12/08/2022 06:57
Mô hình trồng màu trong nhà lưới với hệ thống tưới phun tại xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang.
Với các hình thức sản xuất từng bước theo hướng công nghệ 4.0 đã mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất, chủ động trong ứng phó các rủi ro do ảnh hưởng môi trường, thời tiết nhất là ở lĩnh vực nuôi tôm thâm canh mật độ cao; trồng màu trong nhà lưới và màng phủ… hạn chế các thất thoát sau thu hoạch ở lĩnh vực trồng trọt (cây lúa).
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có trên 23.709ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840ha; ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 12,71ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ hơn 7.813ha (dừa hữu cơ trên 4.000ha, lúa hướng hữu cơ 2.821ha, rau an toàn 142ha, cây ăn trái 407ha) và nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh 11.043ha. Đặc biệt, trong sản xuất cây lúa, hiện có trên 98% diện tích được ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch...
Ông Lê Văn Phi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: cuối năm 2020, nguồn vốn đầu tư cho nông dân để thực hiện cơ giới hóa (mua nông cụ) trong sản xuất nông nghiệp không còn hỗ trợ lãi suất. Thay vào đó, nông dân sẽ thực hiện vay vốn thế chấp qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay các tổ chức tín dụng. Hiện trong sản xuất theo hướng công nghệ cao, các hộ được đầu tư nguồn vốn theo Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh “về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, nay thay thế bằng Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025. Về hệ thống tưới nhỏ giọt và nhà lưới trong trồng màu công nghệ cao, huyện đã đầu tư được khoảng 30ha trồng màu sử dụng nhà lưới và 05 nhà màng khép kín (1.000m2/nhà), nguồn vốn hỗ trợ từ 50 - 100 triệu đồng/điểm mô hình.
Riêng lĩnh vực cây đậu phộng, hiện đang gặp khó về cơ giới hóa, do các thiết bị máy móc và phương tiện cho cây đậu phộng không phù hợp với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, nên ít có hộ đầu tư trang bị máy gieo hạt, thu hoạch, tách hạt… chủ yếu còn ở dạng thủ công.
Thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, từ năm 2021 đến tháng 7/2022, khách hàng vay vốn mua thiết bị máy nông nghiệp chỉ có 01 hợp đồng, với tổng vốn vay 570 triệu đồng để mua 01 máy gặt đập liên hợp. Riêng năm 2020, có 12 hợp đồng vay vốn của khách hàng đầu tư vay mua 06 máy cày và 06 máy gặt đập liên hợp, tổng giá trị vay 5,56 tỷ đồng và có hỗ trợ lãi suất. Về đầu tư vay trong nuôi tôm thâm canh mật độ cao, đa số khách hàng vay theo hình thức thế chấp.
Nông dân Nguyễn Minh Toàn ngụ ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang với mô hình nuôi tôm theo hướng thâm canh mật độ cao hơn 04 năm nay, cho biết: chi phí đầu tư cho mô hình nuôi này rất lớn, thường từ 350 - 400 triệu đồng/1.000m2; nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi ở loại hình này chưa có và định mức cho vay cũng rất khó xác định. Đôi khi có hộ đầu tư gần 500 triệu đồng, vì vậy phần lớn việc ứng dụng các công nghệ trong nuôi tôm thâm canh mật độ cao, cùng với chi phí làm ao hồ… đều vay thế chấp và cộng với nguồn vốn của gia đình. Hiện nay, gia đình đang nuôi 02 ao tôm thẻ theo hướng thâm canh mật độ cao (500m2/ao).
Nông dân Nguyễn Văn Bường, ấp Cồn Ông, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải phấn khởi cho biết: gia đình có khoảng 0,3ha chuyên trồng màu (hành lá) và kết hợp nuôi dê sinh sản (khoảng 25 con). Do điều kiện vào mùa mưa, trồng màu rất khó khăn; được tư vấn của cán bộ kỹ thuật Phòng Kinh tế thị xã hỗ trợ đầu tư cho gia đình chuyển sang mô hình trồng màu trong nhà lưới và được hưởng chính sách Nhà nước hỗ trợ (50 triệu đồng/nhà lưới), phần còn lại sẽ do gia đình đối ứng. Đây là chính sách hỗ trợ nông nghiệp có tác động tích cực cho nông dân, đặc biệt là người trồng màu trên đất giồng cát, triền giồng…
Ông Huỳnh Văn Màu, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải cho biết: để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật cũng như quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất; thông qua các chính sách của Nhà nước, địa phương luôn tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận đầy đủ và thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật cùng nông dân tham gia thực hiện. Trong năm 2021, thị xã đã đầu tư 02 mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, 01 nhà màng và 04 nhà lưới trong trồng màu theo hướng thâm canh; 06 tháng đầu năm 2022 tiếp tục triển khai Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về hỗ trợ trong nông nghiệp để xây dựng 03 nhà lưới và 05 VietGAP, GlobalGAP.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát huy vai trò phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hoạt động Hội huy động sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân cùng chung tay BVMT góp phần XDNTM nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.