01/11/2024 07:48
Cán bộ Thú y huyện Châu Thành thực hiện tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trên đàn gia súc cho hộ chăn nuôi ở xã Đa Lộc.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 08 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại 07 tỉnh, thành phố; tiêu hủy 13.658 con gia cầm, đặc biệt đã có 01 người tử vong do nhiễm vi-rút CGC A/H5N1 và 01 người nhiễm vi-rút CGC A/H9. 1.005 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) (tăng 2,74 lần so với cùng kỳ năm 2023) tại 46 tỉnh; tiêu hủy là 63.623 con heo (tăng 3,16 lần); 57 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) tại 18 tỉnh/2.022 con gia súc mắc bệnh (tăng 2,68 lần), tiêu hủy là 148 con (tăng 5,69 lần). 99 ổ dịch viêm da nổi cục tại 18 tỉnh, thành phố/547 con gia súc mắc bệnh (tăng gần 20%), tiêu hủy là 117 con. 199 ổ dịch bệnh dại trên động vật (tăng 7,56%) tại 35 tỉnh, thành…
Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; ngày 20/9/2024, Bộ NN-PTNT ban hành Công văn số 7057/BNN-TY về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật và tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Công văn số 4839/UBND-NN, ngày 24/9/2024 về việc thực hiện Công văn số 7057/BNN-TY.
Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra dịch bệnh DTHCP và bệnh dại, tuy nhiên dịch bệnh xảy ra rải rác, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với địa phương và các đơn vị có liên quan khoanh vùng, thực hiện đồng bộ các giải pháp dập dịch để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan; hiện nay, tình hình bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát.
Cùng với các nguyên nhân như: tỷ lệ tiêm phòng một số loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi còn rất thấp (tiêm vắc-xin LMLM đạt 34,86% so với chỉ tiêu/132.321 con gia súc. vắc-xin viêm da nổi cục đạt 48,26% so với chỉ tiêu/92.253 con trâu, bò. vắc-xin DTHCP đạt 10,11% so với chỉ tiêu/14.775 con. Vắc-xin CGC đạt 91,44% so với chỉ tiêu/2.886.751 con gia cầm. Vắc-xin dại đạt 52,94% so với chỉ tiêu/42.508 con chó, mèo). Tình hình thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh; chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; cùng với việc gia tăng tổng đàn, gia tăng vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm vào những tháng cuối năm để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp lễ, Tết.
Thông tin từ lãnh đạo Sở NN-PTNT, thực hiện Công văn số 7057/BNN-TY và Công văn số 4839/UBND-NN… hiện nay, ngành chuyên môn đang phối hợp với địa phương tập trung tổ chức tiêm phòng đại trà vắc-xin đợt II/2024 đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (CGC, LMLM, DTHCP, dại, viêm da nổi cục…) cho đàn vật nuôi. Đồng thời, rà soát tiêm phòng nhắc lại đối với vật nuôi đã hết hoặc sắp hết miễn dịch, tiêm phòng bổ sung đối với vật nuôi mới phát sinh nhưng chưa được tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc-xin tại thời điểm tiêm phòng; xử lý nghiêm đối với các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán, đồng chí Lê Văn Đông nhấn mạnh một số nội dung từ nay đến cuối năm cần tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên chủ động vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh. Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng. Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng qua phương tiện truyền thông với nội dung phù hợp với tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; cấp phát tài liệu bướm tuyên truyền về các bệnh nguy hiểm (CGC, LMLM, viêm da nổi cục, DTHCP, dại…)…
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật; đặc biệt, tăng cường công tác của đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh. Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, nhất là tại các địa bàn thường xuyên để xảy ra dịch bệnh.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát huy thế mạnh về đặc điểm của vùng sản xuất ven biển, những năm qua, chị Trương Thị Cúc, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dê nhốt chuồng và trồng rừng kết hợp thả nuôi cua biển, tôm luân canh. Hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 03-05 lần so với chi phí đầu tư...