08/11/2021 06:30
Từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy, UBND xã Hàm Giang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhằm làm chuyển biến toàn diện vùng đồng bào Khmer, nhất là tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao giá trị sử dụng đất trên cùng diện tích. Sau thời gian thực hiện, mô hình trồng màu của nông dân Khmer 02 ấp Nhuệ Tứ A và Nhuệ Tứ B đã phát huy hiệu quả, góp phần làm chuyển biến đời sống kinh tế hộ của người dân nơi đây. Ông Thạch Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Giang cho biết.
Ông Thạch Giang (trái), Bí thư Chi bộ ấp Nhuệ Tứ B cùng nông dân trong ấp, kiểm tra khả năng phát triển của bắp Mỹ trên cánh đồng Nhuệ Tứ B.
Qua tìm hiểu, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 02 ấp Nhuệ Tứ A và Nhuệ Tứ B phần lớp là đất cát pha, nên có thế mạnh về trồng các loại màu. Tuy nhiên, trước năm 2018, nông dân nơi đây gặp khó khăn về nguồn nước ngọt và điện nhằm phục vụ tưới tiêu cho trồng màu. Đến đầu năm 2019, hệ thống thủy lợi được thực hiện hoàn thiện; đầu năm 2020, công trình hạ thế điện và đường dây phục vụ trồng màu ở Nhuệ Tứ B tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng, có năng lực tưới tiêu cho hơn 100ha màu của nông dân. Ngay sau khi có điện, nông dân ấp Nhuệ Tứ B, kéo điện về ruộng màu chủ yếu là trồng bắp Mỹ; hiện nay nông dân Nhuệ Tứ B luân phiên các loại màu, bình quân từ 70-90ha màu các loại/vụ; nâng tổng diện tích màu của 02 ấp thường xuyên từ 130-140ha/vụ.
Nói về hiệu quả và những thuận lợi của hệ thống giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất màu, ông Đông Minh Hoàng, Trưởng Ban Nhân dân ấp Nhuệ Tứ B phấn khởi: từ năm 2020 đến nay, nông dân Nhuệ Tứ B phần lớn ai cũng trúng bắp. Hiện giá bắp Mỹ gần 10.000 đồng/kg, nên diện tích phát triển nhanh và được nông dân “gắn” với bắp là nhờ có doanh nghiệp đầu tư trước giống, phân bón, thuốc, chuyển giao kỹ thuật, khi thu hoạch, doanh nghiệp thu mua bắp trái và trừ lại khoản đầu tư với nông dân.
Nhờ kết cấu hạ tầng và các điều kiện về sản xuất được đáp ứng, nên hiện 02 ấp Nhuệ Tứ A và Nhuệ Tứ B đang phát triển mạnh cây màu, có thể đạt gần 180ha màu/vụ. Đặc biệt, trong đó có cây bắp Mỹ, đang được nông dân chọn là một trong những cây màu chủ lực, vì diện tích đất của 02 ấp nông dân trồng bắp Mỹ cho năng suất từ 14-15 tấn/ha/vụ. Với giá bao tiêu như hiện nay (8.000 đồng/kg), nông dân có lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha/vụ.
Theo ông Thạch Ngọc Thạch, từ khi diện tích màu của 02 ấp này phát huy hiệu quả, Hàm Giang tiếp tục đầu tư mạnh cho thủy lợi, hiện xã có 100% diện tích (1.458ha) đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo tưới tiêu, rải đều ở 07/07 ấp có hệ thống thủy lợi kênh nội đồng chằng chịch, điều tiết nước đảm bảo chủ động ứng phó với triều cường, xâm nhập mặn.
Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Hàm Giang thực hiện nạo vét 06 kênh cấp III, dài 4,657km, nâng đến nay, toàn xã có 36 tuyến kênh, dài 35,6km. Trong đó, kênh cấp II có 05 tuyến, dài 12km; kênh cấp III do xã quản lý có 31 tuyến, dài 23,6km; có 25 cống kênh cấp III điều tiết nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Sau khi hệ thống thủy lợi hoàn thiện, gắn với hệ thống điện cũng từng bước được hoàn chỉnh, trên địa bàn xã có 2.298/2.331 hộ sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất, chiếm 98,5%.
Để phục vụ đi lại, vận chuyển nông sản, từng bước hoàn thiện các tiêu chí XDNTM, Hàm Giang được đầu tư từ các cấp, các ngành về giao thông. Hiện đường trục xã, liên xã được nhựa hóa 13,51/13,51km, đạt 100%; hệ thống đường nhựa đi các ấp đã hoàn thiện, đã được cứng hóa 13,9/17,8km, đạt 78,09%; đường đal được cứng hóa 7,92/9,92km, đạt 79,84%...
Nhằm tạo điều kiện phát triển nông nghiệp nói chung, cây màu nói riêng theo hướng hiệu quả, bền vững, Hàm Giang đã tập trung củng cố các loại hình kinh tế tập thể. Hiện toàn xã có 34 tổ kinh tế hợp tác, 889 thành viên. Trong đó, 06 tổ hợp tác trồng màu, có 133 thành viên; 22 tổ kinh tế hợp tác làng nghề đóng giường tre, có 642 thành viên; 03 tổ nuôi bò sinh sản, 42 thành viên; 04 tổ trồng lúa, 72 thành viên, các tổ đều hoạt động sản xuất có hiệu quả. Đặc biệt, Hàm Giang có 03 hợp tác xã nông nghiệp, với 152 thành viên…
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo hướng đi phù hợp cùng với các mô hình luân canh cây màu hiệu quả, nhiều hộ nông dân Khmer ở 02 ấp Nhuệ Tứ A và Nhuệ Tứ B đạt mức thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm… Từ hộ nghèo, nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; đồng bào dân tộc Khmer Hàm Giang nói chung, 02 ấp Nhuệ Tứ A và Nhuệ Tứ B nói riêng đang phát huy những thành quả đạt được, vượt qua khó khăn chung, chung tay XDNTM.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.