11/05/2022 08:20
Nhân dịp tỉnh Trà Vinh tổ chức hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh năm 2022 gắn với Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh, Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang (tỉnh Đắk Nông) tham gia trưng bày triển lãm tại hội chợ. Đây là dịp để những thành viên của hợp tác xã có cơ hội khám phá về “vùng đất thuận thiên” mang dòng chảy văn hóa cộng cư của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… mến khách và đậm nghĩa tình.
Bà Đoàn Thị Kiều Diễm đến tham quan gian hàng Hội chợ Triển lãm và tìm mua đặc sản Trà Vinh.
Bà Nguyễn Thị Băng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang cho biết: ngoài mục đích là quảng bá sản phẩm của Hợp tác xã, đoàn chúng tôi còn đến tham quan một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trà Vinh với nét đẹp thiên nhiên có khung cảnh khá phong phú với hệ thống kênh, rạch, sông nước, ao hồ chằng chịt. Nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống với những nét đặc trưng văn hóa được lưu giữ và phát huy.
Tôi ấn tượng về Trường Đại học Trà Vinh - một ngôi trường xanh, nơi có Khoa Ngôn ngữ văn hóa Nghệ thuật Khmer Nam Bộ là khoa đặc thù và là khoa đầu tiên trong cả nước đào tạo chính quy các chuyên ngành ngôn ngữ văn hóa và nghệ thuật Khmer Nam Bộ cho con em đồng bào Khmer. Song song đó, nhiều công trình thiết kế tôn giáo, đặc biệt là những ngôi chùa cổ kính của đồng bào Khmer, xung quanh được bao bọc bởi rất nhiều cây cổ thụ, tao cho tôi cảm giác thoải mái, yên bình với cảnh quan môi trường xanh và không trí trong lành, sạch đẹp khi lần đầu tiên đến Trà Vinh.
Trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh hiện hữu trong khách du lịch gần xa là một gam mầu xanh mát của ruộng lúa, cây cổ thụ và vườn cây ăn trái trịu quả, của sông nước kênh, rạch ngập tràn nhựa sống.
Đã từng đến Trà Vinh cách đây 02 năm, nhưng trong dịp nghĩ lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, bà Đoàn Thị Kiều Diễm (61 tuổi) ở tỉnh Đắk Nông cùng những người bạn của mình tiếp tục chọn vùng đất Trà Vinh là điểm dừng chân trong những ngày nghỉ lễ.
Bà Kiều Diễm cho biết: trong những ngày nghỉ lễ, các điểm cung cấp dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trở nên nhộn nhịp. Ẩm thực đa dạng, phong phú cũng là điểm nhấn hấp dẫn du khách. Tôi đến Trà Vinh một phần vì cảnh đẹp, một phần vì con người nơi đây thân thiện, mến khách; ẩm thực Trà Vinh cũng có sức hấp dẫn riêng biệt đối với tôi. Tôi thích những món ăn của đồng bào Khmer. Vì đồng bào Khmer đa phần thích lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc tự nhiên để chế biến như mắm Pro hóc, mắm tép rong... Sự tinh tế trong kết hợp gia vị, khéo léo trong chế biến đã làm nên những món ăn đặc trưng không đâu có được như: bún nước lèo, bánh tét, cốm dẹp, bánh ống, bánh lá dứa… Đặc biệt, ở đây dịch vụ du lịch rất rẻ. Mỗi lần du lịch Trà Vinh về tôi thường chọn bánh tét, cốm dẹp để làm quà và bành ống, bánh lá dứa thì mua mang theo xe để cả đoàn xe cùng thưởng thức.
Bánh ống, bánh lá dứa đặc sản của đồng bào Khmer thơm, ngon, rẻ.
Mắm tép rong của đồng bào Khmer huyện Trà Cú được khách hàng ưa chuộng.
Cùng với du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thì du lịch đồng quê cũng đang được du khách hướng tới và ưa chuộng. Đặc biệt, với nhiều lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên - các điểm du lịch mang hơi hướng đồng quê ở tỉnh Trà Vinh đang thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan và trải nghiệm.
Sư Lý Chan The (tỉnh Sóc Trăng) cảm nhận: hiện Sư đang học năm cuối Khoa Ngôn Ngữ - Văn hóa Nghệ thuật Khmer Nam Bộ ở Trường Đại học Trà Vinh. Sư tá túc tại chùa Kom Pong (thành phố Trà Vinh). Hơn 04 năm tu học ở Trà Vinh, Sư tranh thủ đi tham quan 143 ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh và một số điểm du lịch khác.
Sư Lý Chan The (trái) tham quan du lịch tại huyện Trà Cú.
Sư ấn tượng về một quần thể ao hồ - cây cối xanh mát yên ả của Ao Bà Om, tạo khí hậu mát mẻ quanh năm. Hàng trăm cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi với bộ rễ lớn trồi lên mặt đất với nhiều hình dạng khác nhau, bao bọc xung quanh ao. Sư cũng có dịp đi đến biển Ba Động, phong cảnh xanh mênh mông của bờ biển và công trình điện gió mấp mô trên biển làm cho khung cảnh thiên nhiên trên biển thêm đẹp và lung linh.
Trà Vinh không chỉ ấn tượng với du khách phương xa, mà còn hấp dẫn với người dân địa phương, bởi những địa điểm mà họ chưa một lần khám phá. Ông Kim Soi (xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành) cho biết: dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5, gia đình tôi tổ chức chuyến tham quan một số điểm tại huyện Trà Cú. Tôi rất thích thú với điểm nghỉ chân Cà phê Nhà cổ Đại An (ấp Giồng Lớn, xã Đại An).
Ông Kim Soi thích thú với những món đồ cổ tại Cà phê Nhà cổ Đại An.
Không ấn tượng với biển hiệu như các quán cà phê khác vẫn thường thấy, nhưng dễ nhận ra bởi cổng vào là một hàng các bụi trúc tốt xanh kéo dài hai bên đường. Cổng vào quán với mái gộp và lợp gạch mộc. Bên trong là cả một “kho tàng đồ cổ” được chủ quán sưu tầm và trưng bày cho khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm, có cả khu vui chơi dành cho trẻ nhỏ. Nhân viên phục vụ niềm nở, hiếu khách với giá mỗi ly nước giải khát rất bình dân.
Sau chuyến đi này, dịp tới tôi sẽ dẫn bạn bè ở tỉnh ngoài cùng gia đình đi tham quan các điểm du lịch như Cồn Chim (huyện Châu Thành), Cồn Hô (huyện Càng Long), Điện gió Trà Vinh, cù lao Tân Qui, Nhà cổ Cầu Kè… để giới thiệu về nét đặt sắc cũng như khám phá những điểm mới đưa vào du lịch của vùng đất quê mình.
Trải nghiệm du lịch Cồn Chim cùng món ăn dân gian đậm chất Nam bộ. Ảnh: TL
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khó quên và để lại ấn tượng đối với những ai đã, đang và sẽ đến Trà Vinh. Với nhiều du khách, dấu ấn về Trà Vinh hôm nay, không chỉ là vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên yên bình, là vùng đất thuận thiên, mà còn nơi họ có thể thưởng thức nền ẩm thực phong phú, có thể nghe về lịch sử văn hóa của các dân tộc anh em và có thể được bà con Khmer dạy học nói tiếng của đồng bào Khmer. Có lẽ, dấu ấn khó quên nhất, vẫn là con người Trà Vinh, với tấm lòng thân thiện mến khách, chân chất đậm nét của người dân miền Tây Nam Bộ.
Bài, ảnh: SỐC KHA
Theo thông báo ngày 05/12, WHO cho biết xét nghiệm do công ty Cepheid của Mỹ phát triển, có khả năng phát hiện vi khuẩn gây bệnh lao trong mẫu đờm chỉ trong vài giờ.