28/11/2022 05:09
Sản xuất, kinh doanh phục hồi, đáp ứng người tiêu dùng
Năm 2022, Trà Vinh thực hiện tốt các chương trình bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhất là trong những dịp tiêu dùng cao điểm như lễ, tết, năm học mới; triển khai nghiêm túc các chính sách, chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá xăng, dầu, giá gas, một số mặt hàng thiết yếu phải điều chỉnh tăng theo; nên cũng làm ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, nhất là vào tháng 10/2022.
Trong hơn 10 tháng năm 2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; các ngành xuất khẩu chủ lực (túi xách, da giày...) của các doanh nghiệp (DN) trong Khu Công nghiệp Long Đức phục hồi khá; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng.
Song song đó, các hoạt động dịch vụ, giao thương, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí... phục hồi nhanh, bền vững. Triển khai Chương trình bình ổn giá trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ các DN, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hưởng ứng Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022; Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2022; Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam…
Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản: tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh năm 2022 (quy mô 270 gian hàng của 120 đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh tham gia); Hội chợ Xúc tiến Thương mại và Công nghiệp nông thôn gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2022; 02 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; 01 phiên chợ Tết Quân Dân tại xã Long Đức; thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm như: hỗ trợ 120 cơ sở, DN tham gia Hội chợ tại tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX tại thành phố Cần Thơ.
Trong đó, 09 DN tham gia trực tiếp và 68 cơ sở, DN gửi sản phẩm tham gia với hơn 97 loại sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản của tỉnh; hỗ trợ 24 đơn vị tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên các Sàn thương mại điện tử.
Các sở, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình giá thị trường, lượng hàng hóa dự trữ tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đảm bảo không để thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu, ngoại trừ mặt hàng xăng dầu, nguồn cung hạn chế và giá tăng/giảm theo điều tiết, các loại hàng hóa còn lại dồi dào, đa dạng; sức mua trong dân tăng mạnh so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 48.129 tỷ đồng, đạt 130,95% kế hoạch, tăng 53,15% so với cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 44,38%, lưu trú, ăn uống tăng 80,13%, du lịch tăng 29,82% và dịch vụ khác tăng 72,78%.
Người tiêu dùng giao dịch tại cửa hàng tiện ích trên đường Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh.
Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn
Ngày 25/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ký Kế hoạch số 72/KH-UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam năm 2023” (ngày 15/3 hàng năm) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của NTD Việt Nam bắt đầu từ ngày 15/11/2022 đến hết tháng 5/2023, với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”; trong đó, tập trung tổ chức trong tháng 3/2023 - tháng cao điểm.
Với tinh thần đó, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các DN sẽ chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép vào hoạt động chuyên môn, kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho NTD. Xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với NTD; chủ động và trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của NTD thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của DN trên thị trường.
Ngành chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của NTD, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp cần phát huy vai trò đại diện và cầu nối giữa NTD với cơ quan nhà nước và cộng đồng DN.
Trong tháng cao điểm (tháng 3), tùy theo điều kiện thực tế, dự kiến sẽ tổ chức lễ phát động ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2023 tại các trung tâm thương mại hoặc siêu thị. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất/kinh doanh của DN tại địa phương. Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền và vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, Ban Quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các điểm kinh doanh.
Đồng thời, tuyên truyền về ngày Quyền của NTD Việt Nam, về pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD; vận động các DN tổ chức các chương trình, hoạt động tri ân NTD thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động khác, như hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại; ký kết, cam kết DN sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì NTD…
Ngoài ra, tùy theo đặc điểm, tình hình cụ thể, các DN, hiệp hội, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể xây dựng và thực hiện các hoạt động vì quyền lợi NTD theo ngày, tuần, tháng để tập trung vào nhóm NTD tại địa phương hoặc trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.