16/04/2022 20:05
Sâu đầu đen gây hại cây dừa.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại xã Bình Phú, hiện tại sâu đầu đen gây hại vườn dừa của 08 hộ với diện tích 4,5ha, trong đó tỷ lệ thiệt hại nặng (trên 40%) là 0,9ha, thiệt hại trung bình (từ 20 - 40%) là 0,2ha, thiệt hại nhẹ (từ 10 - 20%) là 3,4ha. 08 hộ trồng dừa bị sâu đầu đen gây hại đều tập trung ở xã Phú Phong.
Ông Bùi Văn Nghĩa, Trưởng Ban Nhân dân ấp Phú Phong cho biết: sau khi phát hiện trên địa bàn ấp xuất hiện sâu đầu đen gây hại cây dừa, Ban Nhân dân ấp báo cáo với UBND xã tình hình sâu gây hại trên địa bàn. Hiện tại, thông qua giới thiệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, địa phương đang hợp đồng với Công ty tư nhân Ánh, chuyên xịt thuốc dừa trị sâu đầu đen ở Bến Tre đến phun xịt trừ sâu hại cho các hộ dân.
Bà Lê Thị Dùm, cán bộ nông nghiệp xã Bình Phú cho biết: “xã Bình Phú phát hiện sâu đầu đen gây hại trên cây dừa vào ngày 11/4, nhằm hạn chế thiệt hại và có nguy cơ bùn phát dịch, ngày 13/4 Chủ tịch UBND xã Bình Phú ra thông báo về việc hướng dẫn tạm thời phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Hiện tại chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến của sâu đầu đen để có tham mưu kịp thời cho UBND xã trong công tác phòng trừ”.
Sâu đầu đen gây hại làm tàu lá dừa cháy khô ở ấp Phú Phong, xã Bình Phú.
Tại xã Huyền Hội, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: hiện tại xã Huyền Hội có 08 hộ bị thiệt hại với diện tích khoảng 1,12ha tập trung ở ấp Lưu Tư và Bình Hội. Để hướng dẫn nông dân trồng dừa phòng trị sâu bệnh, được sự giới thiệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, từ ngày 14/4 đến nay, UBND xã Huyền Hội kết nối với Công ty tư nhân Ánh, chuyên xịt thuốc dừa trị sâu đầu đen ở Bến Tre đến để phun xịt cho người dân. Hiện tại, vùng bị sâu hại nhiều đã được phun xịt, UBND xã đang tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân phun xịt trên diện rộng để bảo vệ những vườn dừa chưa bị gây hại.
Đến nhà ông Kim Thân, ngụ ấp Lưu Tư, thì mới thấy sự thiệt hại do sâu đầu đen gây ra trước đó. Ông Kim Thân cho biết: gia đình tôi có 33 gốc dừa đang cho trái, mấy tuần qua sâu đầu đen hoành hành nhưng gia đình không phát hiện, đến khi phát hiện ra thì không còn cứu được nữa, sâu đầu đen làm hư trái, hư lá cây dừa nên hiện tại tôi đã đốn hết 26 gốc, 07 gốc còn lại qua Chôl Thnam Thmây tôi cũng đốn luôn. Bây giờ khổ nỗi, khi đốn xuống, thân cây dừa bán được 100.000 đồng/cây, còn tàu lá dừa và trái dừa bán không ai mua, cho cũng không ai lấy. Vườn dừa của tôi tuy không nhiều nhưng mỗi tháng cho gia đình thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng, giờ đốn gần hết rồi nên từ nay tôi cũng mất luôn nguồn thu nhập này, thiệt hại về kinh tế thấy rõ!”.
Ông Kim Thân bên gốc cây dừa vừa đốn cách đây vài ngày.
Ông Kim Thân cho biết, dừa bị sâu gây hại, trái dừa, lá dừa bán không ai mua, cho cũng không ai lấy.
Cùng với việc phun xịt trong vùng bị sâu gây hại, UBND xã Huyền Hội vận động nông dân trồng dừa phun xịt thuốc trên diện rộng tránh để lây lan. Ông Đỗ Văn Khiếm, ngụ ấp Bình Hội cho biết, gia đình ông có 05 công dừa với khoảng 160 gốc. Để bảo vệ vườn dừa của gia đình, thông qua UBND xã Huyền Hội và sự giới thiệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, ông Khiếm cũng phun xịt thuốc phòng sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa của mình. Theo ông Khiếm, công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng trị sâu đầu đen gây hại trên cây dừa (tổ chức các lớp tập huấn) để nông dân nắm và có biện pháp phòng trị sớm (phun xịt thuốc) để bảo vệ, cứu lấy cây dừa là điều cần thiết và cấp bách hiện nay, tránh để lây lan trên diện rộng.
Ông Đỗ Văn Khiếm (giữa) và ông Phan Long Giang, viên chức kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh (trái) trao đổi về các loại thuốc phòng trừ sâu đầu đen.
Phun xịt cho khoảng 160 gốc dừa của gia đình ông Đỗ Văn Khiếm ngày 15/4.
Còn tại xã Đại Phước - địa phương đầu tiên xuất hiện sâu đầu đen gây hại cây dừa trên địa bàn huyện Càng Long, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Ngon, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phước cho biết: tháng 01/2022, nắm được tình hình có sâu đầu đen xuất hiện gây hại cây dừa trên địa bàn xã, UBND xã ra thông báo về việc hướng dẫn tạm thời phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.
Sau khi ban hành thông báo, chúng tôi chỉ đạo phát trên Đài Truyền thanh xã, đồng thời gửi văn bản đến Trưởng Ban Nhân dân 08/08 ấp trong xã để thông tin, tuyên truyền cho người dân nắm về triệu chứng của sâu đầu đen hại dừa và giải pháp phòng, trị. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh tổ chức 04 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trị sâu đầu đen hại dừa cho khoảng 200 hộ dân trên địa bàn 08 ấp; đồng thời thực hiện phun xịt định kỳ 02 - 03 lần cách nhau 07 - 10 ngày đối với những hộ dân bị sâu gây hại trên vườn dừa.
Xã Đại Phước có 06 hộ bị thiệt hại, trong đó có 02 hộ ở ấp Nhị Hòa và 04 hộ ở ấp Thượng với tổng diện tích khoảng 1,1ha, thời gian qua nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tích cực phòng trị, đến nay mức độ phục hồi đối với vườn dừa của 02 hộ ở ấp Nhị Hòa đạt khoảng 80%, đối với 04 hộ ở ấp Thượng đạt từ 50 - 60%, tình hình bước đầu thấy khả quan.
Ông Trần Văn Vọng, nông dân trồng dừa ấp Nhị Hòa cho biết: gia đình tôi là 01 trong 02 hộ ở ấp Nhị Hòa bị sâu đầu đen gây hại trên cây dừa đầu tiên của xã Đại Phước, diện tích sâu gây hại chiếm khoảng 1/3 diện tích vườn dừa 4,5 công của gia đình. Nhờ phát hiện kịp thời và tích cực phòng trị nên chúng tôi ngăn chặn được sự lây lan. Lúc đầu gia đình cũng hoang mang không biết cách phòng trừ thế nào, sử dụng thuốc gì, nhờ sự quan tâm sâu sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, ngành chuyên môn của huyện, của xã đã tận tình hướng dẫn, hỗ trợ hết mình nên vườn dừa của tôi đến nay hồi phục tốt, khoảng 80%. Gia đình tôi hiện tại tuy đã khống chế được sâu hại nhưng cũng không chủ quan, lơ là mà luôn theo dõi sát, kỹ vườn dừa của mình.
Ông Trần Văn Vọng (phải) trao đổi với ông Dương Bình Đông, Trưởng Ban Nhân dân ấp Nhị Hòa về khả năng phục hồi của cây dừa sau khi bị sâu đầu đen gây hại.
Để tăng cường công tác phòng trị sâu đầu đen trên địa bàn, xã Đại Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn giúp Nhân dân phòng trị sâu hại.
Sáng ngày 16/4, UBND xã Đại Phước phối hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) tập huấn về phương pháp phòng trị sâu đầu đen gây hại dừa cho người dân xã Đại Phước.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Á, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long cho biết: để có biện pháp phòng trị hiệu quả góp phần làm giảm thiệt hại vườn dừa do sâu đầu đen gây ra, ngày 13/4/2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long ban hành Thông báo số 05/TB-NN về việc tăng cường kiểm tra, sớm phát hiện sâu đầu đen hại dừa. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long đề nghị UBND các xã, thị trấn tăng cường thông báo rộng rãi đến nông dân trồng dừa thường xuyên kiểm tra vườn, nếu phát hiện có sâu đầu đen thì liên hệ UBND xã để có hướng dẫn phòng trị.
Tiếp theo đó, ngày 14/4/2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long có Công văn số 20/NN về việc chủ động phòng, trừ sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện gửi Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao huyện, UBND các xã, thị trấn. Trong Công văn này, một lần nữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long đề nghị UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo tuyên truyền đến người dân về tác hại của sâu đầu đen hại dừa; đồng thời yêu cầu người dân thường xuyên theo dõi diễn biến của sâu hại, khi phát hiện sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa thì báo ngay cho chính quyền địa phương nắm, trên cơ sở đó, UBND các xã, thị trấn tổng hợp báo cáo về cơ quan chuyên môn của huyện để phối hợp hướng dẫn phòng trị kịp thời.
Theo Hướng dẫn số 96/HD-SNN, ngày 24/5/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn tạm thời phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, đặc điểm gây hại của sâu đầu đen là, sâu đầu đen gây hại làm tàu dừa cháy khô từ các tàu lá già bên dưới, dần lên các lá bên trên và các tàu lá non trên ngọn, sâu non còn tấn công cả vỏ trái. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, thải phân và nhả tơ kết thành tổ giống như tổ mối để trú ẩn, khi bị động chúng nấp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất.
Sâu đầu đen tấn công các tàu lá già bên dưới, dần lên các lá bên trên và các tàu lá non trên ngọn và cả vỏ trái.
Một số biện pháp phòng trị ban đầu người dân có thể áp dụng: khi phát hiện vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại thì tiến hành chặt các tàu lá dừa có sâu đầu đen đem đi tiêu hủy tập trung để tiêu diệt sâu.
Biện pháp sinh học: sử dụng nguồn thiên địch như ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kìm…; sử dụng một số thuốc trừ sâu sinh học như nấm xanh (Metarhizium sp), nấm trắng (Beauveria sp) phun ướt đều mặt lá dưới, có thể phun nhiều lần cách nhau 05 - 07 ngày.
Biện pháp hóa học:
Đối với vườn dừa trồng cây ăn trái kết hợp nuôi cá, tôm, sử dụng thuốc chứa hóa chất ít ảnh hưởng đến môi trường như: Radiant 60SC liều lượng 25 ml/bình 25 lít nước, Takumi 20 WG liều lượng 08gram/bình 25 lít nước.
Đối với vườn dừa trồng chuyên, sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu chứa hoạt chất: Emamectin benzoate (Angun 5 WG liều lượng 16gram/bình 25 lít nước, Proclaim 5 WG liều lượng 10ml/bình 25 lít nước, Map Winner 5 WG...) hoặc hoạt chất Lufenuron (Macth 050 EC liều lượng 20ml/bình 25 lít nước) hoặc hoạt chất Spirotetramate (Movento 150 OD liều lượng 15ml/bình 25 lít nước).
Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân phun bình 25 lít nước cho cây dừa, phun ướt đẫm cả 02 mặt lá, phun 02 lần cách nhau 07 - 10 ngày, nên luân phiên các hoạt chất thuốc; không sử dụng nguồn nước có độ mặn để pha thuốc và không phun ngừa thuốc hóa học khi chưa phát hiện triệu chứng gây hại của sâu đầu đen.
KIM LOAN (thực hiện)
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.