20/05/2024 16:42
Nông dân ấp Phú Thọ II, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần tranh thủ nước mưa để làm đất trước khi xuống giống vụ hè - thu.
Theo kế hoạch sản xuất vụ lúa hè - thu năm 2024, toàn tỉnh xuống giống khoảng 68.000ha; với các giống chủ lực như OM 5451, OM 18, OM 4900, Đài thơm 8… Thời gian xuống giống với 02 đợt: đợt I, bắt đầu từ ngày 02 - 20/4; đợt II, từ ngày 05 - 20/5. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết bất lợi ở ngay đầu vụ hè - thu như nước mặn, khô hạn… đã ảnh hưởng đến kế hoạch xuống giống. Đến giữa tháng 5/2024, diện tích xuống giống lúa hè - thu mới đạt khoảng 5.000ha.
Nông dân Nguyễn Hoàng Thành, ấp Phú Thọ II, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần cho biết: trong ấp, ngày 09 và ngày 10/5 đã có mưa lớn và nguồn nước dồi dào, nên gia đình đã bắt tay vào trục, bừa đất để xuống giống vụ lúa hè - thu năm 2024. Nếu so với hàng năm, thời gian xuống giống chậm khoảng 07 - 10 ngày; hiện nay, cơ bản nguồn nước trên các kênh khá phong phú, nông dân ở khu vực này đã xuống giống và dự kiến cánh đồng Phú Thọ II, xuống giống kết thúc khoảng 20/5.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Phép, công chức Nông nghiệp xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần: kế hoạch vụ lúa hè - thu năm 2024, toàn xã sẽ xuống giống khoảng 1.495ha; với điều kiện nguồn nước ngọt hiện nay cùng với những đợt mưa lớn trong những ngày qua, nhìn chung tiến độ xuống giống trong nông dân sẽ tập trung dứt điểm khoảng 20/5. Các giống lúa được nông dân xuống giống nhiều là OM5451, OM4900…
Thạc sĩ Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết: để xuống giống vụ lúa hè - thu được an toàn, lúa phát triển tốt; nông dân cần đảm bảo đủ lượng nước trên đồng để trục, bừa đất nhằm rửa trôi phèn và xử lý ốc bươu vàng. Về cày, xới phơi đất ở vụ hè - thu, nông dân thực hiện khá tốt với thời gian khá dài (từ 10 - 20 ngày trở lên) do khi thu hoạch xong vụ lúa đông - xuân, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn… nên nông dân có thời gian làm đất và phơi đất kéo dài. Đối với các vùng, địa phương chưa đảm bảo đủ nguồn nước ngọt từ các kênh đưa lên ruộng và lượng nước mưa còn hạn chế; cần có sự chuẩn bị tốt trước khi xuống giống.
Qua ghi nhận tại các xã ở huyện Trà Cú như Long Hiệp, Ngọc Biên, Tân Hiệp và xã Đôn Xuân, Đôn Châu (huyện Duyên Hải)… lượng nước mưa trên đồng ruộng và mật độ xuất hiện các trận mưa lớn chưa được nhiều; nông dân cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, để tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống.
Đồng chí Lê Văn Chắc, công chức Nông nghiệp xã Long Hiệp cho biết: ngay từ giữa tháng 5/2024, các đợt mưa trên địa bàn rất ít, nên nông dân chưa xuống giống. Đến ngày 15/5, toàn xã mới xuống giống được khoảng 10/1.150ha; trong những ngày tới, nếu thời tiết mưa nhiều và lượng nước mưa lớn, khi đó nông dân sẽ tập trung xuống giống đồng loạt…
Để đảm bảo nguồn nước trong đầu vụ sản xuất lúa hè - thu, công tác thủy lợi nội đồng và khơi thông dòng chảy (trục vớt lục bình) được các địa phương tập trung thực hiện. Qua đó, đã thi công được 171 công trình thủy lợi nội đồng, đạt 45,6% kế hoạch với tổng chiều dài 135,5km. Các địa phương: thành phố Trà Vinh, huyện Cầu Kè, Càng Long và Trà Cú) tổ chức trục vớt 77.729m2 lục bình để khơi thông dòng chảy và tích trữ nước ngọt.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Theo đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: diện tích sản xuất ở vụ lúa thu - đông năm 2024 theo Đề án, tỉnh tiếp tục thực hiện theo đăng ký với Bộ NN-PTNT; với diện tích 50ha/HTX và tiếp tục nhân rộng mô hình cho các vụ lúa tiếp theo.