13/06/2024 16:01
Bài 2: Nông thôn mới, đời sống người dân đổi mới
Đường nông thôn ấp Công Thiện Hùng xây dựng hoàn thiện nối liền đến vườn dừa của gia đình ông Phạm Văn Rực (bên trái).
XDNTM đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Điển hình như xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, giao thông thoáng sáng - xanh - sạch - đẹp, đời sống tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, trong thực hiện tiêu chí NTM kiểu mẫu về giáo dục, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên, cơ sở vật chất phục vụ cho ngành được tăng cường đầu tư. Đến nay, xã có 03/03 trường học thực hiện giáo dục ý thức giữ gìn môi trường thông qua các buổi sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt lớp… Đồng thời, thực hiện các mô hình trong trường học như “giáo dục môi trường và phân loại rác thải nhựa”.
Từ những hoạt động đó, ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường sinh hoạt, môi trường sống ở cộng đồng của học sinh ngày càng được nâng cao, các em trở thành những tuyên truyền viên và thành viên tích cực trong bảo vệ môi trường. Thời gian tới để duy trì, giữ vững kết quả mô hình, xã tiếp tục phối hợp đề xuất UBND huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng khu xử lý rác hữu cơ trong trường học; cộng đồng học tập cấp xã hàng năm phấn đấu xếp loại tốt.
Bên cạnh đó, để nâng cao tiêu chí thu nhập trong XDNTM kiểu mẫu, Mỹ Long Bắc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao gia tăng và phát triển bền vững. Vận động, khuyến khích người dân, nhất là cán bộ, đảng viên làm nòng cốt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, xã đã thực hiện đề án tái cơ cấu trên 350ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại cây màu cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: dưa hấu, bí đỏ, ớt chỉ thiên và rau màu các loại, góp phần nâng tổng giá trị kinh tế toàn ngành năm 2023 đạt 283,78 tỷ đồng.
Đặc biệt, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: liên kết và tiêu thụ sản phẩm bí đỏ; kỹ thuật trồng ớt chỉ thiên sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới nước tiết kiệm; nuôi gà gia công ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 75,5 triệu đồng/người/năm.
Nông dân Nguyễn Duy Khương, ấp Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc cho biết: trước đây, giao thông đi lại khó khăn, trồng màu đến ngày thu hoạch rất vất vả. Khi thực hiện XDNTM, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nhất là đường trục chính nội đồng được xây dựng kết nối từ trung tâm xã đến khu vực sản xuất của người dân. Từ đó, việc trồng trọt, trao đổi hàng hóa với thương lái dễ dàng hơn trước, nên ông đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ớt chỉ thiên mang lại hiệu quả cao gấp 03 - 04 lần so với cây lúa, đời sống kinh tế ngày càng thoải mái hơn.
Xác định liên kết chuỗi cho sản phẩm chủ lực gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân trên địa bàn. Hiện trên địa bàn xã đang thực hiện mô hình hình kỹ thuật trồng ớt sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới nước tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm với quy mô sản xuất 01ha tại ấp Nhứt A, do trung Tâm Khuyến Nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật và liên kết thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cấp Giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng số 139/GXN-SNN, ngày 07/11/2023 cho 36 hộ dân trồng ớt chỉ thiên trên địa bàn ấp Nhứt A, với 14,4ha.
Hiện nay, xã đã thành lập được 02 hợp tác xã nông nghiệp, có 115 thành viên, vốn điều lệ của mỗi hợp tác xã 300 triệu đồng. Có 11 tổ hợp tác trồng màu và nuôi thủy sản, với 459 thành viên. Hiện hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn xã có sử dụng nền tảng số trong quản lý điều hành. Có hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ Viettel-CA về chứng thực chữ ký số và hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.
Đến với xã Long Đức, thành phố Trà Vinh là 01 trong 07 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nhờ tập trung dồn sức của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, diện mạo xã Long Đức ngày càng đổi mới.
Một trong những điểm nổi bật trong XDNTM của xã Long Đức là kết cấu hạ tầng thay đổi rõ nét, giao thông nông thôn, kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ. Ông Phạm Văn Rực, ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức là một trong những hộ dân vừa tham gia hiến đất làm đường nông thôn liên ấp, vừa hăng hái chỉnh trang nhà cửa, trồng cây xanh làm hàng rào trước nhà tạo vẻ đẹp đường làng.
Ông Rực cho biết: từ khi phát động phong trào XDNTM, ông dành nhiều thời gian để chỉnh trang nhà cửa, cải tạo khuôn viên trước sân trồng hoa kiểng không chỉ làm đẹp sân nhà, mà còn tạo cảnh quan môi trường đường nông thôn của ấp sáng - xanh - sạch - đẹp. Giờ đây, đường giao thông của ấp nối liền đến vườn dừa của gia đình ông, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Với 01ha dừa hàng tháng cho thu nhập từ 04 - 05 triệu đồng.
Theo đồng chí Tạ Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Đức: XDNTM là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” tại khu vực nông thôn. Vì thế, xã triển khai có hiệu quả các công trình xây dựng cơ bản; thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác dân vận chính quyền, nhằm thúc đẩy phát triển nâng cao toàn diện về kinh tế - xã hội của xã trong thời gian tới.
Nhờ thành quả của các xã NTM đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân là động lực tiếp sức cho Trà Vinh phấn đấu hoàn thành tỉnh NTM trước 2025.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng lúa gần 82.500ha, chiếm trên 58% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Địa phương xác định đây là cây trồng chủ lực; không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cây lúa ở Trà Vinh còn tạo sinh kế, mang lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 60% người dân nông thôn.