02/01/2023 10:16
Ông Nguyễn Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm hiểu sản phẩm hoa mật dừa Sokfarm.
Từ thương hiệu...
Những năm gần đây, các sở, ngành, địa phương của tỉnh luôn quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng, là tiền đề để các địa phương trong tỉnh xây dựng, khẳng định chất lượng hàng hóa nông sản; đồng thời, là cơ hội để các DN phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực tế chứng minh, từ khi xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, DN trên địa bàn tỉnh đã mở rộng phát triển trên thị trường trong khu vực, trong nước; nhiều sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (huyện Tiểu Cần) cho biết: Công ty được thành lập vào tháng 07/2019, đến nay, thương hiệu Hoa mật dừa Sokfarm đã được DN xây dựng thương hiệu cấp quốc gia và có mặt trên 20 nước. Để tạo đà cho phát triển thị trường nước ngoài, Sokfarm đã hoàn thành các chứng nhận HACCP, ISO22000, FDA, 5S và sẽ kiểm nghiệm lâm sàng chỉ số GI để đi vào các nhà thuốc bán cho bệnh nhân tiểu đường type 2.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu trong nông nghiệp hiện trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh: năng lực phần lớn tổ chức tập thể (Liên hiệp các HTX và HTX), các DN là chủ sở hữu nhãn hiệu chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn trong quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể (kiến thức pháp luật, thị trường-maketing, kỹ năng kiểm soát nội bộ, ban hành văn bản phục vụ quản lý nội bộ...). Ở địa phương, thiếu khảo sát, xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Việc này dẫn đến lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp thực tiễn và nhu cầu thị trường. Việc bảo hộ sản phẩm không phải là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng/giá trị gia tăng thấp.
Bên cạnh đó, lựa chọn sai hình thức bảo hộ; quy mô sản xuất nhỏ; chỉ tập trung chính vào khâu đăng ký. Sau bảo hộ, sản phẩm gặp khó khăn trong quảng bá và tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn và nâng cao giá trị. Nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất của các chủ sở hữu nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm nói chung chưa đáp ứng được mục tiêu đầu tư cơ bản lâu dài, để tạo lập uy tính, hình ảnh, kỳ vọng của thị trường (giá trị thương hiệu).
Trà Vinh có 55 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp được công nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, có 104 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: “Dừa sáp Trà Vinh” cho vùng Cầu Kè, Châu Thành; nhãn hiệu chứng nhận “Lúa, gạo hữu cơ Châu Thành”, “Tôm Trà Vinh”, “Quýt đường Bình phú”, “Gạo Trà Cú”, “Dừa hữu cơ Tân Hòa”, “Gạo hữu cơ Rạch Lọp” chứng nhận MSC “nghêu”… |
...đến tiến tới hội nhập và nâng cao chuỗi giá trị
Thực trạng hiện nay là việc xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh mới dừng ở mức khuyến khích. Nhiều địa phương và DN, HTX/THT chưa thật sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản trong giai đoạn hội nhập. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, thiếu đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng như nội tại của từng chủ thể tham gia đã làm ảnh hưởng đến xây dựng, phát triển thương hiệu Việt.
Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX nông nghiệp Châu Hưng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành khẳng định: việc xây dựng thương hiệu sẽ tác động rất lớn vào giá trị sản phẩm của HTX; không chỉ giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm của mình, mà còn quảng bá sản phẩm về gia tăng giá trị tiềm năng (thương hiệu, tính phổ quát của sản phẩm...) khi gia nhập thị trường. Hiện HTX đã xây dựng và được công nhận thương hiệu gạo hữu cơ Hạt ngọc Châu Long.
Cũng theo ông Lê Văn Đông, để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nông sản trong nông nghiệp ở Trà Vinh cho đơn vị thụ hưởng (có thể là nông dân, DN, HTX,..), ngành nông nghiệp tỉnh đã chuẩn bị nền tảng thực hiện số hóa các cơ sở/DN/HTX/cá nhân có những sản phẩm nông sản đã xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; đăng ký bảo hộ, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, DN phải luôn nỗ lực đảm bảo các quy định về vùng trồng theo chỉ dẫn, ổn định chất lượng sản phẩm.
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp VNPT, Công ty Nam Long, NestPlus, Công ty Smart Life tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu nền tảng chuyển đổi số cho các tổ chức/cá nhân tiếp cận/chuyển đổi.
Tỉnh đã hỗ trợ 1,2 triệu tem truy xuất nguồn gốc cho 21 DN/CS/HTX và giới thiệu các chủ thể tham gia các sàn thương mại điện tử: Travinh.trade.com; Azuamua.com… Tạo “điểm nhấn” cho các nông sản địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh như dừa sáp, mật hoa dừa… tổ chức trưng bày, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm thông qua các cuộc triễn lãm, hội chợ, sự kiện; qua đó, nhằm đẩy mạnh hình ảnh, đưa sản phẩm đến với khách hàng tiềm năng.
Về giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, để sản phẩm nông sản Trà Vinh tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, trong định hướng mở rộng hàng hóa nông sản về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đã được tỉnh tập trung thực hiện, thông qua việc thành lập tổ công tác chỉ đạo phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh.
Trong đó, chú trọng một số mục tiêu quan trọng: xây dựng 70% sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP, công nghiệp nông thôn được tiếp nhận, hỗ trợ đăng ký xây dựng nhãn hiệu; có ít nhất 02 nhãn hiệu chứng nhận, 01 nhãn hiệu tập thể được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); có ít nhất 10 nhãn hiệu độc quyền và tập thể được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu (trong đó có 01 nhãn hiệu được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quốc tế theo Thỏa ước Madrid). Có ít nhất 01 DN/HTX được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được đăng ký.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Ngày 13/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công điện số 03/CĐ-BTC gửi các cơ quan, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính đề nghị đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3 (Yagi).