 509, bộ đội địa phương tỉnh Trà Vinh do ông Phan Minh Đường, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy, dự lễ xuất quân vào Chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa, thề quyết thắng dưới quân kỳ, giải phóng thị xã Trà Vinh. (Ảnh Tư liệu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh - Trần Điền chụp lại)
Đến sáng 30/4/1975, trên toàn tuyến từ Mỹ Tiền xuống Tri Tân, các đại đội của Tiểu đoàn 509 đều hoàn thành nhiệm vụ, tiến chiếm, áp sát đường số một (nay là đường Trần Phú). Tiểu đoàn Bảo an 404 cùng các đơn vị khác của tiểu khu Vĩnh Bình tập trung củng cố các chốt phòng thủ tại các ngã ba, ngã tư dẫn vào nội ô. Riêng Ngã ba Rạp hát, tiểu khu tăng cường lực lượng và hỏa lực chiếm cao ốc Rạp hát, dựa vào công sự kiên cố, dùng hỏa lực khống chế tuyến đường Lò Heo xuống bờ Tây sông Long Bình. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 509 và Đại đội An ninh vũ trang, dựa vào các chướng ngại vật hai bên đường, luồn vào áp sát mục tiêu, giữ vững trận địa, đợi trời tối sẽ tiếp tục tấn công!”.
Cũng chính từ địa bàn rộng lớn mà Tiểu đoàn 509 vừa giải phóng được, từ Mỹ Tiền xuống bờ tây sông Long Bình, khiến cho quần chúng vô cùng phấn khởi và tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng đã đến gần. Vì vậy, khi chiếc xe Jeep của đội Tuyên truyền xung phong chạy dọc theo các tuyến phố Nguyễn Văn Thinh, Lò Heo, Bờ Đắp (nay là đường Nguyễn Đáng)… phát loa vận động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, một bộ phận quần chúng bắt đầu xuống đường. Hòa vào đó, vợ con, thân nhân binh sĩ cũng tìm cách đi vào nội ô kêu gọi chồng con mình buông súng trở về với nhân dân. Từ cửa ngõ ngã ba Rạp hát, khi lệnh ngừng bắn tại chỗ của Tướng Dương Văn Minh được công bố, các vị sư Khmer đã xuất phát vào Dinh Tỉnh trưởng, vận động Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Nguyễn Văn Sơn ra gặp đại diện Chỉ huy quân giải phóng.
Cùng lúc đó, các chiến sĩ Tiểu đoàn 509, Đại đội An ninh vũ trang cùng mũi chính trị, binh vận và lực lượng quần chúng nổi dậy khởi nghĩa từ Ngã tư đường chùa Phướng, ngã tư đường Phú De, ngã tư Mạch Dùng, ngã ba Rạp hát, từ hướng sông Long Bình tràn dần về hướng Dinh Tỉnh trưởng, làm tê liệt mọi sức đề kháng của địch. Tiểu đoàn trưởng Phan Minh Đường cùng Tiểu đoàn bộ di chuyển dần theo đường Nguyễn Văn Thinh vào Ngã tư Mạch Dùng, khu vực Bến xe cũ (nay là khu Siêu thị), đứng chân và trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hình thành lực lượng nòng cốt trên đường khởi nghĩa cũng như sẵn sàng trấn áp bọn quá khích, bảo vệ lực lượng quần chúng.
Đến trưa ngày 30/4/1975, khi Ban Chỉ huy chiến dịch và các đơn vị vũ trang cách mạng ở hướng chủ yếu tiến vào chiếm Dinh Tỉnh trưởng thì Tiểu đoàn 509 được lệnh bố trí quân theo đội hình từng trung đội, chiếm lĩnh địa bàn từ nhà việc Phú Vinh (sau 1975 là cơ quan UBND thị xã, nay là khu vực Công viên Lê Thánh Tôn mở rộng) đến các tuyến phố phía Tây Nam Dinh Tỉnh trưởng, trọng tâm là Trung tâm hành quân tiểu khu Vĩnh Bình, xác lập trật tự trị an cũng như bảo đảm an toàn cho cuộc mít-tinh mừng chiến thắng sẽ diễn ra vào buổi chiều. Sau đó, đơn vị được lệnh thu quân về đóng tạm tại sân bay, sẵn sàng hành quân giải phóng các huyện Càng Long, Cầu Ngang nếu các chi khu này không chịu buông súng. Vậy là phút cuối mừng chiến thắng, Tiểu đoàn 509 vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ “hộ công” của mình.
Người chỉ huy Tiểu đoàn “hộ công” năm xưa. Ảnh: MỸ NHÂN
Do không xuất thân từ quân đội nên không am tường lắm các thuật ngữ quân sự nhưng qua câu chuyện, chúng tôi đề nghị với anh Năm Đường là sẽ chính xác hơn nếu ta đổi khái niệm “hướng tấn công thứ yếu” thành “hướng tấn công quan trọng”. Người chỉ huy Tiểu đoàn “hộ công” năm xưa chỉ cười vui vẻ: Thứ yếu cũng được, quan trọng cũng không sao. Miễn sao đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mình vào chiến thắng cuối cùng của quân dân tỉnh nhà giải phóng quê hương, kết thúc cuộc chiến tranh mấy mươi năm dài gây khổ đau, chết chóc cho biết bao gia đình, đất nước được hòa bình, thống nhất!
Đẹp lắm tấm lòng của người chỉ huy đơn vị ở hướng tiến công thứ yếu trong ngày toàn thắng 50 năm về trước!
TRẦN DŨNG
Sáng ngày 08/5, đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành (đoàn 2) về an toàn thực phẩm (ATTP) do đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh làm trưởng đoàn, cùng các thành viên (Sở Khoa học và Công nghệ; Hội Nông dân tỉnh; Sở Y tế; Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư và Biển đảo) có chuyến kiểm tra tình hình thực hiện ATTP trên địa bàn huyện Duyên Hải.