29/12/2020 15:05
Công nhân may tại chi nhánh 2 - Công ty TNHH Quốc tế, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang.
Xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, Sở Công thương luôn quan tâm mời gọi đầu tư, khuyến khích phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để các nhà kinh doanh yên tâm đầu tư vào địa bàn. Đồng thời, tập trung phát triển những ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí..., đặc biệt là phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp năng lượng (điện gió, điện mặt trời…). Các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến 05 năm qua tiếp tục tăng trưởng, chiếm tỷ trọng khá, như tôm đông lạnh, gạo xay xát, may mặc, than hoạt tính, thuốc viên, sản xuất điện...; các ngành tiểu thủ công nghiệp được củng cố và phát triển; công tác khuyến công, hỗ trợ máy móc thiết bị ngày được đẩy mạnh.
Năm 2020, tỉnh phát triển mới 19 DN, giải quyết việc làm cho 986 lao động và giải thể 04 DN. Nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 352 DN, 08 hợp tác xã, 10.353 cơ sở và hộ cá thể, giải quyết việc làm cho 55.336 lao động, trong đó có khoảng 166 DN đang hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đã góp phần tăng tỷ trọng GDP của toàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Công thương tham mưu đề xuất lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn kịp thời cho 12 DN sản xuất công nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; thường nắm tình hình hoạt động của DN, chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương có DN đóng trên địa bàn hỗ trợ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho DN.
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước: Năm 2016 đạt 18.705,552 tỷ đồng, năm 2017 đạt 24.672,42 tỷ đồng, năm 2018 đạt 29.80424 tỷ đồng, năm 2019 đạt 35.134,91 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt 37.678,76 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 19,67% (Nghị quyết tăng 18,78%). |
Bên cạnh đó, một số dự án, công trình lớn được đầu tư đi vào hoạt động như: Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Dự án Điện mặt trời Trung Nam, Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện; các công trình đường dây 500kV, 220kV, 110kV đóng góp vận hành cung cấp điện ổn định các khu vực và của tỉnh; các dự án điện gió đang được thực hiện các bước về thủ tục đầu tư và triển khai thi công. Năm 2020, tỉnh phát triển 93,5km đường dây trung thế, 104,86km đường dây hạ thế, 303 trạm biến áp, công suất 21.153kVA, 10.312 hộ sử dụng điện. Nâng tổng số toàn tỉnh 2.786,76km đường dây trung thế, 5.311,77km đường dây hạ thế và 5.973 trạm biến thế (tổng dung lượng 485.150kVA), hộ sử dụng điện đạt 283.615/286.248 tổng số hộ dân. Nhiều dự án, công trình năng lượng, năng lượng tái tạo được đầu tư, góp phần vào hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của tỉnh.
Theo ông Lưu Văn Nhạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, để phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành công thương tập trung 07 nhiệm vụ và giải pháp:
(1) đẩy mạnh công tác tuyên truyền để DN nhận thức về các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương.
(2) Nghiên cứu đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư, ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, tăng cường tiếp cận DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn; quan tâm khuyến khích, hỗ trợ đầu tư sản xuất các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng vào các siêu thị, Trung tâm thương mại và xuất khẩu.
(3) Phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, qua đó mời gọi các nhà đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt đầu tư vào 04 cụm công nghiệp: Tân Ngại (huyện Châu Thành), Phú Cần (huyện Tiểu Cần), Sa Bình (thành phố Trà Vinh), Hiệp Mỹ Tây (huyện Cầu Ngang).
(4) Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các chương trình, đề án khuyến công trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ sản xuất mới, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Đẩy mạnh hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.
(5) Phối hợp với chủ đầu tư triển khai thi công và sớm vận hành thương mại 04 dự án điện gió được cấp giấy chứng nhận đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện 04 dự án điện gió được bổ sung và quy hoạch điện VII điều chỉnh, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ đề ra.
(6) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ rà soát xây dựng kế hoạch phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến như: lúa, thủy, hải sản, cây ăn trái… xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); GlobalGAP xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn nông sản, thủy sản tạo nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu.
(7) Tham mưu lãnh đạo tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN thực hiện các thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Hiện Trà Vinh có 393 sản phẩm OCOP, để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa hồ sơ và tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, tập trung mở rộng các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm từ cây dừa.