03/04/2023 08:02
Nông dân Lưu Văn Sanh kiểm tra thơm.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây thơm của gia đình, nông dân Lưu Văn Sanh, Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: trồng thơm không khó, chi phí không nhiều; nguồn phân bón chủ yếu là phân chuồng, hữu cơ. Cây thơm cho trái quanh năm và sau 01 năm trồng, thơm bắt đầu cho trái.
Để cho cây thơm có trái to, phát triển tốt cần thực hiện chiết cây thơm con từ trong thân cây thơm mẹ ra trồng; tuyệt đối không lấy đoạn chóp phía mặt trên của trái thơm cắt ra để trồng, khi đó, cây thơm phát triển rất chậm và cây không khỏe mạnh… nên cho trái rất nhỏ. Vấn đề thứ 02 là trong thân cây thơm không được để nhiều nhánh hoặc mầm thơm con mọc xung quanh gốc, làm cho cây thơm thiếu dinh dưỡng nuôi trái.
Từ năm 2017, chỉ với gần 100 gốc thơm, đến cuối năm 2022, gia đình của ông đã nhân rộng ra hơn 1.000 gốc thơm và trung bình mỗi năm có khoảng 70% số cây cho trái, với sản lượng trên 02 tấn trái và mang lại thu nhập gần 20 triệu đồng.
Hiện nay, mô hình trồng thơm xen trong vườn dừa sáp của nông dân Lưu Văn Sanh đang được Hội Nông dân xã Phong Thạnh triển khai, vận động nhân rộng trong hội viên và nông dân trên địa bàn. Ngoài việc giúp gia đình hội viên nâng cao việc cải thiện thu nhập; còn giúp cho địa phương định hướng trong hình thành chuỗi du lịch nông nghiệp cho khách du lịch đến tham quan, thưởng thức trái thơm và trải nghiệm sản xuất nông nghiệp…
Đồng chí Nguyễn Văn Nhớ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Thạnh cho biết: qua mô hình trồng thơm xen trong vườn dừa sáp của hội viên Lưu Văn Sanh; đến nay, trên địa bàn đã nhân rộng và có gần 10 hộ trồng thơm. Các diện tích trồng thơm xen trong vườn cho hiệu quả kinh tế rất cao, phù hợp với mô hình chuyển đổi, cải tạo các vùng đất kém hiệu quả như triền giồng; ruộng gò; vườn mới cải tạo và trồng mới…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trong sản xuất nông nghiệp trước những bất lợi do biến đổi khí hậu (BĐKH), việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng và phát triển các mô hình canh tác tiên tiến sẽ giúp nông dân sản xuất vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, góp phần giảm thiểu các rủi ro từ BĐKH như sâu bệnh, thiếu nước ngọt, khô hạn...