11/11/2024 16:10
PGS.TS Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Liên ngành (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) hướng dẫn nông dân xã An Trường, huyện Càng Long xử lý rơm rạ sau thu hoạch để bảo vệ môi trường.
Để giảm thiểu ảnh hưởng môi trường trong quá trình sản xuất, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng lúa, tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân phát triển các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường. Một số mô hình được thực hiện trên địa bàn tỉnh gần đây đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt về kinh tế và môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, được nông dân hưởng ứng và tích cực tham gia.
Gia đình ông Đoàn Phước Sung, xã An Trường, huyện Càng Long vừa thu hoạch 1,1ha lúa giống OM18 trong mô hình "xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng".
Ông Sung cho biết, theo tập quán canh tác trước đây, sau khi kết thúc vụ lúa, rơm rạ được thu gom để làm thức ăn cho bò hoặc làm nấm rơm; còn gốc rạ thường được đốt đi để chuẩn bị cho vụ gieo sạ tiếp theo. Vụ này, ông được các nhà khoa học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) hỗ trợ chế phẩm vi sinh và hướng dẫn kỹ thuật phun xịt, tiêu hủy gốc rơm rạ sau khi thu hoạch; kết quả, gia đình ông giảm khoảng 20% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng với đó, cây lúa phát triển rất tốt, hạn chế sâu bệnh, dịch hại, lúa lẫn và cỏ dại nên giảm đáng kể chi phí nhân công dặm lúa và làm cỏ. Năng suất lúa đạt 06 tấn/ha, cao hơn vụ thu - đông năm trước 01 tấn/ha nên lợi nhuận gia đình ông tăng thêm 15% so với trước.
Cùng tham gia mô hình "xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng" ở vụ thu - đông này, gia đình ông Nguyễn Thành Thuận, xã An Trường, huyện Càng Long cũng vừa thu hoạch 01ha lúa với năng suất cao hơn cùng kỳ năm trước 01 tấn/ha.
Ông Thuận chia sẻ, việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã giúp ruộng lúa của ông giảm đáng kể chi phí sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, không mất thêm chi phí diệt mầm bệnh, tránh được tình trạng bị ngộ độc hữu cơ; gốc rơm rạ phân hủy nhanh và thành phân bón nên nông dân giảm được từ 100 - 150kg phân bón/ha; đặc biệt là cây lúa sinh trưởng rất tốt, không còn tình trạng lúa cỏ. Vụ lúa này, lợi nhuận của gia đình ông tăng cao rõ rệt.
Ông Đoàn Chí Hải, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long cho biết, gia đình ông bắt đầu thử nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy gốc rơm rạ sau thu hoạch lúa trên diện tích 0,6ha từ vụ hè - thu 2024. Thấy rõ hiệu quả nên ông đã vận động 08 hộ trồng lúa trên diện tích 08ha ở xã An Trường, huyện Càng Long cùng tham gia mô hình, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hỗ trợ chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ. Đến nay, các hộ đã thu hoạch với năng suất bình quân 06 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 0,5 - 01 tấn/ha.
Với giá bán 7.500 đồng/lúa tươi giống IR50404 và 8.000 đồng/kg lúa tươi giống OM18 hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận tăng thêm hơn 04 triệu đồng/ha so với tập quán canh tác cũ. Từ hiệu quả này, thời gian tới, địa phương sẽ tích cực vận động nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy rơm rạ tại đồng ruộng.
Theo PGS.TS Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Liên ngành (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch của nhiều nông dân tác động rất xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, gây hệ lụy đất nông nghiệp bị thoái hóa, chai sạn, bầu không khí ngày càng ô nhiễm. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh giúp phân hủy nhanh gốc rơm rạ thành phân bón tại đồng ruộng, giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một tiến bộ trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Để nông dân sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đã triển khai mô hình này tại tỉnh Đồng Nai, và hiện nay, đang thử nghiệm tại tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Đây là mô hình thuộc dự án đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt ngoài trời và sử dụng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học tại Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện thông qua Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP), cùng sự tài trợ của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Vương Quốc Anh (DEFRA).
PGS.TS Đinh Văn Phúc hy vọng, hiệu quả về kinh tế và môi trường từ mô hình "xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng" ở tỉnh Trà Vinh sẽ góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, bầu không khí ngày càng trong sạch hơn.
Tại Trà Vinh, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển giao các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng được sâu bệnh, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác tiên tiến nên năng suất và chất lượng lúa địa phương ngày càng tăng cao. Tuy tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm (03 vụ) giảm hơn 20.000ha so với 05 năm trước, hiện chỉ còn hơn 200.000ha nhưng sản lượng lúa vẫn đảm bảo đạt hơn 1,1 triệu tấn, không chênh lệch nhiều so với sản lượng 05 năm trước.
Nông dân Đoàn Lý Tuấn Kiệt, xã An Trường, huyện Càng Long thu gom rơm rạ sau thu hoạch.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Đông, năng suất lúa tăng cao chứng tỏ việc sản xuất lúa của nông dân ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc tăng năng suất và sản lượng lúa thời gian qua là chủ yếu là do thâm canh, sử dụng quá nhiều giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; phần nhiều nông dân chưa cung tiêu nước hợp lý, thu gom và xử lý rơm rạ chưa đúng cách dẫn đến phát thải khí nhà kính nhiều, tác động xấu đến môi trường.
Vì vậy, tỉnh đang khuyến khích nông dân phát triển các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Vụ hè - thu vừa qua, tỉnh Trà Vinh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm 02 mô hình sản xuất theo Đề án "Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo), huyện Châu Thành. Kết quả, mô hình đã giảm chi phí sản xuất khoảng 15%, tăng năng suất từ 05 - 07% và chất lượng lúa, gạo được cải thiện đáng kể, giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 20 - 30%…, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất từ 20 - 25% và bảo vệ môi trường, tiến tới sản xuất xanh và bền vững.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài cho biết, hợp tác xã có 48 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích 48,4ha. Năng suất thu hoạch bình quân đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình khoảng 01 tấn/ha. Cùng đó, mô hình giảm 60% lượng giống, 30% phân bón, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nên nông dân có lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Từ hiệu quả của mô hình điểm, thành viên hợp tác xã đều mong muốn nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích sản xuất. Theo kế hoạch hợp tác xã sẽ phát triển diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải lên 500ha.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt khoảng 30.736ha.
Trước mắt, các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú và một phần huyện Duyên Hải lựa chọn từ 01 - 02 hợp tác xã đủ điều kiện để triển khai trong vụ đông - xuân năm 2024 - 2025, đánh giá rút kinh nghiệm cuối vụ để làm điểm chỉ đạo nhân rộng theo lộ trình kế hoạch của tỉnh.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Gần 02 năm nay, tình hình trồng cam sành của nông dân Trà Vinh nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung gặp nhiều khó khăn do giá cam giảm sâu và thua lỗ. Tuy nhiên, một thực tế dù người trồng cam sành thua lỗ, nhưng diện tích cam (khoảng 02 năm tuổi) vẫn tiếp tục được nhà vườn mở rộng… Đi tìm bài toán cho giá cam sành hiện nay, một thực tế cho thấy người trồng cam thiếu tính chủ động trong giảm diện tích và “níu giữ” cây cam sành chờ giá!