05/10/2021 09:55
Các công trình điện gió dần hoàn thiện góp phần thúc đẩy du lịch Trà Vinh phát triển.
Qua trao đổi cùng chúng tôi, ông Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Trà Vinh cho biết, trong quá trình thúc đẩy phát triển du lịch Trà Vinh nói chung, nhất là trên lĩnh vực du lịch biển, sở đã phối hợp với các ngành tỉnh và các địa phương xây dựng nhiều giải pháp.
Thứ nhất, Sở VH-TT-DL khẩn trương xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch biển Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, đây là cơ sở để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định du lịch biển là một trong những nội dung trọng tâm của vùng phát triển kinh tế biển.
Thứ hai, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch biển, kết hợp sử dụng ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu tại các khu du lịch đã quy hoạch của tỉnh, xã hội hóa đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm như: Mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông - Long Thạnh, rừng ngập mặn Nông trường 22/12, Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, khu đặc sản Hai My… tại thị xã Duyên Hải. Làm việc với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác Khu tham quan du lịch nghỉ dưỡng Ba Động. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn, khu Resort từ 03 sao trở lên, các điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, điểm du lịch cộng đồng (homestay), điểm mua sắm đáp ứng yêu cầu cho việc khai thác khách du lịch.
Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển và hướng tới sản phẩm có giá trị cao, ưu tiên phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng biển chất lượng cao theo hướng hình thành các khu nghỉ dưỡng ven biển quy mô lớn. Bên cạnh đó, với định hướng đưa biển trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tỉnh Trà Vinh cần tập trung đầu tư phát triển các loại hình thể thao trên biển như: mô-tô nước, lướt ván, dù lượn… cùng một số các dịch vụ bổ sung làm tăng thêm sức hấp dẫn cho biển.
Và một điều không thể thiếu đó là cần đầu tư xây dựng bãi tắm du lịch kiểu mẫu; nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, nhà hàng ven biển hiện có; hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí, khu ẩm thực vùng biển và các dịch vụ phục vụ khách khu vực ven biển… phát triển các loại hình dịch vụ du lịch gắn với thế mạnh kinh tế biển; hình thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch nghỉ tại nhà dân (hometay), du lịch gắn với nông nghiệp, nông trại nuôi trồng thủy hải sản (farmstay); gắn phát triển du lịch kết hợp với tham quan công trình điện gió, tham quan Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải. Nâng chất lượng khai thác các tour, tuyến đang hiện có, hình thành thêm sản phẩm mới nhằm tạo điểm nhấn. Đặc biệt là phối hợp với các hợp tác xã nuôi nghêu xây dựng tuyến du lịch gắn với trãi nghiệm thu hoạch nghêu (vào mùa thu hoạch).
Thứ tư, tuyên truyền đổi mới nhận thức về du lịch biển, tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch biển của tỉnh, xem du lịch biển là ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Nâng cấp, hoàn thiện trang thông tin điện tử Trung tâm Xúc tiến Du lịch Trà Vinh để đáp ứng nhu cầu truy cập, tìm hiểu thông tin về du lịch biển Trà Vinh; sử dụng các mạng xã hội như zalo, facebook (fanpage) để quản bá hình ảnh, clip về du lịch biển Trà Vinh.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch biển, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch biển. Thành lập Hiệp hội du lịch tỉnh để liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin phục vụ tốt cho khách du lịch. Triển khai sắp xếp lại các doanh nghiệp trên địa bàn theo hướng chuyên môn hoá. Thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và các quy định của Nhà nước. Tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.
Thứ sáu, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng kế hoạch, tổ chức và triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố. Tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch trong và ngoài nước, chú trọng thị trường du lịch trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Thứ bảy, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch của tỉnh gồm các ngành như: dịch vụ du lịch và lữ hành, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý; tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các cơ sở, dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch.
Phát triển du lịch biển trong thời gian tới là nhân tố quyết định đến sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh việc khắc phục những thiếu sót bất cập, ngành du lịch của tỉnh cần xây dựng đề án về phát triển du lịch biển, lập quy hoạch tổng thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực đầu tư khai thác các dự án về du lịch biển… nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh quốc gia, hỗ trợ phát triển, làm tốt công tác chiến lược phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược sản phẩm trên cơ sở dự báo đúng, phù hợp với từng loại thị trường… góp phần thúc đẩy du lịch biển phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bài, ảnh: LHP-BT
Phát huy tinh thần “Dân vận khéo” trong xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua, nhiều mô hình tiêu biểu ở cơ sở đã khẳng định hiệu quả rõ nét. Những mô hình này không chỉ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.