13/12/2023 07:16
Mặt đường hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Gần 02 năm nay, người dân sinh sống ven tuyến đường nhựa nông thôn này rất bức xúc trước tình trạng mặt đường xuống cấp, gây tâm lý bất an khi lưu thông ngang qua.
Tuyến đường này trước đây do Nhà nước và Nhân dân cùng xây dựng nên độ kiên cố chỉ phục vụ cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đây là tuyến đường khá quan trọng và có nhiều phương tiện vận chuyển trái cây, nhất là dừa và vật liệu xây dựng lưu thông qua lại thường xuyên nên xuống cấp nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Tròn (cư trú ấp Số 8, xã Mỹ Cẩm) cho biết, nguyên nhân đường hư là do xe tải chạy quá nhiều, tháng mưa học sinh đi học bị té, người dân đi lại khó khăn. Trong các cuộc họp dân với chính quyền địa phương, người dân cũng đề nghị, phản ánh về đường hư, yêu cầu sửa chữa, nâng cấp nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn mặt đường bị hư hỏng nặng, xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vũng sâu và ngập nước khi trời mưa, nhiều phương qua lại khó khăn; có đoạn ngập lún sâu đến hơn 50cm (chiều dài hơn 01km) đường hầu như phương tiện không di chuyển được khi trời mưa.
Ở một số đoạn trên tuyến đường này, những đoạn hư cũng đã được cơ quan chức năng khảo sát, khắc phục nhưng chỉ được một thời gian thì lại sụp lún. Qua phản ánh của người dân, việc khắc phục này chưa mang lại hiệu quả cao, vì đắp điểm này lại hư điểm khác cũng ngay tại đoạn vừa được sửa, những ngày trời mưa người dân địa phương đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn tự té xảy ra.
Tại khu vực ấp Số 6, xã Mỹ Cẩm có nhiều hố sâu, để phương tiện di chuyển qua lại được, người dân phải lấy những bao xi măng, cát, đá hay tàu dừa để lót mặt đường tạm. Nhiều chỗ lún sâu, xe không qua lại được người dân phải lót bằng những vỏ xe lớn để phương tiện chạy qua.
Để góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục tình trạng hư hỏng mặt đường nhằm tránh nước ứ đọng gây sạt lở, sụp lún, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông tại khu vực nêu trên.
Bài, ảnh: PHẠM HƠN
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhất là một số vùng nông thôn liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Dù biết việc góp hụi có nhiều rủi ro nhưng với việc huy động vốn nhanh và có lãi suất khá hấp dẫn nên nhiều người đã bỏ số tiền hàng chục triệu, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng vào việc chơi hụi. Điều đáng nói, nhiều người dân tham gia chơi hụi một cách hời hợt, chỉ dựa vào niềm tin đối với chủ hụi, không tìm hiểu các dây hụi, thậm chí không tham gia khui hụi, việc gom và giao hụi đều do chủ hụi quản lý. Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, song không ít người vẫn sập bẫy trước những biến tướng từ việc chơi hụi dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng.