26/01/2022 15:24
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường (phải) cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh thị sát tiến độ thi công Khu tham quan du lịch nghỉ dưỡng Ba Động của Công ty Cổ phần Đầu tư Kiên Giang SG.
Phát triển kinh tế biển hướng tới trọng điểm vùng
Trà Vinh có diện tích tự nhiên 2.358km², dân số trên 01 triệu người, với 65km bờ biển, được bao bọc bởi 02 nhánh Sông Tiền và Sông Hậu, với 02 cửa sông Cung Hầu và Định An là 2 cửa sông quan trọng của vùng ĐBSCL. Nhờ lợi thế về địa lý, Trà Vinh còn là cửa ngõ thông quan của khu vực ĐBSCL với hệ thống cảng sông, cảng biển và Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu. Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, định hướng đến năm 2030, thì hệ thống cảng biển Trà Vinh là cảng tổng hợp địa phương loại II, bao gồm: Bến cảng Trà Cú (tiếp nhận tàu 10.000 - 20.000 tấn giảm tải), Bến cảng Định An (tiếp nhận tàu từ 30.000 - 50.000 tấn), Bến cảng Duyên Hải và Bến cảng đầu mối tiếp nhận than cho các nhà máy nhiệt điện (cảng ngoài khơi). Trong đó, Cảng Định An là bến cảng tổng hợp, container cho tàu trọng tải từ 30.000 - 50.000 tấn; lâu dài sẽ phát triển thành bến chính của cảng với vai trò xuất nhập khẩu hàng hóa cho toàn vùng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) với nhiệm vụ: Tập trung huy động các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, tận dụng lợi thế để Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL, cùng với lợi thế Trà Vinh là một trong 08 khu kinh tế ven biển của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên đầu tư, tổng diện tích 39.020ha, do vậy, Trà Vinh có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Với 65km bờ biển, Trà Vinh có thế mạnh phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch điện VII, tổng công suất 666MW. Tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 08 dự án điện gió, tổng công suất 570MW, tổng vốn đầu tư khoảng 27.336 tỷ đồng, cấp 01 dự án điện mặt trời với công suất 140MW, sản lượng điện trung bình 250 triệu kWh/năm, một số nhà máy điện gió đã vận hành thương mại.
Tỉnh Trà Vinh đang nỗ lực mời gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư phát triển ổn định lâu dài, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL.
Trà Vinh - Tiềm năng phát triển du lịch biển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định du lịch biển là một trong những nội dung trọng tâm của vùng phát triển kinh tế biển. Theo đó, ngành du lịch Trà Vinh có nhiều điều kiện khai thác và phát triển như: Biển Ba Động, ao Bà Om, Thiền viện Trúc Lâm… Bãi biển Ba Động có chiều dài hơn 10km, từ vàm Láng Nước đến vàm Khâu Lầu, với những đụn cát, hàng phi lao và bãi cát. Từ năm 2000, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải đã được quy hoạch, quy mô 368,8ha, bao gồm các hạng mục mời gọi đầu tư: du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng; các loại hình sinh hoạt giải trí trên biển; du lịch cắm trại dã ngoại… đã hình thành Khu du lịch biển Ba Động, hiện nay Công ty Cổ phần Đầu tư Kiên Giang SG đang đầu tư xây dựng Khu tham quan du lịch nghỉ dưỡng Ba Động, với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng, diện tích 2,76ha.
Bên cạnh đó, thị xã Duyên Hải còn có các địa điểm có thể khai thác du lịch như Thiền viện Trúc Lâm, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu. Song song đó, gắn liền với các điểm đến về du lịch biển còn có Lễ hội Nghinh Ông (cúng biển) diễn ra vào các ngày 10, 11, 12/5 âm lịch hàng năm tại làng biển Mỹ Long (thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang). Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng tầm tổ chức quy mô cấp tỉnh. Từ năm 2013, Lễ hội Cúng biển Mỹ Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về thủy, hải sản
Ông Kim Ngọc Thái (trái), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thị sát các dãy phòng dành cho nghỉ dưỡng Khu tham quan du lịch Ba Động của Công ty Cổ phần Đầu tư Kiên Giang SG.
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng lĩnh vực nuôi, đánh bắt thủy sản của tỉnh vẫn đạt và vượt chỉ tiêu: diện tích nuôi thủy sản đạt 57.600ha, đạt 100% so với nghị quyết; tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi hơn 700ha từ hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh mật độ cao; duy trì gần 6.000ha nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.600ha lúa - thủy sản; tổng sản lượng thủy, hải sản năm 2021 ước đạt 237.100 tấn, đạt 103,56% so với kế hoạch (237.580 tấn), góp phần tạo giá trị thủy sản năm 2021 đạt 10.988 tỷ đồng, đạt 100,35% so với kế hoạch (10.799 tỷ đồng).
Để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh đã tập trung các nguồn lực, chủ động tiếp thu công nghệ mới, mời gọi doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản; khai thác hiệu quả diện tích đất nuôi trồng thủy sản theo hướng giữ vững diện tích nuôi hiện có, tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Năm 2021, toàn tỉnh đã thả nuôi trên 57.600ha, thủy sản các loại, tuy giảm diện tích, nhưng sản lượng không giảm. Trong đó, các đối tượng nuôi chủ lực đều tăng khá. Đó là kết quả của ngành nông nghiệp hoạch định chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản với mục tiêu đưa lĩnh vực nuôi tôm nước mặn và lợ thành ngành sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm.
Nhằm tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển năng lượng tái tạo để phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh trình Bộ Công thương danh mục các dự án điện gió, điện mặt trời kiến nghị đưa vào Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận với đề nghị bổ sung Quy hoạch điện VIII: quy hoạch điện gió công suất 33.787MW; điện mặt trời công suất 7.587MW; điện sinh khối công suất 110MW; điện rác công suất 21,13MW; điện khí công suất 5.000MW. |
Bên cạnh, mặc dù khó khăn, nhưng tỉnh đã tập trung phát triển nghề khai thác thủy sản theo hướng hình thành các đội tàu có công suất lớn khai thác tại các ngư trường xa bờ. Hiện toàn tỉnh có 1.142 chiếc, tổng dung tích 17.026 tấn, tổng công suất 150.811CV, tàu có chiều dài 24m trở lên 12 chiếc; từ 15m đến dưới 24m là 253 chiếc, từ 12m đến dưới 15m là 311 chiếc, dưới 12m là 567 chiếc.
Để phát huy thế mạnh khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát huy tối đa năng lực đội tàu khai thác trong tỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí lại lực lượng, phương tiện khai thác giữa các vùng, các tuyến để nâng cao hiệu quả và năng suất; đẩy mạnh vận động ngư dân xây dựng hình thức tổ chức sản xuất thành lập tổ, đội hợp tác khai thác và liên kết dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.