19/12/2020 07:06
Công nhân cắt tách viên kẹo đậu phộng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Tôn Thị Hường, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Minh Lợi, Phường 6, thành phố Trà Vinh chia sẻ: hàng năm cơ sở chỉ sản xuất 02 vụ mùa chính là mùa bánh Trung thu và kẹo đậu phộng bán dịp tết Nguyên đán. Sau vụ sản xuất, cơ sở vệ sinh dây chuyền sản xuất và nâng cấp, thay mới những bộ phận máy móc bị xuống cấp để chuẩn bị vụ mùa sản xuất kế tiếp. Vụ tết Tân Sửu 2021, kế hoạch sản xuất của cơ sở khoảng 20 tấn kẹo đậu phộng. Do đó, vào thời điểm này, cơ sở chuẩn bị các nguyên liệu đậu phộng, mè, mạch nha, đường để sản xuất kẹo đậu phộng. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tình hình thiên tai, dịch bệnh Covid-19, nhất là những cơn bão, lũ lụt vừa qua ảnh hưởng đến tình hình sản xuất đậu phộng của nông dân, nên nguyên liệu đậu phộng mua vào khó khăn mà giá lại tăng cao. Song song đó, mặt hàng mè, mạch nha, đường cũng tăng theo, bình quân các nguyên liệu tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Trong khi dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nên đầu ra sản phẩm giảm dần, vì lẽ đó, cơ sở giữ giá bán kẹo đậu phộng ở mức bình ổn như năm trước, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, lợi nhuận của cơ sở sẽ giảm hơn năm trước. Bởi cơ sở sản xuất chủ yếu duy trì các đơn đặt hàng và tạo việc làm cho lao động. So với năm trước, thời điểm này cơ sở giải quyết hàng chục lao động, năm nay do tình hình bị ảnh hưởng chung của dịch bệnh nên cơ sở chỉ duy trì 10 lao động, thu nhập khoảng 120.000 - 200.000 đồng/ngày/lao động. Nếu thời điểm này mà cơ sở tạm dừng sản xuất, khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, thì đến cận Tết cơ sở sẽ khó tìm được công nhân để vào mùa sản xuất. Vì vậy, phần lớn hiện nay cơ sở chủ yếu sản xuất kẹo đậu phộng theo đơn đặt hàng, có ngày năng lực sản xuất khoảng 500 - 700kg kẹo, có ngày không có đơn đặt hàng nào.
Bà Tôn Thị Hường điều khiển dây chuyền đóng gói sản phẩm kẹo đậu phộng. |
Theo bà Hường, nếu tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, người dân có thể sẽ đón Tết trong nhà không du xuân nên sức tiêu thụ mặt hàng bánh kẹo sẽ giảm mạnh. Tuy sản lượng sản xuất vào mùa khởi động và sức tiêu thụ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, nhưng cơ sở sản xuất bánh kẹo Minh Lợi vẫn áp dụng chính sách bồi dưỡng thêm 50 - 70% mức thu nhập cho nhân công tham gia sản xuất, vừa góp phần tăng thu nhập, vừa đảm bảo nguồn lao động cho những mùa vụ sản xuất tiếp theo.
Mặt hàng lạp xưởng của cơ sở sản xuất Ngô Khoan, Phường 6, thành phố Trà Vinh đã ngưng hoạt động hơn 03 tháng nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên đầu ra khó khăn, trong khi đó cơ sở chịu áp lực các loại thuế khoán tháng, thuế môn bài,… chính vì vậy, cơ sở đăng ký tạm ngưng hoạt động và đang chờ dịch bệnh Covid-19 đi qua, cơ sở sẽ sản xuất bán vào dịp Tết.
Theo ông Ngô Đạt Hòa, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Ngô Khoan, với nghề sản xuất truyền thống của gia đình hơn 50 năm, mặt khác mặt hàng lạp xưởng cung cấp nhỏ lẻ, nên cơ sở chỉ sản xuất bình quân khoảng 30kg lạp xưởng/ngày, giá bán bình quân từ 320.000 - 400.000 đồng/kg tùy loại, lợi nhuận từ 10.000 - 11.000 đồng/kg. Do sản lượng sản xuất ít, nên cơ sở sản xuất chủ yếu tạo việc làm cho 03 thành viên trong gia đình. Theo kế hoạch hàng năm, vào dịp Tết cơ sở sản xuất trên 02 tấn lạp xưởng cung cấp cho các cửa hàng bách hóa tổng hợp để gói quà Tết và giải quyết việc làm 08 lao động. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cơ sở chưa đăng ký lại hoạt động kinh doanh. Với tình hình này, hy vọng dịch bệnh Covid-19 sớm đi qua, cơ sở có điều kiện tái sản xuất, còn ngược lại cơ sở sẽ ngưng hoạt động mùa vụ Tết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các cơ sở hiện nay đều đã lên phương án và kế hoạch sản xuất, kinh doanh để phục vụ thị trường tết Nguyên đán Tân Sửu nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các cơ sở, doanh nghiệp đã ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng theo đơn đặt hàng, vừa “giữ mối” chờ đại dịch đi qua, vừa có thêm thu nhập trang trải trong thời điểm khó khăn.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố Trà Vinh, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Trà Vinh, một số doanh nghiệp, cơ sở ngưng hoạt động hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên. Hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm đáng kể. Quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, khả năng mở rộng sản xuất hạn chế, một phần do kinh doanh nhỏ lẻ, máy móc thiết bị còn lạc hậu, sản xuất thủ công còn nhiều, năng lực tài chính yếu, chưa chú trọng quảng bá thương hiệu, trình độ năng lực quản lý còn hạn chế.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh, giá thị trường, nhất là vào thời điểm cuối năm và tết Nguyên đán 2021. Tăng cường tiếp cận doanh nghiệp, cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mạnh dạn đầu tư, cải tiến máy móc thiết bị, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, từng bước tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.