09/11/2021 06:20
Ông Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy (giữa) cùng ngành nông nghiệp kiểm tra công tác phòng, chống bệnh VDNC tại huyện Cầu Ngang.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc đang diễn biến hết sức phức tạp; nguyên nhân là do trong thời gian qua đối với bệnh VDNC có đường truyền lây đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt lây lan thông qua các đường véc-tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu truyền bệnh…) chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn phổ biến; cùng với đó là điều kiện các hộ chăn nuôi, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh; giá trị kinh tế của trâu, bò khá cao, do đó đã có tình trạng người chăn nuôi không đồng ý tiêu hủy do mức hỗ trợ của Nhà nước còn thấp. Đối với vi-rút bệnh DTHCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; chưa có thuốc, vắc-xin phòng, trị bệnh; chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.
Tính đến ngày 02/11, bệnh VDNC ở bò đã xảy ra tại 277 ấp, khóm của 62/106 xã, phường, thị trấn thuộc 07/09 huyện, thị xã, thành phố (gồm Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, thị xã Duyên Hải, Cầu Kè và thành phố Trà Vinh). Trong đó, số bò nghi, mắc bệnh 3.346/10.451 con bò, của 1.916 hộ; đã tiến hành tiêu hủy 595 con, trọng lượng 107,907 tấn. Bệnh DTHCP xảy ra tại 24 ấp/khóm của 18 xã thuộc 04 huyện: Cầu Kè, Cầu Ngang, Duyên Hải và Càng Long. Trong đó, số heo nghi, mắc bệnh 722/ 1.199 con, của 37 hộ; đã tiêu hủy 1.032 con, trọng lượng 75,281 tấn.
|
Trong ngày 03/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh VDNC và DTHCP của tỉnh có buổi làm việc trực tiếp với 02 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải để nắm bắt tình hình về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Theo ông Lê Văn Đông, qua cuộc họp trên, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát thật kỹ về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc để từ đó có kiến nghị với tỉnh nhằm công bố hết dịch (VDNC ở trâu, bò) để khôi phục lại sản xuất. Trên cơ sở sau khi công bố hết dịch, các địa phương tập trung tạo điều kiện cho người nuôi tiến hành tái đàn, nuôi mới đảm bảo nguồn cung phục vụ cho thị trường trong và sau tết Nguyên đán 2022.
Qua đó, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát dịch bệnh đến từng hộ nuôi, phối hợp cơ quan chuyên môn hướng dẫn các giải pháp cách ly, điều trị, tiêu hủy gia súc mắc bệnh để khống chế dịch bệnh lây lan. Trong này, đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố có dịch bệnh cần tập trung thực hiện các giải pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để khống chế dịch bệnh, không để dịch phát sinh và lây lan. Ghi nhận của chúng tôi trên địa bàn huyện Trà Cú, mặc dù là địa phương đầu tiên xảy ra dịch bệnh VDNC ở trâu, bò và đến ngày 02/11 đã xuất hiện bệnh trên địa bàn 16/17 xã, thị trấn với tổng đàn bò mắc bệnh 1.675 con (trong đó có 207 con chết và tiêu hủy) của 941 hộ nuôi, chiếm 3,7% so với tổng đàn chung của huyện (45.221 con).
Theo ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, đối với bệnh VDNC hiện huyện đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho 38.462/45.221 con bò, đạt tỷ lệ tiêm 94,5%. Số bò được điều trị và dần hồi phục được 1.326/1.468 con. Tuy nhiên, trên đàn heo hiện khá an toàn với bệnh DTHCP; đang được huyện tập trung quản lý chặt và thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Hiện trên địa bàn huyện có tổng đàn heo khoảng 35.000 con, nguyên nhân dịch bệnh DTHCP được khống chế tốt là nhờ trong thời gian trước bệnh DTHCP xảy ra không nhiều ổ dịch như các địa phương khác và công tác tiêu độc khử trùng khu vực nuôi trên diện rộng, thường xuyên đã cơ bản xử lý tốt mầm bệnh và vi-rút bệnh DTHCP. Số hộ thuộc đối tượng có heo bị tiêu hủy do bệnh DTHCP trước đây rất ít nuôi mới và tái đàn cùng với đó là công tác quản lý của ngành chuyên môn khá chặt chẽ.
Còn tại huyện Cầu Kè, tình hình bệnh DTHCP diễn biến khá phức tạp và đây là địa phương có số heo nghi mắc bệnh và tiêu hủy cao nhất, đến ngày 02/11 bệnh DTHCP đã xảy ra trên địa bàn 09 ấp/khóm của 06/11 xã, thị trấn. Trong đó, số heo nghi, mắc bệnh 381 con trên tổng đàn 565 con, của 14 hộ; đã tiêu hủy 564 con, với 40,417 tấn. Theo bà Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè, khả năng từ nay đến cuối năm 2021, tình hình bệnh DTHCP sẽ diễn biến khó lường; đây là nguy cơ khá lớn làm ảnh hưởng đến nguồn heo thịt cho thị trường tết nếu không quản lý và khống chế tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay do giá heo hơi giảm và chi phí đầu tư cao (với giá heo hơi 4,3-4,5 triệu đồng/tạ, người nuôi lỗ từ 01-1,2 triệu đồng/tạ heo hơi) nên từ đó cũng ít nhiều xảy ra tâm lý lơ là, chủ quan của người chăn nuôi heo trong chăm sóc và bảo vệ đàn trước tình hình bệnh DTHCP…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.