21/12/2022 14:15
Sản phẩm gạo được các cửa hàng trong tỉnh lựa chọn để trữ hàng phục vụ dịp Tết khá phong phú, với nhiều khối lượng khác nhau (Ảnh: Gạo đóng túi được Công ty Cổ phần TMDV Rau sạch Minh Nhí (thành phố Trà Vinh) trữ hàng phục vụ thị trường Tết) .
Hiện nay, Sở Công thương tỉnh Trà Vinh cùng các đơn vị phân phối triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, trong đó tăng cường việc chuẩn bị nguồn cung, điều tiết các sản phẩm hàng hóa thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: về đảm bảo nguồn hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2022 và tết Nguyên đán năm 2023. Đang triển khai kế hoạch hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường 03 tháng cuối năm 2022 và tết Nguyên đán (từ tháng 10/2022 đến tháng 02/2023 thực hiện trước, trong và sau Tết). Kết quả có 27 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia, gồm các nhóm như: lương thực, thực phẩm, tiêu dùng; nhóm mặt hàng sữa; nhóm mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng. Tổng trị giá hàng hóa ước khoảng 168,623 tỷ đồng.
Song song đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước tình hình thị trường những ngày giáp Tết thường xuyên biến động và có lúc diễn biến phức tạp... Sở Công thương đã tham mưu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) ban hành Kế hoạch số 09/KH-BCĐ389, ngày 13/12/2022 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tại kế hoạch này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã đưa ra 08 nội dung trọng tâm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ghi nhận về hoạt động thương mại trên địa bàn huyện Cầu Kè trong những ngày cuối năm 2022, cho thấy tình hình mua bán tại các chợ xã và trung tâm chợ huyện khá sầm uất, việc dự trữ hàng hóa phục vụ cho thị trường Tết diễn ra sôi động.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hồng (thị trấn Cầu Kè) kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, mứt và lạp xưởng… tại chợ huyện Cầu Kè cho biết: năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nên không khí chuẩn bị Tết khá hơn 02 năm qua; đặc biệt là các vật dụng phục vụ trang trí nhà cửa bán rất chạy. Riêng sản phẩm bánh mứt và kẹo năm nay khả năng tăng hơn năm 2022 khoảng 30%; giá cả khá ổn định, chưa thấy các đại lý cung ứng hàng tăng giá đối với các đơn hàng trong đầu tháng 12/2022.
Đồng chí Ông Minh Phúc, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cầu Kè cho biết: qua công tác nắm bắt tình hình về lưu thông hàng hóa phục vụ thị trường Tết tại các chợ đầu mối trên địa bàn huyện, cho thấy, các tiểu thương và đại lý tích trữ hàng hóa khá dồi dào và sức tăng hơn so với năm 2022 khoảng trên 35%. Đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng năm nay về khá nhiều và phong phú, nhất là các loại bánh mứt, kẹo và thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang cùng với các ngành như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Y tế huyện... chuẩn bị ra quân thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đạt chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết…
Năm 2022, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tổ chức tổ chức kiểm tra 1.396 vụ, phát hiện 716 vụ vi phạm, gồm: 78 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 615 vụ gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh và 23 vụ kinh doanh hàng giả. Các vụ việc xử lý theo quy định và nộp kho bạc 25,484 tỷ đồng.
So với năm 2021, phát hiện 651 vụ vi phạm (tăng 65 vụ), gồm: 81 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu (giảm 03 vụ); 533 vụ liên quan đến gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh (tăng 82 vụ) và 37 vụ liên quan đến hàng giả (giảm 14 vụ). Xử lý hành chính 648 vụ và nộp kho bạc 14,623 tỷ đồng (tăng hơn 7,85 tỷ đồng).
Cũng theo đồng chí Phạm Phước Trãi, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm lĩnh vực thương mại (hàng giả, hàng gian, hành kém chất lượng…), trong thời gian tới, ngành Công thương, các đơn vị và địa phương cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của UBND tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tập trung thực hiện các tốt công tác bám sát địa bàn, nắm chắc phương thức hoạt động của các đối tượng kinh doanh trái pháp luật, triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Quý Mão 2023.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.