19/08/2022 07:21
Sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm nông sản có lợi thế, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới sản xuất, đóng góp quan trọng vào lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Trần Duy Linh (trái), Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè kiểm tra sản phẩm kẹo chế biến từ dừa sáp - sản phẩm đạt OCOP.
Đến nay, toàn tỉnh có 80 sản phẩm OCOP. Đạt kết quả này là nhờ tỉnh xác định đây là chương trình quan trọng; tập trung phát huy các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Từ đó, tỉnh triển khai thực hiện theo định hướng “không chạy theo phong trào, mà theo quy luật cung cầu”; trong đó, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của từng địa phương.
Bà Diệp Hoàng Thảo, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Trường Đại học Trà Vinh), thành viên tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, người trực tiếp cùng với các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh cho biết: Trường Đại học Trà Vinh được phân công phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam tư vấn, phát triển nâng cấp 80 sản phẩm OCOP hiện có; phát triển thêm sản phẩm mới, đánh giá, sàng lọc và xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP; trong đó, hướng dẫn, tư vấn nhận dạng sản phẩm, tiêu chí và tiêu chuẩn, quy trình đánh giá, hồ sơ, thủ tục để được công nhận OCOP… Hiện Trường Đại học Trà Vinh thực hiện tại các huyện, thị xã và ghi nhận bước đầu khả quan.
Ngày 06/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký Kế hoạch số 43/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 13/4/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đây là “cẩm nang” nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu theo hướng bền vững, khai thác tiềm năng thế mạnh, tăng cường sức cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân. Đồng thời, giúp các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: sản phẩm OCOP là động lực phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân, XDNTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ cho sản phẩm; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm. Từ quan điểm đó, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Huyện Cầu Kè có thế mạnh dừa sáp, đã giúp Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè có 05 sản phẩm kẹo đạt OCOP. Sản phẩm OCOP của Công ty không ngừng hoàn thiện, nâng cấp và chuyển biến về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ thể áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để tạo sản phẩm chất lượng cao.
Chương trình OCOP là động lực quan trọng thúc đẩy, khai thác hiệu quả với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc trưng, lợi thế của từng địa phương. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất, doanh thu, lợi nhuận.
Tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025: đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện nội dung Chương trình số 14-CTr/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo. Hỗ trợ bảo hộ trí tuệ theo Nghị quyết số 80/2019/NQ-HĐND, ngày 12/4/2019 của HĐND tỉnh: 10 nhãn hiệu tập thể, 50 nhãn hiệu thông thường, 10 kiểu dáng công nghiệp, 05 sáng chế/giải pháp hữu ích và 05 nhãn hiệu được đăng ký quốc tế. Triển khai ít nhất 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ đăng ký bảo hộ 13 nhãn hiệu chứng nhận, 02 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP. Hàng năm, toàn tỉnh có thêm từ 25 - 30 sản phẩm trở lên được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Có trên 50% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Có trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được tham gia các sàn giao dịch điện tử. |
Trà Vinh còn nhiều tiềm năng, lợi thế (nhiều sản phẩm có khả năng đạt OCOP) nhưng nhận thức về chương trình cũng như về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn chưa đầy đủ. Các sản phẩm tuy đa dạng, phong phú nhưng phần lớn nhỏ lẻ. Công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên, sâu sát. Trên địa bàn tỉnh, hiện còn một số xã, phường chưa có sản phẩm OCOP. Sự tham gia của một số chủ thể còn hạn chế do tâm lý e ngại, chưa hiểu biết sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa chương trình... Việc tiếp tục đẩy mạnh Chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” tạo sản phẩm có giá trị cao, khối lượng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, người dân nông thôn được cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, đổi mới phương thức sản xuất.
Ông Lê Văn Đông cho biết thêm: để Chương trình OCOP ngày càng hiệu quả, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các chủ thể và Nhân dân thì cần triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện, huy động hiệu quả nguồn lực, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại... Trong đó, sự đồng thuận, quyết tâm, vào cuộc tích cực, thực chất, sâu sát của lãnh đạo cấp cơ sở, chủ thể và Nhân dân là động lực, điểm tựa vững chắc cho Chương trình, đi vào chiều sâu, tạo giá trị bền vững.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tỉnh xác định: Chương trình OCOP là động lực quan trọng; cần hỗ trợ tư vấn, đăng ký và bảo hộ trí tuệ; hỗ trợ áp dụng và cải tiến về năng suất, chất lượng, sản phẩm của doanh nghiệp; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng; quảng bá và tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch; xây dựng các cửa hàng giới thiệu, trưng bày, kinh doanh các sản phẩm OCOP…
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển nghiêm túc tổ chức kiểm điểm những tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm về chống khai thác IUU tại địa phương; bố trí đủ cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm thực hiện công việc và có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp.