30/03/2022 07:22
Hàng chục hộ nuôi tôm đều thải và lấy nước ra trên cùng tuyến kênh Năm Dễ (ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang).
Tuy nhiên, với việc thả nuôi nhặt vụ và nguồn nước lấy vào, thải ra với lượng cao gấp 04 - 05 lần so nuôi tôm quảng canh... Qua đó, gây khó khăn cho ngành chuyên môn và địa phương trong công tác quản lý lịch thời vụ, chất thải vào nguồn nước khó kiểm soát…
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: từ năm 2017 đến nay, nuôi tôm thâm canh mật độ cao phát triển mạnh, năm 2021 có 865,4ha, đạt năng suất bình quân 36 tấn/ha; trong quý I/2022, nông dân trong tỉnh thả nuôi hình thức thâm canh mật độ cao 302ha, năng suất đạt 45 tấn/ha. Về khung lịch thời vụ của ngành đưa ra, người nuôi tôm hình thức thâm canh mật độ cao hiện nay thường triển khai nuôi liên tục trong năm, chỉ ngưng thả khi tình hình giá tôm thương phẩm thấp, khả năng nuôi lỗ mới cắt vụ. Từ đó, nguồn nước trong ao nuôi do không cắt vụ, ảnh hưởng rất lớn về môi trường, mầm bệnh và chất thải trong ao tôm khi ra ngoài nguồn nước sông rạch…
Hiện nay, đa phần các vùng nuôi tôm thâm canh mật độ cao chưa có hệ thống kênh rạch riêng biệt cung cấp cho nguồn nước lấy vào và nguồn nước thải ra. Nên nguồn nước trong kênh “hòa trộn” vào môi trường tự nhiên, rất dễ làm cho mầm bệnh lưu tồn quanh năm trong môi trường nước, đất… Từ đó, gây bất lợi cho các hộ nuôi tôm (chủ yếu nuôi bán thâm canh hay nuôi quảng canh) chưa được đầu tư tốt về ao hồ, trang thiết bị, kỹ thuật cũng như việc quản lý khép kín về đầu vào - đầu ra trong xử lý nguồn nước… rất dễ rủi ro về mầm bệnh, ô nhiễm môi trường nước trong quá trình nuôi tôm.
Tại xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang từ năm 2018 đến nay, các hộ nuôi tôm thâm canh mật độ cao phát triển rất mạnh và hiệu quả mang lại rất cao (từ 80 - 90%). Trong khi đó, ở hình thức nuôi tôm thâm canh, quảng canh cải tiến (ao đất) thường gặp nhiều rủi ro, tỷ lệ hộ nuôi thành công rất ít (chiếm khoảng 55%). Trong quý I/2022, xã Hiệp Mỹ Đông có 58 hộ nuôi tôm thâm canh mật độ cao với diện tích 8,5ha (tăng hơn 10 hộ so với vụ nuôi năm 2021).
Qua trao đổi với chúng tôi, nông dân Lê Văn Tích, ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông cho biết: gia đình đã chuyển sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao từ năm 2018 đến nay, với diện tích 2,4ha. Gia đình cũng thả nuôi liên tục, sau khi xử lý xong ao nuôi và giá tôm ổn định, có lời là bắt tay vào thả giống, do nuôi công nghệ cao theo hướng khép kín nên nuôi được quanh năm, ít phụ thuộc nhiều vào thời tiết, môi trường…
Cũng theo ông Lê Văn Tích, do nuôi tôm thâm canh mật độ cao đòi hỏi nguồn nước lấy vào và đưa ra rất lớn, nhất là khi tôm được 01 tháng tuổi. Đối với nguồn nước thải trong ao tôm được xử lý biogas và đưa ra ao lắng trước khi thải ra kênh rạch. Khi đó, nguồn nước thải ra ngoài có mầm bệnh hay không, nên khó xác định vì không có dụng cụ test,…
Nông dân Lê Trang Diển, ấp Cái Già chia sẻ: hiện nay, do việc thả nuôi tôm quanh năm, nên ít nhiều nguồn nước cũng ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ trong nuôi tôm. Việc sử dụng chung nguồn nước từ kênh (lấy vào và thải ra) nên mầm bệnh rất khó kiểm soát và không cắt được thời vụ. Nếu không nuôi theo công nghệ 4.0 thì nuôi tôm rất dễ rủi ro.
Ông Huỳnh Tấn Thuận, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cầu Ngang cho biết: do thả nuôi liên tục và quanh năm đối với các hộ nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao, việc sử dụng lượng nước (cấp vào, thải ra) rất lớn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra và lấy mẫu nước tại các hộ nuôi tôm công nghệ cao thải ra kênh, rạch… hiện nay đối với cấp huyện không có cán bộ chuyên môn thực hiện mà phải do đơn vị chuyên môn của tỉnh. Nên một số vùng nuôi tôm được người dân phản ánh, đơn vị cấp phòng của huyện cũng có ghi nhận và báo cáo về tỉnh.
Hiện nay, việc quản lý và bảo vệ môi trường đối với cấp huyện chủ yếu dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền với người nuôi thủy sản thực hiện đúng theo các cam kết về bảo vệ môi trường trong đăng ký nuôi tôm thâm canh mật độ cao; vận động các hộ nuôi cùng chung tay góp phần bảo vệ môi trường và chất thải được xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường tự nhiên.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, phong trào XDNTM huyện Duyên Hải đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện Duyên Hải vinh dự đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022. Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện. Trong đó, phải kể đến vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong huyện. Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Duyên Hải đã tổ chức nhiều hoạt động, thành lập nhiều mô hình phù hợp, thiết thực tham gia XDNTM, góp phần mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.