27/10/2024 11:38
Phong trào thi đua phát triển kinh tế trong hội viên nông dân xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết Đảng bộ xã Nhị Trường; đặc biệt là việc phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp với hướng đi phù hợp, hiệu quả. Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Nhị Trường đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia mô hình “Dân vận khéo” phát triển trồng màu trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả.
Nông dân Thạch Ri bên rẫy trồng bắp giống đã thu hoạch được chuyển sang trồng đậu bắp, theo hướng liên kết với hợp tác xã.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó, nổi bật là các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, như: vận động hội viên, nông dân liên kết với công ty, doanh nghiệp trồng bắp giống; đậu bắp… có bao tiêu sản phẩm. Với đặc điểm của vùng đất Nhị Trường là sản xuất 03 vụ lúa ở những khu vực thuận lợi về nguồn nước; riêng khu vực vùng cát pha và gò, thường gặp khó về nguồn nước sản xuất từ tháng Chạp năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau, được nông dân chọn trồng các loại màu thực phẩm. Tuy nhiên, giá bán thường bấp bênh và hiệu quả kinh tế từ cây màu mang lại không cao.
Theo đồng chí Thạch Minh Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Trường: để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân ổn định về thu nhập trong trồng màu, Hội đã xây dựng mô hình Dân vận khéo về phát triển trồng màu gắn với liên kết bao tiêu đầu ra. Trong đó, ở vụ màu mùa khô năm 2024 (từ tháng Giêng đến tháng 4) thực hiện liên kết trồng bắp giống với Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch (xã Nhị Trường) thông qua Công ty Giống cây trồng miền Nam và Công ty Sygenta đầu tư mô hình và thu mua sản phẩm
Từ mô hình Dân vận khéo đã vận động được 08 thành viên là hội viên nông dân tham gia trồng 4,2ha bắp giống (Giống C29), với giá bao tiêu 15.000 đồng/kg. Hiệu quả từ mô hình Dân vận khéo của Hội Nông dân xã đã tác động tích cực đến hội viên tham mô hình; thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha.
Hội viên Thạch Ri, ấp Bông Ven, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang chia sẻ: gia đình có 0,2ha đất sản xuất 01 vụ lúa + màu, chủ yếu là bí đao, khổ qua, đậu đũa… nhưng hiệu quả cây màu thực phẩm bấp bênh, nếu được mùa thì mất giá. Sau khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động vào mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng bắp giống có bao tiêu sản phẩm. Vụ bắp vừa qua (thu hoạch tháng 5/2024), được 2,2 tấn với giá bao tiêu 15.500 đồng; trừ chi phí còn khoảng 20 triệu đồng/0,2ha; nếu so với các cây màu khác, giá trị lợi nhuận tăng từ 02 - 03 lần và thời gian chỉ khoảng 90 -95 ngày.
Cũng theo đồng chí Thạch Minh Linh, từ mô hình Dân vận khéo, sau khi vận động hội viên nông dân chuyển đổi hình thức trồng màu từ tự túc sang có liên kết, bao tiêu đã nhận được sự tham gia hưởng ứng cao của hội viên nông dân. Hiện nay, trong vụ màu thu-đông, các hộ trồng bắp giống tiếp tục liên kết với Hợp tác nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải) thực hiện bao tiêu trồng đậu bắp xuất khẩu. Qua đó, có 10 hộ là hội viên nông dân tham gia liên kết trồng đậu bắp bao tiêu sản phẩm; mỗi hộ trồng từ 0,2 - 0,3ha.
Hội viên Kiên Thị Se cùng ấp Chông Văn, với diện tích 0,4ha đã tham gia liên kết trồng bắp giống có bao tiêu sản phẩm; vụ bắp giống vừa qua đạt năng suất 09 tấn/ha, thu vào trên 90 triệu đồng/ha. Hội viên Kiên Thị Se cho biết: với hiệu quả của việc liên kết trồng màu, gia đình rất phấn khởi; nên trong vụ màu mùa mưa (màu thu - đông) gia đình tiếp tục đăng ký trồng đậu bắp.
Cũng theo hội viên nông dân Thạch Ri, khi được Hội Nông dân xã đứng ra vận động hội viên tham gia mô hình trồng màu có liên kết, đa số nông dân rất phấn khởi vì trong sản xuất, nông dân dự toán được hiệu quả kinh tế; đồng thời còn được doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật… nên năng suất đạt cao, hạn chế thấp rủi ro cho nông dân khi tự sản xuất.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Nhãn hiệu chứng nhận “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đơn hợp lệ theo Quyết định số 56999/QĐ-SHTT, ngày 27/7/2023.