06/09/2021 16:49
Nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng chu cầu tiêu dùng tối thiểu cho người dân trong mọi tình huống và theo từng cấp độ dịch bệnh Covid-19, với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ), chủ động nguồn hàng ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mặt hàng lương thực tại hệ thống siêu thị Co.opmart cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng.
Thông tin từ Sở Công thương, đối với phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 như: gạo, thịt heo, thủy, hải sản, rau, củ, quả, khẩu trang kháng khuẩn, mì gói và một số nhu yếu phẩm khác, với tổng số tiền dự trữ trên 711,693 tỷ đồng. Trong 13 mặt hàng thiết yếu, có 05 mặt hàng dự trữ tăng so với nhu cầu: gạo, thịt heo, thủy, hải sản, rau, củ, nước uống.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm đều được đóng gói, đóng chai, thùng nhiều kích cỡ, tùy tình hình phân bổ và bố trí phù hợp để tiết kiệm thời gian, nguồn lực thực hiện; khi có nhu cầu, hàng hóa sẽ vận chuyển đến cho người dân. Trường hợp tại các điểm bán hàng xảy ra thiếu hàng, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị phân phối thực hiện điều tiết nguồn hàng trong hệ thống, bù đắp lượng hàng thiếu. Trường hợp không đủ hàng điều tiết trong hệ thống, Sở Công thương chỉ đạo siêu thị, đơn vị phân phối khác phối hợp cung cấp.
Đối với trường hợp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có chợ dân sinh tạm dừng hoạt động do có các ca nhiễm, trong trường hợp cần thiết phải mở các điểm bán hàng tạm thời thay thế, các huyện phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị liên quan bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa, để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đối với phương án dự trữ và cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực cách ly theo từng cấp độ của dịch bệnh, Sở Công thương đã rà soát và xây dựng phương án với tổng số tiền dự trữ hàng hóa trên 17,5 tỷ đồng.
Cụ thể phương án và cấp độ 5 dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc phải, lượng hàng hóa cho các khu vực bị cách ly tập trung với số người cần cung cấp nhu yếu phẩm 30.000 người trong 14 ngày; các mặt hàng gạo 252 tấn, thịt heo 18,9 tấn, thịt gà 21 tấn, trứng 210.000 quả; thủy, hải sản 21,84 tấn, rau củ 134,4 tấn, mì gói 28.000 thùng, muối ăn 2,1 tấn, dầu ăn 12.600 lít, nước uống 840.000 lít, khẩu trang vải kháng khuẩn 90.000 chiếc, nước sát khuẩn 3.000 lít, giấy vệ sinh 30.000 cuộn. Hàng hóa được dự trữ tại Siêu thị Co.opmart Trà Vinh, Co.opmart Duyên Hải, Co.opmart Tiểu Cần, Siêu thị EB Trà Vinh (Go! Trà Vinh); Công ty Lương thực và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, với tinh thần luôn sẵn sàng.
Các đơn vị sản xuất hàng hóa dự trữ đảm bảo ổn định kể cả chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm cung ứng cho Nhân dân tại vùng có xảy ra dịch bệnh Covid-19, kịp thời và đủ về số lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Bên cạnh đó, có phương án dự trữ hàng hóa tại các khu, chủ động tiếp ứng và tập kết hàng hóa thiết yếu đến các đại lý, cửa hàng, điểm bán trong hệ thống phân phối tại các xã vùng sâu, vùng xa, các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian thực phương án đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân trong mùa dịch bệnh, siêu thị Co.opmart đã chủ động triển khai thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu đảm bảo ổn định thị trường, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định.
Theo ông Nguyễn Long Giang, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart, hiện tại hàng hóa tại siêu thị luôn đảm bảo đầy đủ, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, mặt hàng lương thực thực phẩm tại siêu thị luôn tăng cường và điều tiết phù hợp trong mùa dịch. Ngoài ra, siêu thị đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến, bán hàng online lên 200% so với ngày thường để người dân hạn chế tập trung đông người.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Thạch Thị Cẩm Hồng, ở Khóm 1, Phường 3, thành phố Trà Vinh chỉ đến chợ mua thịt, cá, rau củ tươi sống về dùng trong 01 tuần, còn các nhu yếu phẩm khác như gạo, nước mắm, đường chị mua hàng trực tuyến bằng điện thoại tại cửa hàng bách hóa tổng hợp quen. Với chị Hồng, mặt hàng nào gần hết chị điện thoại chủ cửa hàng bách hóa tổng hợp mua bổ sung. Đối với nhu yếu phẩm như đồ gia vị, mì gói, gạo, thời gian sử dụng lâu nên không áp lực về tài chính, áp dụng hình thức mua hàng trực tuyến hạn chế tiếp xúc và đến chỗ đông người. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống thời gian bảo quản ngắn nên thường xuyên mua mới, chọn sản phẩm chất lượng. Tuy dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa luôn đảm bảo, chỉ việc mua sắm gặp không ít trở ngại do qua các trạm kiểm dịch.
Còn chị Phạm Thị Nguyệt Cầm, ở Khóm 2, Phường 1, thành phố Trà Vinh áp dụng hình thức mua nhu yếu phẩm trực tiếp tại chợ Trà Vinh. Theo chị Cầm, đối với mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, mì gói và một số nhu yếu phẩm khác chị mua gấp đôi/sản phẩm nên dùng được 10 - 20 ngày mới hết. Còn mặt hàng lương thực thực phẩm chị mua theo thẻ quy định ngày đi chợ của địa phương cấp phát. Mặc dù các loại hàng hóa luôn đầy đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng thời điểm này địa phương phát thẻ đi chợ 05 ngày/lần, trong khi đó mặt hàng thịt, cá, tôm và rau củ tươi sống thời gian bảo quản ngắn nên chị mua sử dụng 02 - 03 ngày, nếu mua dự trữ lâu thì hàng hóa dễ bị hỏng, chất lượng dinh dưỡng giảm. Do đó, để có sản phẩm tươi sống chị gửi những người trong xóm có thẻ đi chợ chéo ngày với mình mua dùm. Nhờ vậy, vừa có sản phẩm tươi sống đạt yêu cầu vừa thực hiện đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo ông Lưu Văn Nhạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, phương án này áp dụng trong suốt quá trình phòng, chống dịch bệnh hoặc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trong quá trình thực hiện phương án, Sở tạo điều kiện cho các huyện, thị xã, thành phố chủ động khả năng của từng địa phương để dự trữ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Qua phương án này, Sở nắm được hàng hóa cung ứng của tỉnh, từ đó sắp xếp địa phương nào còn thiếu mặt hàng nào, Sở phối hợp với siêu thị để cung ứng hàng hóa cho từng địa phương.
Riêng mặt hàng mì gói, dầu ăn và các sản phẩm ăn liền, Sở phối hợp với các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp hỗ trợ điều tiết nguồn cung đối với những nguồn hàng này đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Hiện tại hàng hóa cung ứng trên địa bàn tỉnh đang vận hành tốt và không có khan hiếm hàng hóa cục bộ xảy ra.
Ngoài ra, Sở đã chuẩn bị tình huống nếu một số chợ đầu mối, chợ truyền thống bị tạm dừng do dịch bệnh ảnh hưởng đến quá trình cung ứng hàng hóa, sẽ bố trí, sắp xếp lực lượng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng lưu động khi cần thiết. Bởi vì trong quá trình xây dựng phương án, đã dự trù hàng hóa cho từng hộ gia đình và từng nhân khẩu nên hàng hóa luôn đảm bảo phục vụ người tiêu dùng trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài.
Song song với đảm bảo hàng hóa ứng phó, nhằm phục vụ người dân trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Sở Công thương vận động các doanh nghiệp tham gia bình ổn hàng hóa phục vụ thị trường mùa khai giảng năm học mới và tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện an sinh xã hội, với tổng giá trị 291,983 tỷ đồng. Trong đó, phục vụ thị trường Tết 147,433 tỷ đồng, còn lại phục vụ mùa khai giảng. Chương trình triển khai thực hiện theo hướng tăng cường xã hội hóa khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết để tăng hiệu quả thực hiện, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.