17/10/2022 12:45
Ông Phạm Phước Trãi.
Phóng viên: Xin ông cho biết, công tác bình ổn giá dịp tết Nguyên đán năm 2023, Sở Công thương định hướng xây dựng kế hoạch như thế nào?
Ông Phạm Phước Trãi
Để thực hiện tốt công tác bình ổn giá vào dịp tết Nguyên đán năm 2023, cũng như đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn giá trên địa bàn tỉnh theo hướng xã hội hóa, nhằm kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng để vay vốn với lãi suất phù hợp.
Kế hoạch chương trình bình ổn giá nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần hạn chế tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an toàn xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Hàng hóa bình ổn giá là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá phù hợp, có nguồn cung dồi dào, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh.
Cụ thể: nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với khoảng 1.935 tấn, gồm: gạo, đường (RE, RS), dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản (chế biến và tươi sống); trên 01 triệu lon, bịch, hộp sữa các loại (sữa nước và sữa bột); 141.400 thùng sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì ăn liền, cháo ăn liền), 3.529 trứng gia cầm (gà, vịt), 1.200 tấn nhóm chất đốt như khí dầu mỏ hóa lỏng - gas. Thời gian thực hiện 05 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2022 đến tháng 02/2023 (trước, trong và sau tết).
Phóng viên: Theo ông, kế hoạch triển khai chương trình bình ổn giá năm 2022 và dịp tết Nguyên đán năm 2023 có những nội dung gì khác so với năm trước?
Ông Phạm Phước Trãi
Chương trình bình ổn giá năm 2022 và dịp tết Nguyên đán năm 2023 theo hướng xã hội hóa nhằm kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng để vay vốn với lãi suất phù hợp và tương tự như chương trình bình ổn giá dịp tết Nguyên đán của năm 2022. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với các đối tác ngoài tỉnh, thành để phát triển sản xuất đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trong tỉnh; thúc đẩy mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn giá được phân phối đến người tiêu dùng thuận lợi và nhanh chóng.
Lượng hàng hóa dự trữ năm 2022 và năm 2023 không có gì thay đổi. Tuy nhiên, nếu so với lượng hàng hóa dự trữ bình ổn giá của những năm trước, thì năm 2023 lượng hàng hóa dự trữ nhiều hơn. Cụ thể dầu ăn lượng dự trữ 275 tấn, cao hơn 120 tấn. Mặt hàng sữa các loại lượng dự trữ 1.071.540 lon, bịch, hộp/tháng, cao hơn 933.540 lon, bịch, hộp/tháng. Nhóm khí đốt (khí dầu mỏ hóa lỏng - gas) lượng dự trữ 1.200 tấn/tháng, cao hơn 453 tấn/tháng.
Phóng viên: Để công tác bình ổn giá từ nay đến cuối năm 2022 đạt hiệu quả cao, Sở Công thương tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào? Thưa ông?
Ông Phạm Phước Trãi
Để công tác bình ổn giá từ nay đến cuối năm đạt hiệu quả cao, Sở Công thương tập trung thực hiện các giải pháp: thực hiện nghiêm Quyết định số 1215/QĐ-UBND, ngày 01/7/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc tiếp tục vận động các doanh nghiệp, siêu thị tập trung chuẩn bị nguồn hàng, chủ động cung ứng hàng hóa đảm bảo cân đối cung cầu không để thiếu hàng hóa cục bộ dẫn đến giá tăng; phát triển mạng lưới phân phối, phủ rộng, sâu vào các khu dân cư, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc nhằm giúp người dân có điều kiện mua sắm vào dịp cuối năm. Đồng thời, theo dõi sát tình hình dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia bình ổn và kịp thời hỗ trợ khi có biến động. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương tuyên truyền về công tác bình ổn giá.
Ngoài ra, phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi diễn biến tình hình cung cầu, giá trên thị trường để thực hiện các giải pháp điều tiết thị trường. Kết nối các hợp tác xã với các đơn vị phân phối, các khách hàng có nhu cầu nhằm giải quyết đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho nông dân và cung ứng hàng hóa dồi dào cho thị trường trong tỉnh.
Bên cạnh đó, phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và bán giá đúng niêm yết nhằm đảm bảo người dân được mua đúng giá sản phẩm, chất lượng hàng hóa.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
MỸ NHÂN (thực hiện)
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.