05/08/2024 13:26
Một trong 06 tuyến kênh nội đồng ở ấp Ô Tre Lớn đang được nạo vét, khơi thông dòng chảy và cung cấp nước mùa khô, tiêu úng vào mưa.
Với diện tích sản xuất lúa khoảng 50ha của khu vực ấp Chợ, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú; nhiều năm nay, nông dân trồng lúa ở đây gặp nhiều khó khăn do vùng đất trũng, nên khi vào mùa mưa là úng ngập; chi phí đầu tư cho sản xuất lúa tăng cao vì phải sạ lại nhiều lần, chi phí diệt ốc bươu và bơm tác… Cuối năm 2023, tuyến kênh nội đồng dài gần 700m đi qua phần đất của 25 hộ dân đã được người dân đồng tình hiến đất để thi công. Công trình trên đã thật sự phát huy trong mùa mưa năm 2024 và tạo sự phấn khởi cho các hộ sản xuất lúa ở đây.
Ông Thạch Suôl ngụ ấp Chợ, xã Hàm Giang phấn khởi: năm nay, nhờ có tuyến kênh nội đồng này mà các hộ sản xuất lúa ở đây giảm nhiều chi phí. Riêng gia đình tôi có 0,5ha lúa, khi chưa có tuyến kênh này, vào mùa mưa (từ vụ lúa hè - thu; vụ lúa thu - đông) là bị ngập úng, không có đường thoát nước. Khi lúa mới sạ, ốc bươu xuất hiện rất nhiều do ruộng không rút cạn được nước để xử lý ốc và lúa giống sạ hao hụt 30 - 40%; ngoài ra, nông dân ở khu vực này phải thường xuyên chạy máy nổ để bơm nước khi có mưa dầm… chi phí phát sinh ở mỗi vụ lúa khoảng 2,5 triệu đồng/ha.
Đồng chí Tăng Quang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Chợ, xã Hàm Giang cho biết: đây là công trình có ý nghĩa rất lớn đối với người dân, nhiều năm nay, khu vực sản xuất của các hộ ở đây thường xuyên ngập úng khi trời mưa và thiếu nước bơm tác trong vụ đông - xuân và đầu vụ hè - thu. Khi được địa phương vận động, tuyên truyền cùng với những hộ mất đất nhiều đã tích cực hưởng ứng hiến đất để nạo vét tuyến kênh nội đồng vì phục vụ mục đích chung; từ đó, việc canh tác sản xuất lúa ở cánh đồng này đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Lâm Phơi, ngụ ấp Chợ, xã Hàm Giang là hộ nằm ở phía đầu tuyến kênh vừa hiến đất để địa phương thực được đào mới kênh nội đồng phục vụ tiêu úng cho hơn 50ha trong khu vực; ông chia sẻ: nếu không đào mới tuyến kênh này, sản xuất lúa ở khu vực này rất khó khăn. Gia đình nhận thấy việc hiến đất để đào mới con kênh này cũng như mình làm phước, đi chùa; với diện tích mất đất do tuyến kênh này đi qua là 150m2 (ngang 03m, dài 50m), sau khi có tuyến kênh, việc sản xuất của các hộ trong khu vực này đã ổn định hơn, không còn ngập úng khi mưa lớn.
Tại vùng sản xuất lúa ở ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ huyện Châu Thành, trong đó có cánh đồng 50ha thuộc Đề án 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các hệ thống kênh ở đây được nạo vét và hoàn thiện, góp phần chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất.
Đồng chí Quách Văn Út, Bí thư Chi bộ ấp Ô Tre Lớn cho biết: diện tích sản xuất lúa ở ấp khoảng gần 200ha. Trong đó, có 01 tuyến kênh cấp II lấy nước trực tiếp từ kênh trục ở xã Thanh Mỹ vào, trong năm 2024, trên địa bàn ấp triển khai nạo vét 06 tuyến kênh nội đồng, trong đó, 100% hộ dân hiến đất để nạo vét kênh.
Hàng năm, khi vào vụ lúa đông - xuân và đầu vụ hè - thu thường thiếu nước cục bộ trong từng cánh đồng ở ấp Ô Tre Lớn. Với việc hoàn thiện nạo vét 06 kênh nội đồng sẽ đảm bảo 100% diện tích canh tác lúa chủ động nguồn nước.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Mô hình trồng bí đỏ ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú là một trong những mô hình điểm về nông thôn mới của tỉnh trong phát triển sản xuất theo hướng liên kết và bao tiêu sản phẩm. Đây là vụ thứ 02 (chỉ sản xuất vụ màu đông - xuân) được doanh nghiệp liên kết với nông dân xã Hàm Giang trồng bí đỏ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây bí đỏ theo hướng ổn định và bền vững...