01/10/2021 20:04
Du khách trải nghiệm không khí trong lành tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim.
Tỉnh Trà Vinh hiện nay chỉ có Khu du lịch biển Ba Động là khu du lịch sinh thái, rừng ngập mặn vẫn đang thu hút du khách qua các năm và đang được quan tâm đầu tư. Các chương trình về tỉnh Trà Vinh luôn gắn với Khu du lịch biển Ba Động, bởi những câu chuyện đặc biệt liên quan. Khu du lịch biển Ba Động do hộ cá thể tư nhân đầu tư đến nay đã xuống cấp, bãi tắm không được xây dựng lại, gây nguy hiểm, hàng hóa lưu niệm nhàm chán, không có nét đặc trưng, khu vực xung quanh không có quán ăn, nhà hàng, chỉ có duy nhất một nhà hàng của khu du lịch, khách du lịch không có sự lựa chọn. Bên cạnh đó là Thiền viện Trúc Lâm mới được xây dựng từ 2017 thu hút được lượng khách khá đông đến hành hương và tham quan, kết hợp tham quan biển Ba Động.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh tổng cơ sở lưu trú là 140 cơ sở, với 1.680 phòng, gồm có 29 khách sạn, 616 phòng (xếp hạng 03 sao có 02 khách sạn, xếp hạng 02 sao có 11 khách sạn, xếp hạng 01 sao có 16 khách sạn); nhà nghỉ đạt chuẩn là 108, với 1.047 phòng; Homestay 03, với 17 phòng… số lượng các điểm du lịch đang hoạt động kinh doanh 10 điểm, số lượng các khu du lịch đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn là 03 khu, số lượng khu du lịch quốc gia 01 khu (Khu du lịch ao Bà Om và Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim được công nhận), còn lại các khu, điểm du lịch chưa được được công nhận do chưa đủ tiêu chí lập hồ sơ, đây là một trong những hạn chế trong việc thu hút, giữ chân du khách khi đến với Trà Vinh.
Cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch nhất là khách du lịch đi theo tour và khách quốc tế như: thiếu khách sạn, khu Resort từ 03 sao trở lên, thiếu các điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, điểm du lịch cộng đồng (homestay), điểm mua sắm... nên một số doanh nghiệp lữ hành chưa kết nối những tuyến điểm du lịch đưa khách đến với tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua.
Trà Vinh có 148 doanh nghiệp du lịch, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ 0,5 - 01 tỷ đồng (chiếm 82%), từ 02 - 05 tỷ (chiếm 11%), trên 10 tỷ (chiếm 04%). Trong đó có 08 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, còn lại 140 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Về loại hình kinh doanh ăn uống do Nhà nước quản lý 02 điểm; tư nhân quản lý 17 điểm (trong đó có 11 nhà hàng trong khách sạn 02 sao và có 06 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch). Nhìn chung, các đơn vị lữ hành trong tỉnh chưa đầu tư đúng mức vào các khâu quan trọng trong hoạt động khai thác dịch vụ lữ hành như: đầu tư vào cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, phương tiện vận chuyển, đội ngũ hướng dẫn viên đạt chuẩn về trình độ nghiệp vụ. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp, chưa quan tâm nhiều đến công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu.
Bên cạnh đó, việc xác định xây dựng tour, tuyến liên kết để khai thác du lịch biển chưa có nhiều đơn vị lữ hành quan tâm. Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Du lịch, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh trong thời gian qua đã kết hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh xây dựng 04 tour, tuyến để khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh như: (1) thành phố Trà Vinh - Làng Văn hóa Du lịch Khmer - Điểm du lịch Cộng đồng Cồn Chim; (2) thành phố Trà Vinh - huyện Cầu Kè - huyện Trà Cú; (3) thành phố Trà Vinh - Làng Văn hóa Du lịch Khmer - Điểm du lịch cộng đồng Cồn Hô; (4) thành phố Trà Vinh - huyện Cầu Ngang - thị xã Duyên Hải…
Du khách tham gia trò chơi dân gian tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim.
Tuy nhiên xét về sản phẩm khai thác thì chỉ có tour thành phố Trà Vinh - huyện Cầu Ngang - thị xã Duyên Hải là khai thác các sản phẩm về du lịch biển, riêng các sản phẩm về du lịch biển của huyện Duyên Hải chưa được quan tâm khai thác như khu bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn… Tỉnh chưa tổ chức được sự kiện du lịch nổi bật tầm cỡ khu vực, quốc gia để tạo điểm nhấn trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Chưa xây dựng được các sản phẩm đặc thù của địa phương để thu hút và giữ chân khách du lịch. Công tác xúc tiến mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa mang lại hiệu quả cao, chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại các khu du lịch của tỉnh. Một số tài nguyên du lịch còn nằm dưới dạng tiềm năng, chưa khai thác có hiệu quả...
Điều quan trọng đó là hiện nay ngành du lịch chưa xây dựng kế hoạch, chiến lược về phát triển du lịch biển, đây là vấn đề mấu chốt để xác định tiềm năng, lợi thế của ngành trong công tác tham mưu, tạo cơ chế, đầu tư nguồn lực, kêu gọi, xúc tiến, quảng bá để nhà đầu tư quan tâm đầu tư dự án lớn, mang tầm khu vực, quốc gia về du lịch biển tại Trà Vinh.
Về nguồn nhân lực được quan tâm đào tạo, hiện nay Trường Đại học Trà Vinh đã và đang đào tạo 03 ngành đại học hệ chính quy gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng dịch vụ ăn uống với 215 sinh viên đang theo học, trong năm 2020 có 100 sinh viên Khoa Quản lý Nhà nước, Quản trị Văn phòng và Du lịch tốt nghiệp ra trường... nhưng do nhu cầu việc làm và môi trường làm việc tại tỉnh chưa có nhiều điểm, khu du lịch nên đa phần các sinh viên ngành du lịch tìm đếm các tỉnh, thành có ngành du lịch phát triển để lập nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang)…
Mặt khác, kết cấu hạ tầng giao thông đến với các khu, điểm tham quan du lịch còn hạn chế. Một số dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch triển khai còn chậm tiến độ như dự án đầu tư khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng biển Ba Động; các dự án như mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông - Long Thạnh, Rừng ngập mặn Nông trường 22/12, dự án Khu đặc sản Hai My… tại thị xã Duyên Hải vẫn đang trong quá trình kêu gọi đầu tư.
Bài, ảnh: LHP-BT
Phát huy tinh thần “Dân vận khéo” trong xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua, nhiều mô hình tiêu biểu ở cơ sở đã khẳng định hiệu quả rõ nét. Những mô hình này không chỉ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.