10/02/2022 10:40
Trà Vinh cũng như cả nước, đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư (từ cuối tháng 4/2021) đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đang triển khai các cơ chế, chính sách và kế hoạch thực hiện phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao, tạo vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6802/VPCP-KTTH, ngày 23/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau dịch bệnh Covid-19, ngày 05/01/2022, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Kế hoạch số 01/KH-UBND nhằm thực hiện Công văn số 6802. Thực hiện kế hoạch về khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu hàng hóa giai đoạn sau dịch bệnh Covid-19, gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh đã ban hành có liên quan.
Nhìn lại năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đã gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cả hệ thống chính trị của tỉnh và Nhân dân ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên đàn vật nuôi… nên đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn; nhưng, nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung sức, đồng lòng, huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nên đã vượt qua khó khăn, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết HĐND tỉnh giao đạt một số kết quả quan trọng.
Năm 2021, tăng trưởng GRDP tuy âm (ước âm 3,92%, chỉ tiêu nghị quyết 11%), đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ khi Trà Vinh được tái lập. Trong đó, khu vực I, ước tăng 0,54%; ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, tác động tích cực đến tăng trưởng, tỷ trọng giá trị sản xuất toàn ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm cơ cấu nông nghiệp, tăng cơ cấu thủy sản phù hợp với định hướng của tỉnh, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Khu vực II, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong sản xuất, khai thác thị trường nội địa, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công…
Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng sản xuất trong thời gian khá dài và tiết giảm sản lượng điện theo điều tiết của ngành điện nhằm đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia nên khu vực II tăng trưởng âm 8,86% (trong đó công nghiệp âm 9,62%). Đối với khu vực III, âm 2,54%, các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, vui chơi, giải trí, dịch vụ lưu trú ăn uống, giao thông vận tải chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh Covid-19.
Trên cơ sở đó, nhằm thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xác định cụ thể các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh đề ra giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu sau dịch bệnh Covid-19. Cụ thể hóa các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của từng sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các sở, ngành xây dựng vùng nguyên liệu, tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu dùng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, tỉnh sẽ triển khai 06 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung phát triển vùng nguyên liệu an toàn, đối với cây lúa, phấn đấu năm 2022 sản lượng đạt 1,14 triệu tấn, tăng 2,92% so với năm 2021; giai đoạn 2021 - 2025, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, giữ ổn định 80.000ha; diện tích gieo trồng khoảng 200.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,15 triệu tấn lúa/năm, góp phần cung cấp nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cây dừa, phấn đấu năm 2022, sản lượng đạt 309.600 tấn, tăng 6,5%; giai đoạn 2021 - 2025 giữ ổn định diện tích khoảng 24.000ha, sản lượng khoảng 350.000 tấn. Các loại cây ăn quả khác, phấn đấu năm 2022, sản lượng đạt 263.470 tấn, tăng 9,31%, tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có lợi thế của tỉnh như bưởi da xanh, cam sành, xoài, quýt đường, thanh long ruột đỏ, măng cụt,... duy trì và phát triển các loại cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Đặc biệt, năm 2022, phấn đấu sản lượng tôm đạt 75.500 tấn; đến cuối năm 2025, diện tích nuôi 29.500ha, sản lượng 85.740 tấn; cá tra, năm 2022, sản lượng đạt 4.500 tấn. Dự kiến đến cuối năm 2025, diện tích nuôi 70ha, sản lượng khoảng 25.000 tấn.
Thứ hai, cần hỗ trợ tiếp cận chính sách xúc tiến thương mại, chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh hưởng lợi theo Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Thứ ba, cung cấp thông tin, cập nhật và khuyến cáo tình hình xuất khẩu có mặt hàng nông, thủy sản; theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các cửa khẩu và cung cấp thông tin, khuyến cáo về hoạt động điều tiết hàng hóa xuất khẩu mặt hàng nông sản, thủy sản từ nội địa lên các cửa khẩu biên giới; thông tin nhu cầu tiêu thụ nông, lâm và thủy sản của các thị trường xuất khẩu đối tác hiện nay cũng như các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam đã ký các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Thứ tư, tăng cường, triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh đến năm 2025. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị; các chương trình hợp tác, các hội chợ triển lãm, kết nối giao thương tầm quốc gia, quốc tế, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong kinh doanh tiêu thụ nông, sản và thủy sản. Ngoài áp dụng các chính sách của Trung ương, của tỉnh, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ưu đãi đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ sáu, đầu tư phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính có liên quan đến xúc tiến thương mại; hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về thủ tục hải quan cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung và chính sách quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, các quy định, quy trình thủ tục hải quan.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.